“Nín thở” chờ quyết sách

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất thị trường mở lên 15%/năm, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều chung nỗi lo lắng: lãi suất cho vay sẽ cao đến đâu và khả năng chịu đựng của nền kinh tế như thế nào ?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất thị trường mở lên 15%/năm, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều chung nỗi lo lắng: lãi suất cho vay sẽ cao đến đâu và khả năng chịu đựng của nền kinh tế như thế nào ?

Giai đoạn “cực kỳ” khó khăn
Giám đốc Vietcombank Hải Phòng Lê Kim Thúy nhận định, việc NHNN nâng lãi suất thị trường mở thêm 1% là tình thế bắt buộc để kiềm chế lạm phát. Đây cũng là giai đoạn “cực kỳ” khó khăn đối với các ngân hàng và cả doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng nhỏ trong việc bảo đảm tính thanh khoản. Hiện nay, Vietcombank Hải Phòng phải huy động thêm vốn từ hội sở với lãi suất khoảng 16%/năm. Nguồn vốn huy động thêm chiếm khoảng 10% tổng vốn huy động.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Agribank

Nếu lãi suất thị trường mở tăng lên, lãi suất vay vốn từ hội sở thời gian tới có thể cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, Vietcombank là ngân hàng lớn nên tính thanh khoản cơ bản ổn định. Lãi suất cho vay cao nhất của Vietcombank Hải Phòng là 20%/năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng cổ phần phải vay vốn của các ngân hàng khác với lãi suất tới 19%- 20%/năm và cho vay tới 24%- 25%/năm. Với mức lãi suất cao như vậy, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đứng trước nhiều rủi ro. Ngân hàng phải sàng lọc khách hàng thật kỹ trước khi chấp nhận cho vay.
Đối với Agribank Hải Phòng, Phó giám đốc Phạm Ngọc Tung cho biết, từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của chi nhánh rất ít nhưng với quan điểm huy động vốn đến đâu cho vay đến đó, không huy động bằng mọi giá và cho vay với lãi suất cao ngất, chi nhánh vay thêm từ hội sở không nhiều, khoảng 400 tỷ đồng với lãi suất 17%- 18%/năm. Hiện Agribank Hải Phòng cho vay với lãi suất khoảng 19%-21%/năm. Theo tính toán của ông Tung, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 21%/năm phải tạo ra mức lãi 30-35%/năm mới đủ bù đắp các chi phí. Điều này vô cùng khó khăn với doanh nghiệp. Nếu ngân hàng nào cho vay với lãi suất 25%- 27% và doanh nghiệp cũng chấp nhận mức vay thì chỉ có “ôm nhau cùng chết”. Doanh nghiệp không thể trả được nợ mà ngân hàng cũng không thể thu được nợ.

Cần quyết sách hiệu quả
Trước “sức ép” tín dụng ngày càng thắt chặt, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp rất căng thẳng bởi phần lớn nguồn vốn kinh doanh đều phụ thuộc vào ngân hàng. Bản thân các lãnh đạo ngân hàng nhỏ cũng lo lắng. Nhiều lời đồn đoán rằng, có thể NHNN sẽ cho phép nâng trần lãi suất huy động vốn hoặc quy định trần lãi suất cho vay mới. Mặc dù, với chính sách thắt chặt tiền tệ, lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường có giảm và chỉ số lạm phát có xu hướng tăng chậm. Theo Cục phó Cục Thống kê thành phố Nguyễn Văn Thành, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của thành phố khoảng 1,97%, so với tháng trước, tốc độ tăng đã chậm lại tới 1,47%. Đây là nỗ lực rất lớn trong công cuộc chống lạm phát của Chính phủ và thành phố. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, lương thực và các dịch vụ khác, chi phí cho giáo dục, điện, xăng… vẫn đứng ở mức cao. Các mặt hàng giảm giá hầu như chỉ có rau, củ, quả do bước vào mùa thu hoạch. Các mặt hàng này lại chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng chi tiêu. Bởi vậy, phần lớn người dân vẫn cảm thấy sức ép lạm phát lên cuộc sống hằng ngày. Việc huy động vốn còn khó khăn và lãi suất huy động vốn, cho vay sẽ vẫn ở mức cao.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, tuy NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng lại bơm tiền đồng ra mua ngoại tệ dự trữ. Cứ với 1 tỷ USD phải bơm ra hơn 20.000 tỷ đồng. Như vậy, thực chất, lượng tiền đồng thu về không nhiều như mong muốn nên lạm phát chưa thể giảm. Trong khi đó, nước khổng lồ bên cạnh chúng ta lại đang ra sức giảm bớt tỷ lệ dự trữ ngoại tệ. Liệu có việc dòng ngoại tệ đang bị tuồn lậu từ nước ngoài vào nước ta? Như vậy, NHNN đang đứng trước nhiều thử thách về quyết sách: lạm phát vẫn phải chống, dự trữ ngoại tệ vẫn phải mua vào vì không thể để lượng dự trữ ngoại tệ quốc gia quá thấp. Tuy nhiên, mua với mức giá nào, ở thời điểm nào là thích hợp là điều NHNN phải cân nhắc. Ngoài ra, với lượng tiền mặt tung ra mua ngoại tệ, NHNN cũng cần có biện pháp thu về thông qua phát hành tín phiếu NHNN, trái phiếu Chính phủ hoặc tăng dự trữ bắt buộc. Song trong điều kiện hiện nay, nếu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng sẽ khó chịu đựng nổi. Bởi vậy, có thể phát hành tín phiếu hoặc trái phiếu hoặc có chính sách hiệu quả khác. Các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đều đang “nín thở” chờ các quyết sách mới của NHNN.

Mai Hương

Đọc thêm