Những thay đổi 'chết người' của chủ quán Karaoke khiến 13 khách tử nạn

(PLO) - Trình cơ quan chức năng thiết kế một đằng, nữ chủ quán Karaoke 68 (số 68, đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho xây dựng một kiểu. Những thay đổi thiết kế này đã khiến 13 vị khách không thể thoát thân khi xảy ra hỏa hoạn.
Ba bị cáo tại tòa
Ba bị cáo tại tòa

Thay đổi thiết kế vì "học theo các quán khác"

Ngày 26/3, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC)”, xảy ra tại quán Karaoke 68. Được HĐXX thẩm vấn đầu tiên nhưng bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ngụ phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là chủ quán xin được nghỉ ngơi, khai báo sau. Cùng hầu tòa với Linh trong vụ án này còn có Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, quê Nghệ An, ngụ quận Cầu Giấy, thợ hàn) và Lê Thị Thì (SN 1962, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) là chủ xưởng cơ khí.

Linh bị cáo buộc trình hồ sơ thiết kế PCCC lên cơ quan chức năng. Đến ngày 13/10/2016, sở Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng Linh đã cho thi công trước đó.

CQĐT xác định công ty thi công đã lắp các thiết bị như trung tâm báo cháy tự động, đầu báo cháy khói quang học, cáp tín hiệu báo cháy... nhưng công trình chưa hoàn thiện nên chưa kết nối hệ thống, thiết bị chưa hoạt động.

Ngoài ra nữ chủ quán bị cáo buộc đã tự ý thay đổi thiết kế, trong đó có thiết kế PCCC. Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế, ở tầng 2 phải lắp cửa thoát hiểm nhưng khi thi công Linh đã không lắp. Mặt khác, vách ngăn các phòng theo thiết kế phải xây bằng gạch. Nhưng từ tầng 3 đến tầng 6 tòa nhà có 7 phòng hát, các vách làm bằng khung sắt, ngoài ốp gỗ, giữa chèn nguyên liệu cách âm. Chính những vật liệu cách âm này khiến ngọn lửa khi bùng phát lan rất nhanh.

Đối với các đường ống nước thuộc hệ thống chữa cháy tự động theo thiết kế phải lắp ống cỡ D32 nhưng để đảm bảo độ cao trần, chủ quán thay đổi bằng ống D25. Ở tầng một, chủ quán cũng không lắp vách kính chống cháy 60 phút. Các cửa phòng theo thiết kế phải lắp cửa chống cháy 45 phút, yêu cầu có chứng chỉ của đơn vị cung cấp nhưng Linh không lắp.

Đầu giờ chiều 1/11/2016 tại quán Karaoke 68 xảy ra hỏa hoạn, nhưng phải đến 17h cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế. Nguyên nhân là chủ quán làm biển quảng cáo bằng thép, bảng hiệu cao, che kín lối đi khiến lực lượng PCCC khó tiếp cận hiện trường. Theo cơ quan công tố, biển hiệu quảng cáo của quán Karaoke 68 vi phạm quy định của Bộ Công an: Che kín cả nhà, che lấp lối thoát nạn, ban công.

Được nghỉ ngơi khoảng 30 phút, bị cáo Linh bắt đầu trả lời HĐXX. Các câu hỏi dành cho bị cáo xoay quanh việc chấp hành quy định PCCC trong kinh doanh Karaoke.

Linh khai bản thân có nghĩ đến việc an toàn PCCC nhưng vì đang nuôi con nhỏ nên không thường xuyên đến công trình giám sát. Ngôi nhà số 68 được bị cáo thuê với giá 155 triệu đồng/tháng, bắt đầu kinh doanh karaoke từ tháng 5/2016. Linh thừa nhận cho xây dựng quán từ tháng 7/2016 nhưng đến tháng 10 mới được thẩm duyệt thiết kế PCCC.

“Bị cáo thi công trước vì một số hạng mục được thi công. Bị cáo chủ quan, khi được dẫn đi các phòng karaoke của các quán khác thấy làm được nên cũng làm theo. Bị cáo biết một số thay đổi so với thiết kế đã được thẩm duyệt”, Linh thú nhận.

Nữ chủ quán Karaoke thừa nhận tất các vật liệu thay thế như bông thủy tinh, cao su non đều là vật dễ cháy. Quán được đưa vào khai thác từ ngày 26/10, đến ngày 1/11 thì xảy ra hỏa hoạn.

Vẫn lời Linh khai nhận, trước đó chính quyền địa phương có đã đến kiểm tra quán 2 lần, có nhắc nhở và cơ sở có cam đoan khi nào chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật thì mới kinh doanh. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã bồi thường 120 triệu đồng khắc phục hậu quả.

