Nợ khó đòi

Theo ông Nguyễn Công Lang, Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng thì số tiền thuê nhà chung cư mà người dân không trả sẽ rất khó đòi vì chẳng có chế tài nào để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Theo ông Nguyễn Công Lang, Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng thì số tiền thuê nhà chung cư mà người dân không trả sẽ rất khó đòi vì chẳng có chế tài nào để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Một phần kinh phí duy tu, sửa chữa nhà chung cư trích từ tiền thuê nhà của người dân đang sinh sống tại đây.
Hiện nay, các đối tượng thuê nhà chung cư của thành phố gồm có: Hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời; cán bộ, công chức, các đối tượng thuộc diện thu hút nhân tài của thành phố; các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hoặc gia đình chính sách, người có công cách mạng.
Theo Trưởng phòng Quản lý chung cư thuộc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng Nguyễn Bá Bình thì phần lớn trường hợp nợ tiền thuê nhà chung cư là những hộ dân trong diện giải tỏa được bố trí nhà để tái định cư. Ngoài ra, không ít người nợ tiền thuê nhà là cán bộ, công chức đang công tác tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Từ khi chính sách cho thuê nhà chung cư được thực hiện đến nay, số tiền ước tính người dân Đà Nẵng còn nợ Nhà nước chưa trả mỗi năm lên đến hơn 3 tỷ đồng. Theo quy định của Bộ Xây dựng, mức giá cho thuê nhà chung cư hiện nay khoảng 8.000 đồng/m2, tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng áp mức giá thấp hơn, khoảng 4.000 đồng/m2. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều hộ dân chây ỳ, không chịu trả tiền.

Việc người dân không trả tiền thuê nhà chung cư xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Một số trường hợp lấy cớ là trước đây UBND thành phố giải tỏa nhà, đất của họ và đồng ý bố trí nhà chung cư để ở chứ không phải là thuê. Họ nghiễm nhiên xem việc ở chung cư là đặc quyền của mình, là chính sách mà Nhà nước đền bù sau khi họ đã bàn giao nhà, đất để phát triển đô thị. Lý do nữa mà những cán bộ đi thu tiền thuê nhà hay gặp phải là sự viện cớ của chính chủ nhà. Tháng này họ khất vì trong nhà không có đủ tiền, tháng khác họ lại bảo đã dùng tiền vào việc chữa bệnh, phải không các loại…
Hẹn lần hẹn lữa mãi từ tháng này qua tháng nọ, người thu tiền cũng đành bất lực. Ngoài ra, nguyên nhân đáng chú ý nhất là sự chây ỳ của chính các chủ căn hộ chung cư, kể cả một số ít là cán bộ, công chức. Dù có tiền hay không, họ vẫn không nộp. Giấy báo nợ tiền gửi đến tận nhà nhưng họ vẫn làm ngơ. Trưởng phòng Quản lý chung cư Nguyễn Bá Bình cho rằng, ý thức kém dẫn đến sự ù lỳ, không chịu trả tiền thuê hàng năm trời, tình trạng này không chỉ xảy ra ở các hộ dân thuộc diện giải tỏa mà cả đối với một số ít hộ cán bộ, công chức.

Theo ông Nguyễn Công Lang, hiện công ty quản lý 120 đơn nguyên nhà chung cư. Cứ mỗi đơn nguyên, công ty phải trả tiền cho người bảo vệ, tiền nước bơm cho dân sử dụng, tiền điện chiếu sáng khu chung cư… Nếu như mỗi năm, người dân trả đủ tiền thuê nhà, ước tính khoảng 3 tỷ đồng thì phía công ty hưởng 5% (150 triệu đồng), số tiền này dùng để chi trả lại cho việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý chung cư. Theo tính toán của ông Lang, khoản kinh phí này vẫn không đủ chi trả tiền thuê bảo vệ, tiền điện chiếu sáng trong khu chung cư chứ chưa nói đến việc quay vòng vốn đầu tư xây dựng chung cư hoặc đủ tiền để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hỏng hóc nếu có.
Và như vậy, bản thân những hộ dân đang ở đây cũng sẽ không được thụ hưởng một cách đầy đủ những tiện ích công cộng trong khu chung cư. Nếu chung cư xuống cấp, hư hỏng, cần sửa chữa thì rõ ràng, số tiền đầu tư cho công việc này sẽ hạn chế cho dù có sự bao cấp của chính quyền thành phố đi chăng nữa. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Phòng Quản lý nhà chung cư thì một phần kinh phí hành chính trong việc quản lý chung cư, kể cả thu nhập của cán bộ thuộc bộ phận này phụ thuộc vào phần trăm trích ra từ tiền thuê nhà của người dân. Nếu các hộ dân này không trả tiền thuê hoặc trả không thường xuyên, không đầy đủ thì cán bộ, công chức cũng chỉ nhận lương hành chính “chay”, các khoản chi cho văn phòng phẩm, quản lý, sửa chữa nhà chung cư cũng vì thế không thể thực hiện một cách đầy đủ vì kinh phí hạn hẹp.

