Vào thời điểm lịch sử chiều 30/3/1959, ngành Than đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường khai thác than mỏ Đèo Nai, khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả. Tại đây, Bác đã dành khoảng một giờ nói chuyện thân mật cùng cán bộ, công nhân mỏ.
Trong buổi nói chuyện thân tình của Bác với công nhân mỏ, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô công tác tại khu mỏ và khen ngợi những cố gắng của cán bộ và công nhân mỏ đã có tiến bộ trong sản xuất, giữ gìn máy móc.
Khi mỏ than Đèo Nai có vinh dự là mỏ than duy nhất được đón Bác Hồ về thăm, lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Vinacomin đã trùng tu, phục dựng và bảo vệ di tích lịch sử “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai”, nhằm tạo ra một địa chỉ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tạo ra một điểm tham quan thú vị với những giá trị lịch sử, văn hóa hấp dẫn đồng thời khơi dậy niềm tự hào của người thợ mỏ Đèo Nai nói riêng, ngành Than cũng như truyền thống công nhân vùng Mỏ nói chung.
Với những nỗ lực chăm sóc, bảo vệ địa danh lịch sử văn hoá của cán bộ, công nhân than Đèo Nai, ngày 28/10/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30/3/1959.
Tiếp tục thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ công nhân ngành Than, trong những năm qua Công ty Cổ phần Than Đèo Nai đã liên tục hoàn thành vượt mức các kế hoạch được giao hàng năm nên đã vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, 5 lần được giữ cờ thưởng thi đua luân lưu của Bác Hồ cho ngành than, 2 công nhân được Bác tặng Huy hiệu Bác Hồ, 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.