Lột xác từ trong đau khổ
|
|||
Bữa cơm của trẻ em đường phố với đầy đủ dinh dưỡng. |
Ngồi với tôi trước bậc thềm của Gia đình số 1, ông Hoàng Xuân Thanh nhẩm tính, gần hai mươi năm đã trôi qua, từ một trụ sở và là nơi nuôi dạy trẻ lang thang, bụi đời ở số 312 - Phan Châu Trinh, đến nay trung tâm đã có 5 Gia đình với số lượng gần 150 em và 1 trường dạy nghề cho trẻ lang thang, nghèo khó thường xuyên có trên 60 em được giáo dục, dạy nghề. Bao nhiêu số phận con người đã đi qua đây, nhiều trẻ lang thang ngày xưa bây giờ đã có gia đình, cuộc sống riêng ổn định; nhiều đứa cháu “nội’, cháu “ngoại” của trung tâm đã được chào đời trong vòng tay yêu thương của bố mẹ chúng.
Nhiều đứa trẻ ngày trước cứ ngỡ rằng cuộc đời đã khép cửa với chúng nhưng nhờ có những gia đình này, nhờ những vòng tay nhân ái của xã hội mà đã lột xác, đã trưởng thành. Đứa trẻ đầu tiên đến với trung tâm là Nguyễn Văn Hùng (1976), nay đã là chủ của một tiệm cắt tóc khá đông khách ở quận Sơn Trà; Nguyễn Thanh Tâm (1978), nay là Trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng quân ở Tam Kỳ (Quảng Nam); Nguyễn Minh Tuấn (1981), nay là kỹ sư thực hành ngành điện tử, làm việc cho một liên doanh với Hàn Quốc ở Hà Nội.
Nguyễn Đình Tâm (1977), nay là chủ một cơ sở cơ khí lớn ở quận Ngũ Hành Sơn, không những nuôi các em ruột của mình ăn học, Tâm còn liên hệ mật thiết với trung tâm để đưa về cơ sở 7 em cùng cảnh ngộ với mình ngày trước đến học nghề, mỗi tháng ngoài chi phí ăn uống, Tâm còn trả lương cho các em theo trình độ tay nghề. Trần Thị Lệ Phương, nay là chủ của hai hiệu sách và kinh doanh văn hóa phẩm khá lớn ở Cẩm Lệ; Trần Thị Lệ Thu, nay là nhân viên của Khách sạn Saigontourane… Những em khác hiện đang sinh sống trong các gia đình của trung tâm như Thúy An, nay là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Ngoại ngữ; Thục Quy là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng; Quỳnh Anh là sinh viên Khoa Kế toán Trường Cao đẳng Phương Đông…
Những tấm lòng dành cho trẻ lang thang
Phải nói rằng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, để thành phố vắng bóng trẻ bụi đời như hiện tại là một kỳ tích của những người sáng lập nên TTBTTEĐP Quảng Nam-Đà Nẵng ngày ấy và Đà Nẵng bây giờ. Là kết quả của những ngày tháng làm việc không biết mệt mỏi của những người làm công tác xã hội không lương. Họ đã làm việc bằng chính trái tim và tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ lang thang, bụi đời. Những cái tên như Hiền Lương, Nguyễn Rân, Hoàng Xuân Thanh… đã và sẽ mãi mãi không mờ phai trong tâm khảm của những đứa con được trung tâm nuôi dưỡng, giáo dục.
Chúng ta không thể không cảm động khi biết được những người như nhạc sĩ Hoàng Minh Nhân đã bỏ bao thời gian công sức để chăm chút cho những đứa con mình không sinh nở ở Gia đình số 5 của Trung tâm. Cô Nguyễn Thị Nhung – giáo viên Trường tiểu học Ông Ích Khiêm, lúc đầu chỉ tình nguyện đến trung tâm dạy văn hóa cho các em một tuần 3 buổi, nhưng khi nhận ra những đứa trẻ đường phố này rất cần đến mình thì cô đã xin nghỉ hẳn công việc ở trường để đến ở, chăm sóc và dạy chữ cho các em từ đó đến nay.
Cô Nhung kể: Từ năm 1991 đến bây giờ, riêng cô ở Gia đình số 1 đã chăm sóc và chắp cánh cho hơn 120 trẻ em đường phố. Nhiều đứa con mặc dù cô không mang nặng đẻ đau, nhưng giờ này dù ở chân trời góc bể nào cũng nhớ về mẹ Nhung của chúng. Ngày Tết, các con đi làm ăn xa lại trở về để thay “mẹ” lo Tết cho các “em” ở gia đình. Cô Nhung tâm sự: Mình không có gia đình riêng, nên cả tuổi thanh xuân cho đến bây giờ luôn gắn bó với các con ở trung tâm. Cảm giác một người chưa lập gia đình mà có đến cả trăm đứa con như thế này khó tả lắm…
Mặc dù trung tâm bảo trợ này ra đời và hoạt động theo phương thức của một tổ chức phi chính phủ, không nhận bao cấp của nguồn ngân sách, nhưng sự quan tâm của chính quyền địa phương với trung tâm cũng là một sự hỗ trợ hết sức to lớn. Ông Hoàng Xuân Thanh nói: Các em đã trưởng thành từ trung tâm này sẽ không thể quên được tấm lòng và sự quan tâm đến tương lai của chúng, từ ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Đó là việc ông Thanh đã đồng ý và chỉ đạo cho các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho những đứa trẻ lang thang, bụi đời không xác định được quê hương, bản quán của mình được lấy địa chỉ số “312” làm hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân. Vấn đề chỉ có vậy, nhưng hết sức quan trọng với cuộc sống của một con người!
Chia tay ông Hoàng Xuân Thanh, chia tay những đứa trẻ đang ngày ngày sinh sống bình yên trong từng gia đình của TTBTTEĐP Đà Nẵng, tôi thầm mong ngày càng có thêm nhiều tổ chức từ thiện xã hội đến với trung tâm; mong rồi đây sẽ có thêm những con người tiếp bước ông Rân, ông Thanh, cô Nhung… để chắp cánh cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này tung bay trên cuộc đời dài rộng.
Bài và ảnh: BẢO THY