Những thành phố đáng sống tốp đầu Việt Nam

(PLVN) - Mỗi thành phố là niềm tự hào của người dân và đất nước. Vì vậy, ở bất kỳ nơi đâu, các thành phố cũng được chú trọng đầu tư, phát triển để đem lại cuộc sống tốt đẹp nhất đến cho các cư dân. Ngày 31/10 được đánh dấu là Ngày Thành phố trên Thế giới (World Cities Day). Cùng điểm lại những thành phố đáng sống, hấp dẫn nhất Việt Nam đối với bạn bè quốc tế và người dân “bản địa”.
Nhiều thành phố ở Việt Nam lọt tốp đầu thế giới, trở thành niềm tự hào cho người dân. (Ảnh: TP HCM - Nguồn: Bộ VH,TT&DL)

Niềm tự hào của người dân Việt Nam

Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam chứng kiến quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, ngày càng nhiều người chuyển đến thành phố sinh sống và đến cuối năm 2023, gần 40% trong tổng số hơn 100 triệu dân Việt Nam là thị dân (dân sống ở thành phố). Đến năm 2030, ước tính trên 45% dân số Việt Nam sẽ sống ở các đô thị.

Hiện nay, có một số những thành phố ở Việt Nam trở thành “niềm mơ ước” của nhiều người dân. Đứng đầu trong đó là TP HCM. Năm 2024, theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI 2023 do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện, TP HCM đã được lọt tốp những thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Được biết, các số liệu của báo cáo dựa trên cuộc khảo sát rộng từ cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của hơn 19 ngàn người dân từ 18 tuổi trở lên trên khắp Việt Nam.

Hơn 20% người tham gia khảo sát của PAPI 2023 cho biết họ mong muốn được chuyển đến sống tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đoàn tụ gia đình và cơ hội việc làm tốt hơn là hai động lực chính để họ đưa ra lựa chọn này.

Không chỉ người dân Việt Nam, nhiều người nước ngoài cũng bình chọn TP HCM là một trong những thành phố đáng sống. Khảo sát có tên là Expat Insider 2019 được công bố trên trang InterNations với sự tham gia của hơn 20.000 người đang sống và làm việc tại quốc gia mà không phải là nơi họ có quốc tịch. TP HCM được người nước ngoài chọn là thành phố đáng sống ở vị trí thứ 3 trong số 82 thành phố trên thế giới.

TP HCM được nhiều người đánh giá cao sự năng động, trẻ trung. Thành phố luôn tràn ngập ánh sáng, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, con người phóng khoáng, tự do. Vì vậy, nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng nhiều người chuyển đến sinh sống, làm ăn.

Cùng với TP HCM, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam là một thành phố đáng sống. Nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, di tích văn hóa lịch sử lâu đời và người dân duyên dáng, thanh lịch. Hà Nội đang ngày càng vươn lên tốp đầu trên bảng xếp hạng trên thế giới. Đầu năm 2024, Tổ chức tư vấn quản lý nguồn nhân lực quốc tế ECA International công bố bảng xếp hạng hằng năm về các thành phố đáng sống nhất. Theo đó, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam tăng 16 bậc từ vị trí 160 năm 2023 lên vị trí 144. Trong đó, Hà Nội được đánh giá rất cao về độ an toàn, dịch vụ y tế, nhà ở, tiện ích, mạng xã hội, giải trí,...

Trong thời gian sắp tới, Hà Nội đang xây dựng thành Thủ đô đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến. Được biết, Quy hoạch Thủ đô cũng đã nêu bật quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội bám sát Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Các nội dung, phương án quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu trên cơ sở các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng Long - Hà Nội, được coi như là triết lý phát triển nhằm “Phát sáng nhân tài; Khai phóng trí tuệ; Lan tỏa nhân văn; Hòa điệu thiên nhiên; Tiến cùng thời đại”. Trong đó, sẽ khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Một thành phố được xếp thứ hạng cao ở Việt Nam là Đà Nẵng. Theo theo tạp chí nổi tiếng về du lịch Conde Nast traveler, Đà Nẵng được xếp tốp 2 “Những thành phố đáng sống”.

Nổi tiếng với bãi biển đẹp, thiên nhiên xanh tươi, người dân hòa đồng và nền kinh tế đang đà phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, môi trường, khí hậu của thành phố này được đánh giá rất cao. Như trong năm 2021, Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường PEPI 2021. Chỉ số này được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá dựa trên việc đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ bảo vệ môi trường, cũng như mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.

Những thành phố lớn ở Việt Nam đem lại đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà. (Ảnh: TP Hạ Long - Nguồn: Viet Tour 3 mien)

Vì vậy, từ nhiều năm nay, Đà Nẵng đã trở thành địa điểm “an cư lạc nghiệp” của nhiều người dân trong và ngoài nước. Đây là một trong các thành phố ở Việt Nam có chỉ số hạ tầng, môi trường cao. Nhờ chính sách an sinh xã hội 5 không, 3 có, 4 an, nhiều năm qua, tỷ lệ trung bình tăng dân số của Đà Nẵng là 2,5% mỗi năm.

