Những vấn đề đặt ra qua công tác chuẩn bị thực hiện quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ

Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành. Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn bán hàng đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và đối với cơ quan thuế.
Bộ phận kê khai Chi cục Thuế Hải Hậu tổng hợp số liệu các đơn vị nộp thuế do Chi cục quản lý.
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành. Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn bán hàng đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và đối với cơ quan thuế. Theo đó, từ ngày 01-01-2011, doanh nghiệp sẽ tự tạo hóa đơn để sử dụng (tự in hoặc đặt in hoá đơn và hóa đơn điện tử); cơ quan thuế không bán hóa đơn cho cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp. Hóa đơn do Cục Thuế đặt in chỉ được bán cho tổ chức (không phải là doanh nghiệp) nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương; được cấp cho các tổ chức (không phải là doanh nghiệp), hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng. Nghị định đã nâng cao vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động in, quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng của chính đơn vị. Một mặt tránh được tình trạng mua bán hoá đơn tài chính. UBND tỉnh đã có văn bản số 193/UBND-VP6 ngày 27-8-2010 yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Nghị định đang đặt ra một số khó khăn vướng mắc không chỉ đối với ngành Thuế mà cho cả doanh nghiệp.

Đồng chí Trần Dân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Ý Yên cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện có 322 doanh nghiệp hoạt động do Chi cục quản lý thu ngân sách, với số thu gần 10 tỷ đồng một năm. Số doanh nghiệp thực sự có số tiền thuế nộp phát sinh trong tháng cũng chỉ gần 200 đơn vị, số doanh nghiệp còn lại chỉ nộp được thuế môn bài hàng năm. Tuy nhiên, số lượng hoá đơn bán cho các đơn vị trên địa bàn trong một tháng cũng chỉ từ 70-80 quyển. Mặt khác, số quyển hoá đơn đó cũng chỉ tập trung vào lĩnh vực của đơn vị kinh doanh xăng dầu, dược. Đơn vị nào nhiều nhất trong một năm cũng chỉ sử dụng đến 20 quyển hoá đơn, còn bình quân các doanh nghiệp cũng chỉ sử dụng từ 2 đến 3 quyển hoá đơn. Vậy, để tự in hoá đơn, các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn về việc in ấn mà ngay đến chọn lựa công ty in đủ khả năng cũng là một vấn đề. Đối với tỉnh ta có bốn huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên từ năm 2012 trở đi, các doanh nghiệp trong khu vực này mới phải tự tạo hoá đơn để sử dụng. Tuy chưa phải thực hiện ngay việc tự tạo hoá đơn như những khu vực khác đối với các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn xong thời điểm chậm thực hiện không dài để các đơn vị này phải xem xét ngay từ bây giờ. Huyện Hải Hậu có gần 300 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn nhưng chỉ có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải biển đủ điều kiện được tự in hoá đơn. Trong khi đó, các đơn vị này sử dụng chỉ từ 2 đến 3 quyển hoá đơn trong một năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ đã thực hiện tự đặt in hoá đơn vé xe cho hành khách. Khó khăn của các doanh nghiệp đang đặt ra là việc in, quản lý in ấn và sử dụng hoá đơn như thế nào trong khi hoá đơn là một loại giấy tờ có giá trị nên các yếu tố bảo mật rất quan trọng. Hiện nay, hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành phần liên đỏ giao cho người mua được in bằng loại giấy đặc biệt có hoa văn chìm để đảm bảo tính bảo mật. Mặt khác, số lượng hoá đơn đã sử dụng và chưa sử dụng phải được kiểm đếm báo cáo thường xuyên với cơ quan Thuế để theo dõi quản lý nhưng lại giao cho doanh nghiệp tự in. Hiện nay, giá một quyển hoá đơn của Bộ Tài chính phát hành mà cơ quan thuế đang bán cho doanh nghiệp sử dụng là 15.200 đồng/quyển (giá trên đã có hỗ trợ về giá của Nhà nước). Nếu để doanh nghiệp tự in, đặt in với số lượng ít thì giá thành một quyển hoá đơn sẽ cao hơn rất  nhiều.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3420 doanh nghiệp các loại, trong đó 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in. Nhưng để in được hoá đơn tương tự như hoá đơn của Bộ Tài chính hiện đang được sử dụng là một vấn đề đặt ra đối với các đơn vị. Nếu các doanh nghiệp in trên địa bàn không đủ điều kiện để in được hóa đơn thì các đơn vị sẽ chuyển sang địa bàn khác có doanh nghiệp đủ điều kiện in. Như vậy cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp(!). Đối với ngành Thuế, việc quản lý hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành thì việc mua bán hoá đơn đã trở thành vấn đề khá phức tạp. Hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành có thể sử dụng cho tất cả các loại hình kinh doanh trong phạm vi cả nước, do đó đã tạo ra thị trường mua bán hóa đơn bất hợp pháp rộng lớn,  các tội phạm về vấn đề này ngày càng gia tăng. Để chống lại việc mua bán hoá đơn khi doanh nghiệp tự tạo hoá đơn có đặc trưng riêng như tên doanh nghiệp, lô gô, ký hiệu nhận dạng mật trên hóa đơn do mình phát hành để phục vụ việc nhận dạng hóa đơn giả trong quá trình sử dụng nên các đơn vị muốn bán hoá đơn cũng không dễ. Nhưng đối với những doanh nghiệp "ma", doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp, doanh nghiệp đang bỏ trốn thì số lượng hoá đơn tự in của những đơn vị này vẫn có thể dùng để bán lấy tiền hoa hồng hoặc trục lợi thuế. Như vậy, cần nâng cao vai trò quản lý, đăng ký cấp giấy phép kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân nhằm hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Thực tế khi triển khai thực hiện Nghị định 51/CP của Chính phủ có những doanh nghiệp sẽ được thuận lợi hơn khi việc tự in hay đặt in hoá đơn của mình được chủ động, nhưng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện. Do đó, thời gian đầu Nhà nước cần xem xét, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để được tự in, đặt in hóa đơn mà không bị gián đoạn trong quá trình sản xuất kinh doanh./.
Bài và ảnh: Văn Bắc

Đọc thêm