Cách đây không lâu, Đà Nẵng đã lọt vào top một trong 20 thành phố được công nhận là thành phố sạch nhất trên thế giới với lượng carbon trong không khí thuộc hàng thấp nhất thế giới. Đà Nẵng cũng là thành phố được du khách cực kì yêu thích bởi rất nhiều cây xanh, ngăn nắp, sạch sẽ và rất hiếm nhìn thấy rác trên đường phố, bãi biển. Có được thành tựu này là nỗ lực lớn trong quản lý đô thị của chính quyền thành phố.
Trước đó, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, giúp giảm 12.000 tấn carbon vào môi trường thông qua các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tiếp đó, Đà Nẵng đã triển khai dự án thành phố xanh, sạch, đẹp 2016-2020 với chiến lược và mục tiêu cụ thể như 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng.
Về phần mình, Vũng Tàu trong nhiều năm là một thành phố du lịch nổi tiếng, tuy nhiên, vẫn chưa được xếp vào hàng “thành phố du lịch xanh, sạch”, bởi trên nhiều bãi tắm vẫn tồn tại tình trạng ăn nhậu nhếch nhác, xả rác bừa bãi. Bãi Sau Vũng Tàu trong nhiều năm đều khiến du khách không hài lòng bởi mức độ ô nhiễm, rác chất đầy bãi biển. Từ giữa năm 2015, thành phố bắt đầu ra quân dọn dẹp những hàng quán nhếch nhác và rác thải khu vực bãi Sau. Tuy nhiên, được một thời gian thì mọi thứ trở lại như cũ.
Hiện, nhiều địa phương du lịch khác của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như Long Điền, Côn Đảo, Xuyên Mộc cũng đang được triển khai mô hình quản lý nói trên nhằm giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch. Gần đây, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch khác trên cả nước như Hội An, Huế, Nha Trang cũng đang triển khai mô hình thành phố du lịch sạch, lành mạnh, không khói thuốc…
Tuy nhiên, trên cả nước, con số các địa phương du lịch làm tốt vấn đề về môi trường chưa thực sự nhiều. Ngoài một vài tỉnh, thành phố tiêu biểu, số còn lại vẫn đang loay hoay giữa bài toán phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Nhiều điểm du lịch thậm chí con đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm trầm trọng. Một số đảo như Phú Quốc, Nam Du, Bình Ba… vốn từng rất sạch, trong lành, nhưng đến nay, trước cơn bão du khách đổ xô về đã trở nên ô nhiễm, nhiều khu vực của đảo ngập trong rác. Nhiều điểm du lịch biển khác cũng đang đứng trước “báo động đỏ” về ô nhiễm, đặc biệt là sau các mùa lễ, Tết…
Những mô hình “sạch hoá” bãi biển, thành phố như của Đà Nẵng, Vũng Tàu… là rất đáng để tham khảo, học hỏi, và để học hỏi cũng như thực hiện thành công, cần có sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền các tỉnh, thành. Du lịch gắn liền với bảo vệ, giữ gìn môi trường luôn là cách làm du lịch bền vững và hiệu quả.