Nỗ lực thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP
Trong thời gian qua, thực hiện các quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, một số văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản của Chính phủ đã quy định tương đối rõ về tổ chức, bộ máy và biên chế của tổ chức pháp chế. Chẳng hạn như, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Kế hoạch số 1141-KH/BCSĐCP ngày 11/11/2016 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW; Công văn số 5592/VPCP-TCCV ngày 17/7/2015 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Phòng Pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện những nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực, bảo đảm hoạt động của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật; tiếp tục rà soát kiện toàn cơ quan, tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, thi hành pháp luật ở Bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời, tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương; căn cứ tình hình cụ thể của mỗi Bộ, ngành, địa phương để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công việc.
Vì vậy, mặc dù chưa ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức, bộ máy, biên chế, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng các văn bản nêu trên để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
Còn việc xem xét bổ sung biên chế pháp chế cho các tỉnh để thực hiện thành lập Phòng Pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc thực hiện quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến biên chế, tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước.
Nhiều văn bản về vấn đề này đã được ban hành như Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11/11/2013 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
Theo tinh thần các văn bản nêu trên, từ nay đến năm 2016, về cơ bản giữ ổn định cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới). Bởi thế, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng rà soát về công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện Đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế để có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, biên chế cho phù hợp thực tế hiện nay, trong đó có biên chế, công chức làm công tác pháp chế.
Đối với công tác pháp chế ở các địa phương, theo Bộ Tư pháp, trước hết cần phải được thực hiện đúng quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các văn bản khác liên quan đến công tác này. Để bố trí biên chế cho tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện để bố trí, sắp xếp biên chế làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong tổng số biên chế được giao.
“Giúp anh em làm công tác tư pháp an tâm cống hiến”
Liên quan đến việc tham mưu Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi cho những người làm công tác pháp chế, đặc biệt là cán bộ làm công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và người quản lý công tác pháp chế tại Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thi hành (Quyết định số 1477/QĐ-BTP ngày 23/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các Bộ, ngành, ngày 06/12/2011, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Sau đó, tại các Phiên họp của Chính phủ về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu về chế độ phụ cấp - trong đó có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề sẽ được xử lý trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Bày tỏ trăn trở với thu nhập của cán bộ, công chức nói chung và ngành Tư pháp khi mà Chính phủ đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng lại chưa lo được đời sống tốt hơn cho cán bộ, công chức tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi rất hiểu ai cũng có cuộc sống.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, chúng ta đang triển khai đề án cải cách tiền lương, thực hiện các Kết luận 63, 64 của Trung ương, tôi đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cả nước cần quan tâm hơn nữa đến anh em làm pháp chế, pháp luật”. Từ đó, Thủ tướng đề nghị, “dù ít hay nhiều, nhưng tất cả chúng ta cùng có biện pháp và động viên tinh thần, vận dụng vật chất trong khả năng cho phép và dành tình cảm để động viên anh em, giúp anh em làm công tác tư pháp an tâm công tác, cống hiến cho ngành, cho đất nước”.