Ở trong nước, người đứng đầu Chính phủ cho biết, chúng ta quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường để các thị trường này hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững, song quá trình chấn chỉnh này cũng tác động tới tâm lý thị trường. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh các thị trường này, “không làm không được”, xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Điều dễ nhận thấy ở thị trường chứng khoán, ở việc khan hiếm xăng dầu cục bộ ở một số địa phương, tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế chưa được xử lý dứt điểm...
Về thị trường chứng khoán tại Việt Nam, ai cũng biết đã tăng trưởng tích cực trong 3 năm trở lại đây. Nhưng thời gian qua, có sự sụt giảm liên tục trong nhiều ngày, vốn hóa của thị trường “bốc hơi” mạnh. Trên các diễn đàn thuộc mạng xã hội là lời than của rất nhiều nhà đầu tư, “của đau con xót”. Dù dự báo đã được đưa ra nhưng khó ai có thể ngờ, đà lao dốc lại nhanh như vậy. Điều đáng nói, thị trường lao dốc giai đoạn này là vô lý.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt...; theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022. Vậy tại sao? Theo nhiều chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng là niềm tin bị lung lay, tâm lý bị dao động.
Đáng tiếc, chúng ta chưa kiểm soát được tin đồn thất thiệt khiến nhà đầu tư lo ngại, thậm chí hoang mang và tất nhiên, tác động mạnh đến các quyết định đầu tư của họ. Các thông tin đồn thổi rỉ tai nhau hoặc đâu đó cứ len lỏi, lan truyền trong các hội nhóm trên mạng xã hội, khiến nhiều mã chứng khoán chịu cảnh bán tháo, gây tổn thất cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế.
Bên cạnh việc xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng; chắc chắn mỗi người, trong đó có các nhà đầu tư phải thật tỉnh táo, kiểm tra, kiểm chứng kỹ, chính xác các thông tin liên quan đến mã chứng khoán của mình, trái phiếu của mình để đưa ra quyết định phù hợp.
Cuối tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”. Một trong những mục tiêu là phải xây dựng được niềm tin của người dân đối với Chính phủ về việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách.
Chúng ta đang phải tiếp tục xử lý nhiều vấn đề nổi lên. Quá trình đó, yếu tố niềm tin, đồng thuận xã hội, hẳn nhiên, rất quan trọng.