Những “thành phố chết” quanh Fukushima

Từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản hồi tháng 3 tới nay, các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đặc biệt từ Iitate ở phía Bắc đến Hirono ở phía Nam kéo dài hàng trăm cây số, nhiều làng mạc, phố phường bị bỏ hoang như những “thành phố chết”... Thỉnh thoảng, mới thấy một con chó đi lạc.

Từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản hồi tháng 3 tới nay, các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đặc biệt từ Iitate ở phía Bắc đến Hirono ở phía Nam kéo dài hàng trăm cây số, nhiều làng mạc, phố phường bị bỏ hoang như những “thành phố chết”. Những ngôi nhà đóng chặt cửa, nhà kho trống rỗng, nhà kính lạnh tanh, cỏ mọc cả trên những con đường nhựa ở nông thôn. Thỉnh thoảng, mới thấy một con chó đi lạc.

 

Các khu dân cư “ma” nằm trong khu vực có bán kính 10 km xung quanh nhà máy Fukushima và cho tới nay người dân vẫn bị cấm tiếp cận khu vực có bán kính 20 km. Trong khu vực này, người dân đã không buộc phải sơ tán, nhưng họ chỉ được ở trong nhà mình và phải luôn sẵn sàng đi sơ tán. Tuy nhiên, khi thảm họa hạt nhân xảy ra, một nửa dân số (58.500 người) ở đây vẫn muốn đi sơ tán hơn. Từ đầu tháng 10 vừa qua, Chính phủ Nhật đã thông báo vùng này không còn nguy hiểm nữa và đã hủy các biện pháp chuẩn bị cho sơ tán khẩn cấp. Nhưng không một ai trở về. Đa số người dân không còn tin vào những thông báo chính thức nữa. “Giữa thông tin trên các báo, truyền hình, trang web và thông báo của chính phủ, chúng tôi thấy khác nhau quá. Chúng tôi không còn biết tin ai”, một nhân viên kỹ thuật nói. Trong thành phố nhỏ Iitate với 6.000 dân, những ngôi nhà và cửa hiệu vẫn đóng cửa im ỉm. Chỉ còn 5 gia đình ở lại, trong đó có một đôi vợ chồng già ở tuổi 80. “Chúng tôi đã già rồi. Vì thế tốt nhất là rời khỏi thế giới này ở nơi chúng tôi biết”, cụ ông Yoshiaki Shoji nói. Ngoài ra, còn có khoảng 100 cụ già ở nhà dưỡng lão và người chăm sóc họ cũng ở lại. Trên những con phố vắng tanh, không thấy có dấu hiệu của sự sống, ngoại trừ thỉnh thoảng có những chiếc xe tuần tra của cảnh sát. 

Iitate được cho là một trong những ví dụ đáng buồn của những sai lầm khi vạch ranh giới các khu vực bị ô nhiễm mà không tính đến địa hình hay tiểu khí hậu nơi đây. Khu dân cư này nằm bên ngoài chu vi từ 30 km đến 40 km kể từ nhà máy Fukushima về phía Đông Bắc. Nhưng, mặc dù các chuyên gia đã phát hiện thấy một tỷ lệ cao chất phóng xạ vào ngày hôm sau vụ nổ hôm 15/3 tại một lò phản ứng, việc sơ tán lại chỉ được quyết định một tháng sau đó, hôm 22/4. Và gần đây, Bộ trưởng giáo dục và khoa học mới xác nhận sự tồn tại của plutonium trong đất ở khu vực này.

Hiện tại, mức độ phóng xạ ở Iitate lên đến 0,93 microsievert mỗi giờ, nhưng trong những địa phương bên cạnh như Namie và Shimo Tsushima (nằm trong bán kính 20 km) mức độ phóng xạ là 7,1 microsievert mỗi giờ. Bên trong và bên ngoài các khu vực được tuyên bố là nguy hiểm, mức độ phóng xạ cũng khác nhau đáng kể. Hơn nữa, về phía Nam, ở Kawauchi, nơi khó tiếp cận bằng những con đường quanh co qua vùng đồi núi, chỉ có 10% trong số 2.700 dân ở lại. Trong buổi chiều tà ảm đạm, chỉ có ánh sáng từ đồn cảnh sát và một ngôi nhà. Tương lai ở đây dường như đã bị “chặn” lại.