"Vai trò của bị cáo như thế nào?", nữ thẩm phán hỏi. Linh trả lời bị cáo nhận thức đã vi phạm quy định PCCC, thi công khi chưa được thẩm duyệt, thi công không đúng với thiết kế thẩm duyệt, không giám sát chặt chẽ khi thi công dẫn đến cháy.

Chủ - thợ chối bỏ trách nhiệm

Bị cáo Tuấn- thợ hàn khai rằng được chủ xưởng là bị cáo Thì chỉ đạo khoan cắt. “Chị Thì nói cắt bản lề trước. Bị cáo lấy máy hàn để cắt. Do thi công do không cẩn thận nên gây cháy”, Tuấn nói.

Tuấn khai nhận không có chứng chỉ hành nghề hàn, công việc hàn điện là do "học mót". “Bị cáo thi công trong môi trường dễ cháy nổ mà lại chỉ có 1 mảnh gỗ mỏng để che chắn là không đảm bảo an toàn. Vai trò của bị cáo trong vụ án này như thế nào?”, HĐXX hỏi. Tuấn trả lời bị cáo chỉ làm công ăn lương nên làm theo chỉ dẫn của chủ xưởng.  

Đến lượt mình, bị cáo Thì là chủ xưởng cơ khí nơi Tuấn làm việc nói không có ý kiến về tội danh bị truy tố. “Ở xưởng của bị cáo có đầy đủ quần áo, bạt che tuân thủ PCCC. Nhưng khi đưa đi hàn xì, bị cáo không biết Tuấn có mang hay không”.

“Bị cáo không thể nói là không biết, chưa kể việc bị cáo là người sử dụng lao động phải có trách nhiệm kiểm tra đảm bảo PCCC hay không?”- vị chủ toạ nói. Theo bị cáo Thì, công việc cắt bản lề không có trong hợp đồng, chỉ là cắt hộ và không chỉ đạo Tuấn làm.

Ngay sau đó HĐXX đã hỏi một nhân chứng làm cùng với Tuấn. Nhân chứng này khai đã có người cảnh báo cháy nhưng Thì khẳng định “cháy tao chịu”. Chủ xưởng cơ khí cho rằng nhân chứng này ở ngoài hiện trường và có quan hệ họ hàng với Tuấn nên khai bất lợi cho mình.

Các bị cáo xin lỗi gia đình bị hại

Trình bày ý kiến, gia đình 13 bị hại đều tỏ ra bức xúc và cho rằng thái độ của bị cáo Linh là chưa thành khẩn. Phía gia đình các bị hại cho rằng cần làm rõ vai trò của Tiến (chồng Linh) trong việc thay đổi thiết kế để tránh bỏ lọt tội phạm. “Mong HĐXX xét xử đúng người đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Chúng tôi sinh con ra đều mong được phụng dưỡng khi tuổi già. Nhưng con chúng tôi mất bị cáo Linh chưa ăn năn, không hề có thiện cảm xin lỗi gia đình. Chúng tôi đề nghị xử các bị cáo kịch khung, xử đúng người đúng tội”, một gia đình bị hại bức xúc.

Theo đại diện VKS, các bị cáo đã thừa nhận không tuân thủ các quy định về PCCC và an toàn lao động, sử dụng lao động không theo quy chuẩn nên xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: 13 người chết, thiệt hại tài sản lớn và gây ra dư luận xấu trong xã hội. 

Bị cáo Linh đóng vai trò quan trọng nhất. Bị cáo vừa là chủ, vừa là người biết cơ sở của mình đang  sửa chữa, chưa hoàn thiện nhưng vẫn nhận khách vào hát. Bị cáo Tuấn trực tiếp dùng que hàn thổi lửa gây cháy, giữ vai trò quan trọng thứ 2. Bị cáo Thì tiếp nhận Tuấn khi biết rõ Tuấn không có chứng chỉ hành nghề. 

Sau khi đánh giá vai trò của từng bị cáo, công tố viên đề nghị mức án tòa tuyên Linh mức án 10-11năm tù; Tuấn 6-7 năm tù; Thì 5-6 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị các bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình bị hại tiền mai táng phí, tổn thất tinh thần và nuôi con các bị hại đến năm 18 tuổi.

Bị cáo Tuấn sau đó đã xin phép HĐXX cho được xin lỗi gia đình bị hại. “Cháu xin lỗi và chia buồn đến gia đình các cô chú. Vì bất cẩn và thiếu hiểu biết nên cháu gây ra vụ cháy. Mong các gia đình bị hại đừng trách gia đình cháu. Con xin lỗi bố mẹ vì con mà bố mẹ phải khổ”, bị cáo Tuấn nghẹn ngào.

Sáng mai phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.

Đọc thêm