Những ước mơ có thực

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Trong đời thực, liệu có phép nhiệm màu? Nhiều người phụ nữ nghèo trả lời rằng: Có. Bởi trong thoáng chốc, họ đã nhận được món quà như ý nguyện, đó là một phương tiện làm ăn phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân.

Bà Ngô Thị Hòa bắt đầu một ngày rong ruổi làm ăn cùng chiếc xe đẩy thu mua phế liệu vừa được Hội Phụ nữ quận Hải Châu trao tặng.  

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Trong đời thực, liệu có phép nhiệm màu? Nhiều người phụ nữ nghèo trả lời rằng: Có. Bởi trong thoáng chốc, họ đã nhận được món quà như ý nguyện, đó là một phương tiện làm ăn phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân.

Chương trình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo được thực hiện rộng rãi trên địa bàn thành phố trong một năm qua đã làm thay đổi số phận của nhiều con người.

Từ nay, đôi vai gầy bớt nặng

17 năm quẩy đôi gánh chai bao nặng trĩu khắp các con đường, ngõ hẻm của thành phố, bà Ngô Thị Hòa, không thể ngờ trong một ngày đẹp trời cách đây 4 tháng, lại có người đến gõ cửa và hỏi bà cần phương tiện gì để ổn định cuộc sống. Và người đàn bà 70 tuổi, đã quá cái ngưỡng cần phải nghỉ ngơi từ lâu ấy vui mừng khi nhận được chiếc xe đẩy thu mua phế liệu.

Ngôi nhà chỉ hơn 50 mét vuông tại 182/16 Trưng Nữ Vương, tổ 3, phường Bình Thuận từng là nơi bà một tay nuôi nấng 9 đứa con bằng nghề ve chai, khi người chồng vì sức khỏe và điều kiện không thể gần gũi gia đình. Giờ đây, đàn con bà mỗi đứa một phương, nhưng cái nghề chai bao vẫn gắn bó với bà trong từng miếng cơm, chén nước hằng ngày. Nhún đôi vai già nua, bà Hòa mô tả những tháng ngày gánh gồng khiến thân thể bầm dập bằng cái cách rất người Quảng: “Chỗ ni bầm “đen quăn” luôn đó. Chừ có xe đẩy rồi nên tự nhiên đặt hàng lên là gánh không nổi nữa, hắn (đôi vai) cứ cứng ngắc không nhắc lên được”.

Cửa hàng tạp hóa của bà Bê “ra dáng” hơn nhờ chiếc tủ nhôm mới và 500 ngàn đồng vốn hỗ trợ không hoàn lại.  

Mấy năm trước, bà Hòa trở bệnh sưng khớp, kết quả của bao năm tháng lội bộ và mang nặng. Không thể thu mua ở những điểm xa nhà, bà Hòa chỉ còn cách vừa chữa bệnh, vừa vác chiếc bao đi mua phế liệu quanh xóm. “Có nhúm nào tui quay về trút nhúm nấy rồi đi tiếp. Làm từng chặp rứa đó”. Thương tình, một “đồng nghiệp” trẻ cho bà mượn cái xe đẩy của chị để bà dùng tạm. Chiếc xe tuy cũ kỹ, nhưng mãi là ước mơ của riêng bà, cho đến một ngày…

Giờ đây, tuy tuổi cao, sức yếu không thể cạnh tranh với những người mua bán chai bao trẻ tuổi, nhưng nhờ có chiếc xe do Hội Phụ nữ trao tặng, bà Hòa vẫn có thể kiếm được trung bình 15-20 nghìn đồng/ngày. “Đủ ăn ba bữa cơm, khỏi phiền hà con cái, mấy đứa còn cực quá” - bà chia sẻ - “Tui cứ đi qua trưa luôn, tìm chỗ mát nghỉ tạm rồi lại đi tiếp tới hồi mô muốn về thì về”.

Có chiếc xe, bà cảm thấy đỡ nhọc sức phần nào. Búi mái tóc dài bạc màu, vơ chiếc nón lá, cột theo hai chai nước và bỏ vài thứ đồ đạc lên xe, bà Hòa lại bắt đầu một ngày rong ruổi “chai bao, phế liệu đây!”.

Bỗng dưng… bớt nghèo

Bà Nguyễn Thị Minh, phường Hòa Thuận Đông phấn khởi dắt chiếc xe đạp mới về nhà.

Không phải người viết gọi đây là những giấc mơ có thực, mà chính người trong cuộc tự nhận như vậy. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, phụ nữ đơn thân nuôi con, 33 tuổi, ở tổ 16, phường Hòa Thuận Đông đã hét lên sung sướng ngay tại buổi nhận quà sinh kế khi “đề” một phát, chiếc xe máy mới cóng đã cùng chị “chạy cái o” về tới nhà. Trong những buổi đối thoại với hộ nghèo, chị Lệ từng ước ao có một chiếc xe gắn máy. Chị cho biết bản thân đã dành dụm được 2 triệu đồng, nếu được hỗ trợ thêm, sẽ mua một chiếc xe máy cũ. Ai ngờ, Hội Phụ nữ gọi chị lên tặng luôn chiếc xe mới hiệu Dehan 5,5 triệu đồng mà chủ nhân không cần phải góp vào một xu nào. Có chiếc xe máy, chị Lệ nhận đưa đón trẻ con trong xóm đi học với mức 300 nghìn đồng/em/tháng. Tính sơ, chị đã có vài mối thêm vào trang trải cho con cái học hành.

Trường hợp của bà Ngô Thị Hòa, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ chỉ là hai trong nhiều câu chuyện mà trong năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu nói riêng, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên toàn thành phố nói chung, thực hiện với tên gọi “Hỗ trợ sinh kế, tiếp sức cho phụ nữ nghèo”. Xe đẩy, máy may, máy vắt sổ, máy xay bột, máy ép nước mía, xe đạp, xe máy, tủ đựng hàng, bàn, ghế… đã được trao tay các bà, các chị. “Nói có mặt đèn, từ hồi nhỏ tới chừ tui chưa biết quà to như ri là cái chi hết”, bà Lê Thị Bê, 60 tuổi, K515/18 Hoàng Diệu, phường Hòa Thuận Đông phân trần về chiếc tủ nhôm đựng tạp hóa vừa mới nhận được cách đây không lâu. Từ hồi có cái tủ kèm thêm 500 nghìn đồng vốn hỗ trợ (không hoàn lại), bỗng dưng lượng khách của bà Bê tăng thấy rõ. “Đồ nhiều, hấp dẫn con nít càng thích tới. Mấy đứa nhỏ khôn lắm, đồ ngon mới ăn”, bà Bê nói. Cái “cửa hàng” gồm vài món đồ ăn treo tạm bợ trên bờ rào bán cho trẻ con của bà Bê giờ đã “ra dáng” hơn.

Theo thống kê từ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, năm 2009, có 210 hộ phụ nữ nghèo được hỗ trợ phương tiện sinh kế với tổng số tiền 451,2 triệu đồng.

Thu Hoa

Đọc thêm