Niềm ham thích đọc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tôi biết đọc sớm và có sở thích đọc bất cứ cái gì có chữ lọt vào tay - mẹ kể thế. Ngày bé, tôi mê đọc tới mức ngồi chơi đâu cũng tranh thủ chúi mũi vào đọc sách hoặc đọc báo, đến nỗi ai cũng bảo “sao con bé này nó mê sách báo thế”.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Bố cũng là người thích đọc. Mẹ kể, bố công tác xa trong miền Nam, lúc về tài sản chẳng có gì nhiều ngoài mấy hòm sách. Những năm đầu thập kỷ 80, sách đa phần là sách văn học, tiểu thuyết Nga, Pháp, Trung Hoa hoặc Việt Nam, giấy vàng nâu sần sùi, nhiều lúc còn nổi cộm hạt tạp chất trong trang. Nhưng bố giữ gìn cẩn thận lắm, xếp chồng nặng trĩu cái giá sách. Tôi rất thích mon men đến cái giá sách đó, nhưng bố thường bảo “con chưa đến tuổi đọc những sách này”, như khi tôi lật mấy trang của tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng.

Khoảng 7-8 tuổi là tôi đã đọc hết sạch những tập truyện cổ Andersen hay truyện cổ Grimm của NXB Kim Đồng mẹ mua cho như: “Chú lính chì dũng cảm”, “Bầy chim thiên nga”, “Cô bé bán diêm”, “Vịt con xấu xí”, “Bộ quần áo mới của Hoàng đế”, “Nàng tiên cá”, “Cô bé lọ lem”, “Cô bé quàng khăn đỏ”, “Chú mèo đi hia”, “Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn”... Cuốn truyện mà tôi thích nhất có lẽ là “Totto - chan: Cô bé bên cửa sổ” của Nhật Bản. Cuộc sống của cô bạn Tottochan đồng trang lứa hồn nhiên, nghịch ngợm và ngôi trường đặc biệt trên toa tàu Tomoe cùng thầy hiệu trưởng tuyệt vời Kobayasi mở ra với bao thú vị, làm con nhỏ Việt không thôi mơ mộng.

“Dế mèn phiêu lưu ký” của bác Tô Hoài cũng là cuốn sách gối đầu giường hồi cấp 1 của tôi. Những trang truyện đầy màu sắc về hành trình phiêu lưu và trưởng thành của chú dế mèn dẫn tôi say sưa trong thế giới vừa lạ lẫm vừa thân quen, vừa trẻ con vừa chín chắn. Tôi thun thút đọc bất kể giờ giấc và thường kể lại cho em trai, nhìn nó ngây thơ thích thú lắng nghe mà vui âm ỉ.

Lớn hơn, bố mua những cuốn truyện thiếu nhi dày về cho 2 chị em. Hơn 10 tuổi, tôi đã đọc trọn vẹn những “Không gia đình” (Hector Malot), “Những tấm lòng cao cả” (Edmondo de Amicis), “Hoàng tử bé” (Saint Exupéry), “Cánh buồm đỏ thắm” (Alexander Grin), “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” (Mark Twain), “Hai vạn dặm dưới đáy biển” (Jules Verner), “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán)... Cứ một sách cầm tay, leo lên sân tầng hai, nằm lên cái ghế mây thả hồn theo những con chữ là đủ hết cả buổi chiều rảnh rỗi không phải đi học thêm.

Hồi ấy, những năm 92-93, “Doraemon” mới được xuất bản tại Việt Nam và chị em tôi cũng như hàng vạn đứa trẻ khác được trải nghiệm “cơn sốt” sách khi hàng tuần chầu chực bố đèo xe máy đưa ra hiệu sách ở cổng chợ Bãi Bằng mua từng tập. Sau này, lúc lên cấp 3, chứng kiến bọn bạn đồng trang lứa mê đắm nhiều bộ truyện tranh khác như “Thám tử Conan”, “Bảy viên ngọc rồng”, “Thủy thủ Mặt trăng”... hay truyện Nguyễn Nhật Ánh nhưng tôi luôn đứng ngoài cuộc, tự nghĩ mình đã “người lớn” hơn những sách truyện mà tôi cho là... dành cho teen ấy, dù mình cũng chỉ là tuổi teen. Nhưng đến đại học thì gặp một hiện tượng sách toàn cầu khác là “Harry Porter”. Ban đầu định kiến truyện này chỉ dành cho bọn teen nên tôi thờ ơ, cho đến năm 2001 khi sách được chuyển thể thành phim, tôi dịch bài báo nước ngoài đăng báo nên đành ra cửa hàng thuê truyện thuê đọc để hiểu qua đặng để viết sát hơn. Ai dè mê đến nỗi không dứt ra được, đọc hết tập này đến tập khác, về sau còn đi mua để giữ làm kỷ niệm.

