Bởi theo tính toán, mỗi lao động khi muốn đi làm tại các thị trường lao động chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) hay các nước Trung Đông đều phải qua quá trình đào tạo hơn 6 tháng.
Ngoài ra, sau đào tạo còn phải chờ đợi đơn hàng từ doanh nghiệp ở nước bạn rồi mới đưa được lao động xuất cảnh. Thế nên việc đào tạo cũng cần được tiến hành từ bây giờ, để khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ có đủ nguồn lao động chất lượng cao xuất cảnh.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp trong vòng 10 năm trở lại đây công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở tỉnh Ninh Bình vượt mức 1.400 người. Với kết quả ấn tượng đó, năm 2020, Ninh Bình tiếp tục giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố với tổng số 1.400 lao động đi xuất khẩu.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới như hiện nay, việc thực hiện được mục tiêu này cũng bị ảnh hưởng.
Hiện là “giai đoạn vàng” để giúp người lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi các thị trường lao động khơi thông trở lại. |
Sau 5 năm đi lao động ở nước Nga, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, thôn 2, xã Lạc Vân (huyện Nho Quan) về nước, xây dựng được ngôi nhà khang trang, ổn định cuộc sống.
Tuy vậy, với mong muốn tích cóp thêm số vốn để phát triển kinh tế, chị Nguyệt quyết định đi XKLĐ thêm một thời gian nữa. Chị Nguyệt đã tham gia dự thi tay nghề cho một đơn hàng may cho thị trường Nhật Bản. Với tay nghề ổn, chị Nguyệt đã vượt qua hàng chục lao động khác để dành một “vé” trong đơn hàng đi Nhật Bản lần này.
Chị Nguyệt chia sẻ, “lẽ ra bây giờ tôi bước vào giai đoạn học tiếng Nhật trong thời gian 6 tháng trước khi bay sang Nhật Bản vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, việc học tập đã bị hoãn, chưa biết đến khi nào mới được tổ chức lại, lịch bay của tôi chắc chắn sẽ phải lùi lại. Trong thời gian này, tôi chủ động tìm hiểu và đăng ký học trực tuyến để dần tích lũy kiến thức”.
Hoàn thiện mọi thủ tục, nộp xong mức phí trên 100 triệu đồng để cho cậu con trai duy nhất Hoàng Công Huy đi XKLĐ ở Nhật Bản, giờ đây gia đình bà Bùi Thị Thúy, ở thôn Yên Ninh, xã Yên Quang (huyện Nho Quan) như ngồi trên đống lửa. Nếu theo lịch của công ty thực hiện XKLĐ, thì Huy đã bay vào ngày 16/3, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên lịch bay đã rời lại.
Bà Thúy bộc bạch, “để tham gia được vào đơn hàng này, cháu Huy đã vượt qua các vòng thi tay nghề, thi tiếng. Gia đình tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đủ kinh phí cho cháu đi xuất khẩu.
Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, tuy nhiên ngày bay thì vẫn chưa biết đến khi nào. Gia đình tôi rất sốt ruột vì con chưa thể đi được, mà tiền trả lãi ngân hàng thì vẫn phải thực hiện”.
Theo chị Trần Thị Hòa, công chức Văn hóa – Xã hội xã Lạc Vân (huyện Nho Quan), “mặc dù tình hình dịch bệnh khiến công tác XKLĐ tạm dừng, nhưng chúng tôi xác định rõ, đây chỉ là tình huống tạm thời, trong khi đó XKLĐ là cả một quá trình chuẩn bị.
Trước mắt, chúng tôi vẫn tiếp tục lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp, an toàn để người dân hiểu lợi ích của công tác XKLĐ và có quá trình chuẩn bị, tích lũy kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng nghề, để sẵn sàng tham gia dự tuyển các đơn hàng ở thị trường lao động chất lượng cao ngay sau khi tình hình dịch bệnh kết thúc”.