Hiện tại, Đà Nẵng vẫn đang trở thành một thành phố hấp dẫn với khách du lịch, đội ngũ doanh nhân, tri thức trong và ngoài nước đến an cư, lập nghiệp. Dự đoán, Đà Nẵng vẫn sẽ tiếp tục giữ vững vị trí cao trong tốp đầu những thành phố đáng sống ở Việt Nam.

Các thành phố nỗ lực tiếp tục hoàn thiện

Ngoài những thành phố tốp đầu ở Việt Nam, luôn giữ các vị trí cao trên bảng xếp hạng quốc tế. Còn nhiều thành phố khác đang nỗ lực hoàn thiện mình, trở thành những địa điểm đáng sống nhất. Như TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là một trong những thành phố đẹp bậc nhất ở Bắc bộ. Với khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ với vịnh đảo nối tiếp nhau, bờ biển xanh ngọc tuyệt mỹ, nền ẩm thực phong phú, nhiều khu vui chơi, giải trí. Hiện nay, Hạ Long trở thành địa chỉ “vàng” cho khách du lịch tới Việt Nam.

Trong những năm gần đây, TP Hạ Long đang chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, lấy du lịch làm trụ cột, mục tiêu quan trọng. Mỗi năm TP Hạ Long đóng góp gần 50% tổng thu của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 nghìn USD, tăng gần 14 lần so với thời điểm thành lập thành phố cách đây 30 năm. Từ năm 2003 đến nay, quy mô nền kinh tế tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 14%; thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10 năm gần đây đạt trên 423 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách tăng bình quân hàng năm trên 15%, đóng góp gần 50% tổng thu của tỉnh.

TP Hạ Long đã có kế hoạch quy hoạch chung thành phố đến 2040, tầm nhìn 2050 chỉ rõ định hướng xây dựng và phát triển Hạ Long trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại…

Các thành phố đang nỗ lực hoàn thiện để trở thành địa điểm đáng sống tốp đầu Việt Nam. (Ảnh: TP Nha Trang - Nguồn: Crystal Bay)

Đồng thời, việc xác định cấu trúc phát triển đô thị của Hạ Long theo mô hình đa cực, trong đó lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, Hạ Long đang ấp ủ một loạt dự án giao thông nội đô cực kỳ đáng giá. Tâm điểm là hệ thống hầm và 3 cây cầu Cửa Lục 1, 2, 3. Hạ Long sẽ có một trục đường bao biển dài, đẹp và đồng bộ, kéo dài từ Bãi Cháy qua Hầm đường bộ Cửa Lục tới Hòn Gai cho đến Cẩm Phả. Ngoài ra, sau khi sáp nhập thêm huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long được định hướng xây dựng xứng tầm thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một thành phố biển khác đang nỗ lực hoàn thiện là Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Trong năm nay, tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) vừa vinh danh thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là 1 trong 8 điểm nghỉ dưỡng ở biển đẹp nhất thế giới dành cho những người nghỉ hưu. Nhiều du khách đến Nha Trang đánh giá đây là thành phố có bãi biển đẹp và cộng đồng người nước ngoài định cư đông đảo với khoảng 4 nghìn người. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, Nha Trang còn có nhịp sống sôi động, mật độ giao thông ổn định, nền ẩm thực phong phú và người dân thân thiện, dễ mến.

Trong tương lai, TP Nha Trang đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm thương mại, tài chính mang tầm vóc quốc gia, khu vực và trên thế giới; trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, là đô thị du lịch biển quốc tế, cửa ngõ hội nhập của tỉnh Khánh Hòa. Để thực hiện tầm nhìn và khát vọng phát triển đó, tỉnh Khánh Hòa cùng TP Nha Trang cần tiếp bước truyền thống đoàn kết, phát huy tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, là vai trò trung tâm, chủ thể của Nhân dân trong tiến trình phát triển.

Nha Trang cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số về xây dựng một đô thị thông minh, xây dựng một chính quyền số để phục vụ Nhân dân. Đặc biệt là công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn và an dân.

Ngày Thành phố Thế giới (tên chính thức: World Cities Day) là một ngày lễ quốc tế hàng năm của Liên hợp quốc được tổ chức vào ngày 31 tháng 10. Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc (UN-Habitat) tổ chức ngày này lần đầu tiên vào năm 2014, phối hợp với thành phố đăng cai được chọn hàng năm. Ngày Thành phố Thế giới hướng đến mục đích thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quá trình đô thị hóa toàn cầu, hợp tác giữa các quốc gia trong việc. Ngoài ra, đây là ngày để các quốc gia họp bàn giải quyết các thách thức của quá trình đô thị hóa, đồng thời góp phần phát triển đô thị bền vững trên toàn thế giới.

Đọc thêm