Những trò đại bịp nhằm vào người nội trợ

Hầu hết các bà nội trợ đều đã gặp phải những tên lừa đảo ngay tại nhà. Có thể là một lần hay nhiều lần, 1 kiểu hay nhiều kiểu…
Hầu hết các bà nội trợ đều đã gặp phải những tên lừa đảo ngay tại nhà. Có thể là một lần hay nhiều lần, 1 kiểu hay nhiều kiểu…

Lừa đảo kiểu truyền thống bằng "phong cách" mới

Vẫn là kiểu lừa đảo như mấy năm trước đây như là mua tăm tre ủng hộ người mù của hội này hội kia, bán thuốc thông tắc cống của trung tâm dịch tễ… Kiểu lừa đảo mà các bà các mẹ thường xuyên gặp phải trong những năm gần đây đó chính là giả dạng nhân viên của trung tâm dich tễ, hoặc sở môi trường…đến bán bột thông cống.

Chúng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh đang tràn lan hiện nay cùng với mối quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ về cách phòng dịch. Thêm vào đó là sự thật thà của người nội trợ đã là "mồi câu" ngon lành cho những tên lừa đảo này.

Nếu như trước đây, việc lừa đảo đó đơn thuần chỉ là bán các loại bột rởm. Bây giờ chúng đã sử dụng nhiều mánh khóe khiến các mẹ chi tiền mua hàng.
Một trong những trò lừa đảo dưới danh nghĩa bán tăm nhân đạo. Ảhh Internet
Chị H. ở Hà Nội cũng là một trong những nạn nhân của kiểu lừa đảo này (đây cũng là phương thức mà các bà, các mẹ hay gặp phải nhất). Khoảng 11 trưa, chị ở nhà một mình và đang nấu cơm bỗng nhiên có một giọng nói to: “Gia đình ra lấy thuốc phòng dịch”. Chị vừa ra mở cửa thì họ liền dúi vào tay mấy gói thuốc, còn mồm thì nói liến thoắng: nào là họ từ Sở dịch tễ đến để hướng dẫn vệ sinh phòng dịch, từng gói thuốc phải đổ như thế nào, thời gian ra sao… nói chung là rất chuyên nghiệp. Chị H. tưởng miễn phí nên định mang vào nhà , thì người phụ nữ lại nói: phải trả tiền đã . Thấy nghi nghi, chị H. bảo : “Thấy các chị nói là của sở dịch tễ tôi tưởng là phát miễn phí chứ, sao lại phải đưa tiền?". Người phụ nữ đáp lời: “Gói thuốc này có giá 50 nghìn, nhưng sở dịch tễ và phường đã hỗ trợ nên chỉ còn 30 nghìn thôi. Của chị 4 gói là 120 nghìn". Thấy chị H. có vẻ không tin, họ liền đưa ra một đống giấy tờ, nhưng chị cũng chưa kịp nhìn thấy chữ gì, chỉ thấy có dấu đỏ đàng hoàng. Người phụ nữ kia lại còn thêm vào câu: “Chị yên tâm đi, bọn tôi đã được sự cho phép của cấp trên cả rồi mới đến đây, tôi cũng vừa nói chuyện với bác Bình tổ trưởng xong. Chị không mua thì thôi, nhưng tôi nói trước, ngày mai người của sở sẽ xuống kiểm tra, tội vạ đâu chị chịu đấy nhé!”. Đến đây thì chị H. bị thuyết phục hoàn toàn và lấy tiền đưa ngay cho bọn chúng. Vài ngày sau khi nói chuyện với mấy người hàng xóm, chị mới biết là mình đã bị lừa . Hầu như gia đình nào cũng đã gặp phải trường hợp tương tự, ít nhất một lần. Tùy vào mồm mép của kẻ lừa đảo, cũng như sự thật thà của những người bị lừa thì chúng sẽ có các cách tiếp cận khác nhau, ép mua khác nhau, giá khác nhau… Và ngay sau khi các mẹ tỏ thái độ ngờ vực và từ chối mua thì bọn chúng cũng không ngại ngần quát tháo và chửi rủa ngay lập tức. Chị M. ở Hà Nội, cũng bị lừa một “vố đau” mất hơn 2 triệu tiền hàng rởm mà cho đến giờ chị vẫn không thể nào quên được. Một buổi sáng đi chợ, chị thấy có ba bốn người phụ nữ đang túm lại nói chuyện với nhau về sản phẩm trị nám. Vì tò mò nên chị cũng lại gần để nghe. Người bán hàng nói thì có vẻ rất thuyết phục. Một lúc sau có một người phụ nữ cũng lại gần đám đông, sau đó nói với chị “tôi dùng thử một lọ loại này rồi. Thuốc đông y có khác, đỡ hẳn đấy chị ạ. Đang không biết mua ở đâu thì may quá lại bán đây rồi!". Nói xong người phụ nữ này liền tiến lại chỗ người bán hàng và lấy liền hai lọ với giá gần 2 triệu đồng. Lúc sau cũng thấy vài người phụ nữa khác mặc đồ ở nhà mua nên chị M. đinh ninh đây không phải là lừa đảo và cũng chạy về nhà lấy tiền mua liền 2 lọ kem trị nám. Khoảng một tuần sau, vào một sáng chủ nhật, chị M. thấy ngoài ngõ ồn ào, hóa ra mọi người đang nói chuyện về việc chị T. hàng xóm suýt nữa thì bị