Những viên gạch hồng từ doanh nghiệp

(PLVN) - Không chỉ sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển tốt đồng vốn của Nhà nước, các doanh nghiệp còn hướng đến vùng phên dậu của Tổ quốc với sự thôi thúc về trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sớm thoát nghèo, thu dần khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược.

Ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch EVNNPC:

Trong cộng đồng có khách hàng của chúng tôi

Từ biên giới tới hải đảo, từ vùng đồng bằng thuận lợi đến những vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của đất nước… nơi đâu cũng có sự hiện diện, đứng chân của ngành Điện. Ở những nơi đó, ngành Điện nói chung, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nói riêng không chỉ làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà còn đồng hành, chia sẻ hỗ trợ các địa phương trong công tác an sinh xã hội (ASXH). 

 

Phương châm sản xuất kinh doanh của EVNNPC là “Vì niềm tin của bạn”, có nghĩa chúng tôi luôn nỗ lực phục vụ khách hàng, bảo toàn, phát triển tốt đồng vốn của nhà nước để tạo hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, từ đó mới có nguồn lực để hỗ trợ trở lại cho cộng động.

Huyện Nậm Pồ là một huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên. Vì thế, tại đây, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Điện, chúng tôi còn chỉ đạo đơn vị thành viên của mình quan tâm tới địa phương với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bởi với tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm tới hơn 50%, trong đó số hộ nghèo chưa có nhà ở, nhà tạm, dột nát còn lên tới hơn 1.000 hộ. Thực tế đó đòi hỏi trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có ngành Điện.

Hưởng ứng chương trình ASXH do Bộ Công an phát động và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, trong đó EVNNPC quyên góp 15 tỷ đồng kinh phí, giúp xây dựng sửa chữa cải tạo toàn bộ 613 căn nhà cho các hộ nghèo tại huyện này. Cụ thể, chỉ trong 2 tháng (7/2020 - 9/2020), với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giao thông đi lại khó khăn... nhưng tất cả các đơn vị liên quan đã vào cuộc quyết liệt hoàn thành việc thi công toàn bộ hơn 600 căn nhà nói trên.

Đây là chương trình góp phần đảm bảo ASXH hết sức có ý nghĩa và nhân văn, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc và các hộ nghèo ở vùng phên dậu quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo tiền đề cho địa phương phát triển kinh tế xã hội, thực hiện tốt chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hoạt động thiết thực này, góp phần giúp cho các hộ dân yên tâm lao động, sản xuất, bám đất, bám bản, hạn chế được việc di cư tự do và hạn chế người dân tham gia vào các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật…

Không chỉ ở Nậm Pồ, thời gian qua tại các địa bàn quan trọng như Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An hay vùng biển đảo ở phía Đông Bắc… EVNNPC cũng đồng hành với các địa phương, cơ quan TƯ trong nhiều chương trình ASXH  như chương trình 30a; chương trình xây dựng sửa chữa trường học, nhà bán trú; hỗ trợ y tế cho địa phương ở miền núi; phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Ông Đào Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank:

“Trọng đức, gần gũi, biết thông cảm và sẻ chia”

Việc tham gia tích cực vào các chương trình ASXH không chỉ thể hiện trách nhiệm của Vietcombank đối với cộng đồng mà còn là nguyện vọng chung của toàn thể cán bộ, nhân viên (CBNV) nhằm hướng tới một ngân hàng xanh phát triển bền vững vì cộng đồng, lan tỏa bản sắc nhân văn là “Trọng đức, gần gũi, biết thông cảm và sẻ chia”.

 

Hằng năm, bằng sự đóng góp của gần 2 vạn CBNV, người lao động (NLĐ), Vietcombank dành hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình ASXH. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây (từ năm 2015 đến nay), Vietcombank đã ủng hộ, hỗ trợ cho các hoạt động ASXH với tổng giá trị hơn 1.344 tỷ , trong đó dành cho khu vực Tây Bắc là gần 300 tỷ đồng.

Trọng tâm mà Vietcombank hướng tới là các lĩnh vực y tế, giáo dục, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh… tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong số đó đặc biệt quan tâm là khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.

Với vị trí chiến lược quan trọng, tiềm năng to lớn nhưng Tây Bắc vẫn là vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt. Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội, tội phạm… diễn biến rất phức tạp. Tây Bắc cũng là địa bàn luôn ẩn chứa những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, là địa bàn mà các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, chế độ, Nhà nước… 

Sau khi thực hiện công tác ASXH  tại các tỉnh miền núi Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái… đều để lại cho mỗi cán bộ Vietcombank cũng như cá nhân tôi nhiều cảm xúc và sự thôi thúc về trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp để làm sao hỗ trợ, giúp đỡ bà con, đồng bào, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi.

Ví dụ ở Mường Nhé - một huyện miền núi nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc, một huyện thuôc diện nghèo nhất trong số 62 huyện nghèo nhất nước, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi đối tượng tầng lớp nhân dân ở đây rất cần sự xã hội hóa, chung tay góp sức của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm…

Thực hiện tinh thần đó với nhận thức việc hỗ trợ của mình sẽ rất có ý nghĩa cho tuyến biên giới khu vực Tây Bắc, Vietcombank đã nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai tài trợ xây 200 ngôi nhà tại huyện này, với tổng trị giá 10 tỷ đồng.

Đọc thêm