Ninh Thuận: Thu hút đầu tư theo hướng “xanh và sạch”

(PLO) - “Mộc mạc” và “hoang sơ” là 2 cụm từ được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị Xúc tiến Quảng bá Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 30/3. Với lợi thế, tiềm năng không đâu có để phát triển du lịch, địa phương này xác định mô hình phát triển kinh tế  “xanh và sạch”, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh...
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khẳng định thu hút đầu tư nhưng mục tiêu luôn giữ nét mộc mạc, hoang sơ của Ninh Thuận
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khẳng định thu hút đầu tư nhưng mục tiêu luôn giữ nét mộc mạc, hoang sơ của Ninh Thuận

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

PGS TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện phát triển du lịch  khi nói về sự khác biệt của Ninh Thuận đã đề cập đến hệ sinh thái bán sa mạc mà chỉ Ninh Thuận mới có. Trong hệ thống 34 vườn quốc gia của cả nước thì chỉ có Vườn quốc gia Núi Chúa của Ninh Thuận là có hệ sinh thái này. Nơi đây cũng là 1 trong 3 địa điểm của cả nước có thể quan sát rùa biển đẻ trứng một cách tự nhiên (cùng với Côn Đảo, Vịnh Bái Tử Long).

Đặc biệt, nói đến Ninh Thuận không thể không nhắc đến văn hóa Chăm và theo lời PGS. TS Phạm Trung Lương “không đâu có thể trải nghiệm đầy đủ và sâu nhất về văn hóa Chăm” như ở Ninh Thuận. Ninh Thuận cũng là tỉnh duy nhất trồng được nho, nuôi cừu thương phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan và ẩm thực của du khách...

“3 điểm quan trọng đó tạo ra sự khác biệt của Ninh Thuận. Nhưng không chỉ có thế, Ninh Thuận còn có các yếu tố động lực để thu hút phát triển du lịch..” - PGS.TS Phạm Trung Lương quả quyết. 3 yếu tố quan trọng được vị chuyên gia này đề cập đến đó là tam giác động lực Nha Trang - Phan Rang - Đà Lạt; Sân bay Cam Ranh chỉ cách đó 50km và nét mộc mạc, hoang sơ vốn có... 

Đánh giá về tiềm năng du lịch của Ninh Thuận, Thứ trưởng  Bộ VH, TT & DL, ông Vương Duy Biên cho rằng chính những nét “đặc sắc” và “khác biệt” của Ninh Thuận vừa là “lợi thế” vừa là “tiềm năng”...

Ý thức được tiềm năng mà những địa phương đi trước không có được, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trong bài phát biểu của mình luôn cam kết thu hút đầu tư nhưng luôn đặt mục tiêu giữ được nét mộc mạc và hoang sơ....

Hơn 200 nhà đầu tư, DN trong và ngoài tỉnh, các công ty du lịch đã tham dự Hội nghị Xúc tiến Quảng bá Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại Hà Nội

Hơn 200 nhà đầu tư, DN trong và ngoài tỉnh, các công ty du lịch đã tham dự Hội nghị Xúc tiến Quảng bá Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại Hà Nội

Đánh thức “kho vàng trên cát”...

Không phải không có nguyên do khi các DN đang đầu tư khái thác du lịch tại đây như Tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng Aman quốc tế với dự án khu du lịch Amanoi có giá 100 triệu/đêm,  CTCP Mũi Dinh Ecopack với dự án khu du lịch Mũi Dinh Ecopack, CTCP Đầu tư Hacom Holdings với dự án Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ... ví Ninh Thuận là “viên pha lê”, “kho vàng” trên cát…

Theo Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh, trong 5 năm gần đây, du lịch Ninh Thuận tăng trưởng liên tục về lượt khách và doanh thu. Thường xuyên thiếu phòng nghĩ vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết... 

Báo cáo của Sở Du lịch Ninh Thuận cho biết, trong 5 năm gần đây lượt khách tăng trưởng bình quân 16% năm, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân 15% năm. Riêng trong năm 2017 lượt khách đạt 1,9 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 61nghìn  lượt người (tăng 10,91% so năm trước); khách nội địa đạt gần1,84 triệu lượt người (tăng 11,79% so năm trước), thu nhập xã hội từ du lịch đạt 883 tỷ đồng, tăng 17,73% so năm 2016.

Tuy nhiên Ninh Thuận vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư du lịch, dịch vụ. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 325 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, Quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 115.000 tỷ đồng, tập trung các lĩnh vực phát triển du lịch, năng lượng, sản xuất giống thủy sản, chế biến nông thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản; trong đó, có 48 dự án đầu tư về du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích khoảng 1.800 ha, tổng vốn đầu tư gần 15.300 tỷ đồng (trong đó dự án Ecopark 4.700 tỷ đồng). ..

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 do tư vấn nước ngoài tập đoàn Monitor lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận định hướng phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản... 

Để hiện thực hóa được các mục tiêu và định hướng quy hoạch phát triển KT-XH, Ninh Thuận tập trung ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, trong đó.lĩnh vực du lịch sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và Trung tâm TP Phan Rang-Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi Biển Bình Sơn, trung tâm du thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp ven biển; các dịch vụ du lịch chuyên đề như du lịch kết hợp đua mô tô địa hình trên cát, cưỡi Lạc Đà trên đồi cát, dù lượn, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp (cắt nho, hái táo, làm muối, trồng tỏi,...) để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt có tính cạnh tranh cao thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, Ninh Thuận được hưởng ở khung cao nhất của tất cả các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Địa phương cũng chủ trương dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ, đồng thời, sẽ vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, năm 2018 này, Ninh Thuận là một trong những tỉnh đầu tiên mạnh dạn ban hành cơ chế thu hút du lịch trọng điểm đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh, để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch...

Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, với khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm không bị ảnh hưởng mưa bão mà các nhà địa lý học ví như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á”, Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, nằm trung tâm vùng nước trồi với đa dạng chủng, loài hải sản, được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về sinh học với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình, đồi cát Nam Cương, đồi cát Mũi Dinh…
Hệ thống các tháp Chăm được bảo tồn nguyên vẹn, được công nhận di tích đặc biệt; quần thể tháp Po Klongarai nơi diễn ra Lễ hội Katê, có sức hút không nhỏ đối với du khách trong nước và quốc tế. Khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như măng ty xanh, táo, tỏi, chăn nuôi dê, cừu; đặc biệt cây Nho và ngành chế biến vang nho, các sản phẩm từ nho phát triển, đưa Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” của cây nho cả nước.

Đọc thêm