lừa. Nghe đầu đuôi câu chuyện, thì chẳng khác gì phương thức mà chị M. đã gặp cả. Có điều chị T. may mắn hơn, vì không mang tiền nên chị bảo bọn chúng vào nhà để chị đưa tiền. Nhưng vào đến nhà chị T, thấy có chồng chị và mấy người đang đứng đó nên người bán hàng chột dạ, giả vờ nghe điện thoại rồi bảo đưa hàng cho một chị ngay gần đây, sẽ quay lại ngay. Vậy mà mãi không thấy người phụ nữ đó quay lại, và mấy lọ kem trị nám thì chị T. vẫn cầm trên tay. Lúc đó mọi người và đặc biệt là chị M. mới vỡ lẽ ra là bị lừa. Trường hợp bị lừa kiểu này giờ cũng không phải là hiếm nữa, nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của chúng, nào thuốc đặc trị, thuốc bổ, tam thất…Lừa đảo kết hợp với trộm, cướp tài sản. Đáng lo ngại hơn đó là tình trạng lừa đảo hiện nay ngày càng có xu hướng manh động hơn và làm đủ mọi cách để “moi” bằng được tiền của các bà nội trợ. Chị N. cho đến giờ vẫn không khỏi bàng hoàng khi kể lại câu chuyện vào 1 năm về trước. Một buổi trưa chị đang ngủ thì có 2 nam thanh niên đi xe máy đỗ trước cổng nhà chị tự xưng là nhân viên trung tâm dịch tễ đến phát thuốc miễn phí để đổ vào bồn cầu. Thấy chúng đưa ra cả một đóng giấy tờ cùng với danh sách gì đó có tên của nhà chị và các gia đình xung quanh nên chị nghĩ rằng chắc đây đúng là nhân viên của trung tâm thật. Chị mở cửa để người thanh niên vào hướng dẫn, vì chúng yêu cầu phải đổ luôn để còn phải mang bao bì trả về cho công ty. Ai dè vừa vào đến nhà, tên thanh niên liền cướp luôn cái điện thoại hơn 6 triệu của chị và nhảy lên xe tên đang chờ sẵn ở ngoài phóng thẳng đi. Cũng tự nhận là người bên vệ sinh dịch tễ, thường “làm việc” vào buổi sáng, là những nam thanh niên cầm bình xịt nói là đến xịt muỗi miễn phí (đối tượng thường đã hỏi và biết được tên chủ nhà). Chị L.N.X. nhà ở đường Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) thường đi làm vào 7 giờ sáng hằng ngày, ở nhà chỉ còn cô giúp việc trẻ và em bé. Một hôm, con ốm nên chị xin nghỉ. Khoảng 9 giờ, có hai thanh niên khỏe mạnh bấm chuông. Chị nhòm qua lỗ khóa hỏi có việc gì thì được hỏi lại: “Đây có phải nhà chị X. không? Chị ấy điện thoại cho công ty anh bảo đến xịt muỗi, công ty anh đang xịt miễn phí mà!”. Chị X. mới hỏi lại: “Chị X. điện cho các anh bao giờ?” thì được trả lời: “Lúc 7 giờ 30 sáng nay. Em mở cửa nhanh để bọn anh làm nhiệm vụ không sếp anh phạt!”. Chị điên tiết vừa mắng vừa đuổi thì hai thanh niên này chửi thề, đôi co với chị một lúc mới bỏ đi. Hôm sau, chị đến cơ quan kể sự việc mới biết mẹ vợ anh bạn cùng phòng bị lừa giống y vậy. Bà tưởng con dâu gọi điện phun muỗi vì cháu bé bị muỗi đốt nhiều quá, cho 2 tên nọ vào nhà phun lần lượt từ tầng 4 xuống. Hậu quả là bị mất 1 laptop, 1 túi xách trong có trên 1 triệu đồng, 1 đồng hồ đeo tay, điều khiển ti vi, đầu đĩa và cả nhà bị dị ứng ngứa khắp người… Bà Q. là một người khá cẩn trọng vì vậy nên dù đã gặp rất nhiều đối tượng lừa đảo như trên nhưng bà vẫn chưa bị lừa lần nào cả. Cho đến một hôm, khi bà đang ở nhà cùng với cô giúp việc thì có một nam thanh niên cao to, sáng sủa tự nhân là bạn của Hùng (nói đúng tên con trai bà). Sau đó bà thấy người thanh niên này giở điện thoại ra nói chuyện, sau đó anh ta nói “Hùng bảo là sắp về đến nhà rồi bác ạ”. Bà Q. thấy thế cũng ngại nên mở cửa cho vào, vì dù sao nhà bà còn có 2 người .Những phút ban đầu nghi ngại của bà đã nhanh chóng trôi qua khi tên này nói chuyện quá tự nhiên và không để lộ ra chút sơ hở nào. Sau đó, hắn lôi trong ví ra tờ 500 nghìn nhờ bà Q. mua ít đồ ăn. Hắn cũng nhiệt tình đèo bà ra chợ mua đồ. Khi bà vào chợ mua thức ăn, tên này đã nhanh chóng phóng xe về và bảo với người giúp việc “Bà mua nhiều đồ quá, bảo em là mang giúp bà”. Thế là tên này đèo nốt người giúp việc ra khỏi nhà. Rồi sau đó, hắn về nhà cạy cửa, khuân hết những gì có thể ra khỏi nhà. Chỉ đến khi bà Q. và cô giúp việc gặp nhau thì mới té ngửa ra là bị lừa…
Theo Quỳnh Mai
VietNamNet

Đọc thêm