Theo đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận sẽ có tổng diện tích là 439 km2 bao gồm 9 xã, trong đó có 7 xã thuộc huyện Thuận Nam (Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh, Cà Ná, Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm) và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước (An Hải, Phước Hải).
Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận để khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, trong đó có du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm huy động tối đa nguồn lực để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Qua đó, tỉnh Ninh Thuận tranh thủ tối đa các chính sách ưu đãi, vượt trội của Nhà nước để tập trung thu hút đầu tư các dự án động lực, có quy mô lớn về cảng và dịch vụ cảng, logistics, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận được thành lập sẽ tăng cường liên kết vùng với các khu kinh tế ven biển miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước để khai thác các thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vùng; góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Về tiến độ, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc xây dựng phương án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian hoàn thành theo tiến độ quy hoạch của tỉnh.
Các nội dung được UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025, gồm: xây dựng đề án điều chỉnh Cảng tổng hợp Cà Ná thành cảng tổng hợp loại I, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt; xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua nội dung đề án; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đề án; hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam.