|
Trạm xử lý nước thải Cty CP Bia NaDa, công suất 800m3/ngày đêm, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ảnh: Hoa Đức
|
Theo quy hoạch tổng thể phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ta sẽ thành lập 11 KCN, với tổng diện tích gần 2000 ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 KCN đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng, gồm các KCN: Hòa Xá, Mỹ Trung, CNTT Vinashin và Bảo Minh. Tại các KCN đã có 142 dự án của 117 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư; trong đó có 92 doanh nghiệp đã hoàn thành dự án đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, với các nhóm ngành nghề: Cơ khí, dệt may, chế biến nhựa, sản xuất đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ. Các doanh nghiệp tại các KCN đã thu hút và tạo việc làm cho 2,6 vạn lao động. Bên cạnh đó, tỉnh ta có 20 CCN tại 9 huyện, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, trong đó có 8 CCN đã được lấp đầy, 2 CCN đã lấp 90% diện tích. Tại các CCN đã có 372 dự án đầu tư, trong đó có 163 doanh nghiệp, 2 HTX và 207 cơ sở sản xuất, hộ gia đình. Theo đánh giá của Ban quản lý các KCN tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã thành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn thực hiện mang tính đối phó, nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ công tác BVMT. Hiện nay, trong tổng số 142 dự án tại 4 KCN của tỉnh, mới chỉ có 10 dự án đăng ký bản cam kết BVMT, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Có 59/117 Cty có đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Một số Cty mặc dù đã được cấp sổ chủ nguồn thải nhưng chưa thực hiện tốt việc quản lý chất thải nguy hại từ khâu thu gom đến việc phân loại, vận chuyển và xử lý. Có 87 Cty chưa thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ hàng năm theo quy định; 112 Cty chưa được cấp phép xả nước thải; 90 Cty chưa đầu tư công trình xử lý nước thải, khí thải và 58 Cty chưa ký hợp đồng thu gom chất thải rắn thông thường. Còn tại các CCN, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của đa số các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số CCN được thành lập trước năm 2005 đến nay vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Thông tư 08/2009/TT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua các đợt phối hợp thanh kiểm tra của Chi cục quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và lực lượng Cảnh sát Môi trường (PC49 - Công an tỉnh) cho thấy trên 50% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình… tại các CCN vi phạm các quy định về BVMT như: Xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép; không đăng ký chủ nguồn thải; xả thải chất thải trực tiếp ra môi trường. Ở tầm vi mô, nhiều doanh nghiệp, Cty không xây dựng các công trình để xử lý môi trường theo quy định mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Chính vì thế, vấn đề môi trường tại các khu, CCN đang ngày càng đáng quan tâm. Theo kết quả điều tra, lượng nước thải phát sinh từ 3 KCN đang hoạt động từ 35-38 nghìn m3/tháng, trong đó chủ yếu ở KCN Hòa Xá, nhưng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại các doanh nghiệp mới được 6000-7500 m3/tháng (bằng hơn 20%), số còn lại vẫn thải trực tiếp ra môi trường. Do vậy, các thông số đánh giá chất lượng nước thải tại KCN Hòa Xá như: BOD, COD, dầu mỡ, phốt pho… đã vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Nồng độ các chất ô nhiễm trên sông Vĩnh Giang tại vị trí phía dưới cửa xả KCN Hòa Xá cao hơn 1,1-1,37 lần so với phía trên cửa xả. Tại 20 CCN, hàng tháng phát sinh khoảng 20 nghìn m3 nước thải, 41 nghìn tấn chất thải nguy hại… Đối với các loại chất thải sinh hoạt, chất rắn công nghiệp, chất thải nguy hại hầu như vẫn chưa được thu gom, phân loại và xử lý theo đúng quy định. Nhiều doanh nghiệp chưa có nơi tập kết, lưu trữ rác thải nguy hại để chờ xử lý… Nguyên nhân do chủ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu, CCN chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo giám sát môi trường định kỳ hàng năm theo quy định. Việc xây dựng và hoàn thiện các công trình xử lý môi trường, nhất là xử lý nước thải còn chậm. Đến nay, mới có 3 trong tổng số 24 khu, CCN có công trình xử lý nước thải tập trung, đó là KCN Hòa Xá, CCN An Xá (TP Nam Định) và CCN Tống Xá (Ý Yên). Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của các công trình này vẫn còn rất hạn chế, thậm chí việc vận hành vẫn gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các khu, CCN vẫn chưa chú trọng đến công tác BVMT. Công tác BVMT tại các khu, CCN vẫn chưa được thực hiện nền nếp do thiếu sự quản lý, đôn đốc trực tiếp...
Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong công tác BVMT tại các khu, CCN hiện nay, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành những quy định của pháp luật về BVMT cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình cũng như người lao động đang tham gia sản xuất tại khu, CCN. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT. Ban quản lý các khu, CCN khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất, áp dụng các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến, quy trình sản xuất sạch hơn… theo hướng sản xuất, tạo các sản phẩm thân thiện môi trường, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Đẩy nhanh việc xây dựng và đưa vào vận hành các công trình xử lý môi trường tập trung tại các khu, CCN./.
Phạm Văn Đại
[links()]