Trong khi đó, gần trung tâm sơ tán Big Palette, khoảng 1.000 người sơ tán từ Kawauchi đang thuê những căn nhà tạm để ở. Không gian chật hẹp, nhưng những căn nhà này rất gọn gàng, thậm chí một số người còn có cảm hứng trồng những vườn hoa nhỏ. Tuy nhiên, người dân vẫn còn bi quan. Một người chừng 30 tuổi từng là thợ điện cho một doanh nghiệp đã đóng cửa nói: “Chúng tôi mệt mỏi vì chờ đợi. Chính phủ không nói gì đến tương lai cả. Chúng tôi ở đây. Chúng tôi chờ đợi. Công việc ư?. Để kiếm một việc làm ổn định, cần phải biết làm cái gì trong 6 tháng, 1 năm chứ”. Ngoài ra, do những căng thẳng, tỷ lệ tử vong trong số người già ở Kawauchi đã tăng lên gấp đôi, một nhân viên của tòa thị chính cho biết.  

Ở phía Nam Làng J, khu vực dành cho các nhân viên của Công ty Điện tực Tokyo (Tepco), Hirano nay cũng vẫn như một “thành phố ma”. Dân cư ở đây đã phải sơ tán khẩn cấp sau vụ nổ. Trong nhiều ngày liền, người dân đã phải ngủ trong xe hơi ở những thành phố lớn gần đó. Chỉ có 200 người làm việc tại nhà máy ở lại nhà mình.

“Sau thông báo của chính phủ, chúng tôi chờ đợi ngày trở về. Nhưng chưa một ai được trở về”, Hirofuni Nakatsu – người phụ trách kế hoạch ở tòa thị chính – kể. Cùng với một đồng nghiệp, Nakatsu là công chức duy nhất còn ở lại trong tòa nhà thị chính rộng thênh thang mà rỗng tuếch. “Để người dân quay trở lại, cần phải đảm bảo rằng các nguy cơ đã bị loại bỏ. Họ đã phải chịu đựng quá nhiều, động đất, sóng thần rồi sau đó là khủng hoảng hạt nhân. Rất khó để thuyết phục họ. Chính những thanh niên là những người sẽ không trở về”. Ở gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Hirano có thể trở thành điểm tựa của các công ty khử nhiễm. “Nhưng cần phải mất nhiều năm trước khi thành phố tái sinh. Nếu có thể”, nhân viên của tòa thị chính kết luận.

Cách đó 5 km về phía Bắc là cửa ngõ của khu vực bị cấm có bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima. Đi bằng xe buýt nhỏ, người dân có thể đến đây theo từng nhóm trong vòng vài tiếng đồng hồ. Khi trở ra, họ mang theo những hình ảnh tan hoang của những thành phố chết, những ngôi nhà đầy mạng nhện và cỏ dại cùng với xác động vật ở chỗ này chỗ khác. “Tôi không muốn trở về đó nữa. Ở đó, cuộc sống đã hết rồi”, một phụ nữ có tuổi nói.

Ở phía Bắc khu vực mà chính phủ đã tuyên bố chấm dứt sơ tán, chính quyền thành phố Minamisoma thì cảm thấy mệt mỏi vì chờ đợi Tokyo ra quyết định bắt đầu khử nhiễm. Trong số 70.000 dân, gần một nửa đã rời khỏi thành phố này và có thể không bao giờ quay trở về nữa. Nếu không có một sự đột biến, Minamisoma cũng có nguy cơ là một thành phố bị tổn thương mãi mãi.

Phúc Lợi (theo Le Monde)

Đọc thêm