Nếu thời cấp 2 là của những sách truyện thiếu nhi đúng tuổi thì khi lên cấp 3 tôi mới bắt đầu đọc các tiểu thuyết trưởng thành. Lúc này, tôi xuống Hà Nội ở nhà bác Lương, anh trai mẹ. Bác là nhà báo và trong nhà cũng có một tủ sách đầy ắp. Nhiều hôm tôi say sưa đọc đến khuya, ngủ gục trên bàn quên không tắt điện khiến bác gái suốt ngày phải nhắc nhở... Tôi nhớ mãi cảm giác mới lạ trong con bé mới lớn là mình khi lần đầu tiên đọc những chi tiết nhạy cảm dục tình trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” (Colleen McCullough) hay “Trăm năm cô đơn” (Gabriel Garcia Marquez)...

Lên đại học, tôi ít mua mà hay đi thuê truyện. Cửa hàng quen thuộc là một hiệu cho thuê truyện trên đường Tôn Đức Thắng gần nhà. Nhớ lúc đó chỉ 500 đồng/ngày gì đó. Tôi háo hức với những cuốn tiểu thuyết kinh điển từ “Những người khốn khổ” đến “Bố già”, từ “Kiêu hãnh và định kiến” đến “Những cây cầu ở quận Madison”... và cả những tập truyện Sherlock Holmes, hay những cuốn sách thị trường của Sydney Sheldon.

Cũng giai đoạn này, tôi mới tập trung đọc văn học Việt Nam. Khám phá từ những cái tên quen thuộc đi vào sách giáo khoa như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam... đến những văn tài xuất chúng biết qua báo chí như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu... Từ những người đàn bà viết Trần Thùy Mai, Lý Lan, Phạm Thị Hoài... đến những ngòi bút nam hiện tượng khi ấy như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Thuần, Hồ Anh Thái... Cả những người đọc rồi mới thấy chưa xứng với danh tiếng và lời khen như Nguyễn Thị Thu Huệ, Chu Lai... Lúc này, có con Phượng bạn thân dân chuyên Văn Ams thường cùng đàm đạo, chia sẻ, thấy hứng khởi hơn.

Ra trường, công việc bận rộn hơn cũng khiến tôi bớt thời gian cho việc đọc. Khi ấy, tôi hay đọc các tuyển tập truyện ngắn hay chọn lọc hàng năm của các nhà xuất bản: Hồng Đức, Thanh niên, Thời đại... đủ cả. Trong đó, thích thú và trung thành hơn cả với tuyển tập “Văn Mới” của NXB Đông A do Hồ Anh Thái tuyển.

Văn học nước ngoài tôi chưa đọc được nhiều nhưng tự tin là theo khá sát tình hình văn học Việt Nam. Từ những tác giả gạo cội như Sơn Nam, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Dần... đến những tác giả quan trọng thời bản lề như Dương Thu Hương, Dương Hướng, Trần Khắc Trường... Từ những giọng văn xuất sắc đầu thế kỷ như Nguyễn Bình Phương, Thuận, Đoàn Minh Phượng... cho đến những đại diện tiêu biểu của thế hệ mình như Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt...

Càng đọc càng thấy biển sách mênh mông và luôn không đủ thời gian cho việc đọc. Có nhiều cuốn mua xếp chồng trên giá sách mà... mấy năm chưa đụng đến. Ngày bé tôi gần như là mọt sách trong mắt mọi người, thế mà sau này so ra thấy mình không là gì cả so với bao dân mê đọc ngoài kia. Vì thế, tôi luôn dành một sự nể trọng rất lớn cho những người đọc nhiều.