Cho đến nay, số tiền nợ lên đến con số hàng tỷ đồng nhưng việc thu hồi chẳng dễ dàng chút nào. Ông Nguyễn Công Lang cho biết, đối với những trường hợp nợ tiền thuê nhà là cán bộ, công chức thì dễ thu hồi vì có thể báo về cơ quan để trừ lương. Đơn vị đã gửi giấy báo về tận cơ quan của cán bộ, công chức còn nợ tiền. Nếu họ vẫn không chịu trả thì một là sẽ thu hồi, hai là báo lên cơ quan chủ quản để xem xét, đánh giá, phân loại cán bộ. Tóm lại, với trường hợp là cán bộ, công chức thì sự ràng buộc đối với đơn vị làm việc sẽ là cơ sở tạo thuận lợi cho Công ty Quản lý nhà buộc họ trả nợ.
Cái khó nhất là đối với các hộ dân được bố trí nhà chung cư theo diện giải tỏa. Cách mà Công ty Quản lý nhà đang làm là vận động họ nộp, vận động đến đâu hay đến đó, nếu nộp thì tốt, còn không thì cũng đành “bất lực” vì chẳng có chế tài nào để bắt buộc họ phải trả. Đã có phương án đưa ra là nếu không trả tiền thuê nhà thì sẽ phối hợp với ngành điện, nước tiến hành cắt điện, nước. Nhưng hai ngành này cũng không có cơ sở pháp lý khi cắt nhu cầu sinh hoạt thường xuyên này vì bản thân các hộ gia đình nợ tiền thuê nhà nhưng vẫn đóng tiền điện, nước định kỳ mỗi tháng. Theo ông Nguyễn Công Lang, việc thu tiền đối với các hộ dân này rất khó và nhiều trường hợp không thể thu được, cũng không thể vì thế mà buộc họ đi nơi khác. Nếu chuyển họ đi thì tiền thuê nhà không lấy được mà thành phố lại phải mất công bố trí lại cho họ một địa điểm khác để ở.
Chẳng lẽ thành phố “bó tay” không thu được tiền thuê nhà chung cư hiện nay? Trên thực tế, càng chây ỳ không trả thì số nợ càng lớn lên theo từng năm. Trước sau gì người dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. “Nếu sau này Nhà nước có quyết định bán căn hộ chung cư cho người dân, nếu họ muốn mua thì trước hết phải trả đủ tiền thuê nhà và như thế, trước sau gì họ cũng phải trả khoản nợ này”, ông Lang lý giải. Đối với các trường hợp mua chuyển nhượng từ chủ căn hộ trước đó, họ phải thay người chủ trước trả nợ nếu muốn hoàn toàn sở hữu căn hộ. “Tiền chẳng mất đi đâu cả”, ông Lang khẳng định. Tuy nhiên, đến bây giờ, thật sự chưa có một giải pháp nào hiệu quả để thu hồi khoản tiền nợ này. Hiện tại, nhiều hộ dân vẫn chây ỳ không nộp, chính quyền thì bất lực vì không có chế tài để xử phạt người dân.
Nhùng nhằng câu chuyện này mãi thì không những thâm hụt một khoản tiền ngân sách Nhà nước mà bản thân những hộ dân đang ở chung cư cũng chịu thiệt vì không gian kiến trúc khu chung cư sẽ không nhận được sự duy tu, bảo dưỡng đúng như nó đáng được thực hiện nếu người thuê nộp đủ tiền cho chính quyền. Cho đến bây giờ, sự bao cấp của chính quyền đối với việc vận hành, quản lý các khu nhà chung cư vẫn lớn, trong khi đó, nhiều hộ dân lại không thực hiện nghĩa vụ của mình khi được thuê chung cư để sinh sống. Vẫn biết rằng, chương trình “Có nhà ở” là chính sách ưu đãi mà thành phố đang áp dụng cho nhiều đối tượng, nhất là người nghèo, cán bộ, công chức chưa có nhà ở nhưng thiết nghĩ, cũng đừng quá ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền mà quên đi nghĩa vụ của người được thuê nhà.
Về lâu dài, thành phố cũng cần có những chế tài rõ ràng, công khai, minh bạch để xử lý các trường hợp nợ tiền thuê nhà chung cư và thu hồi tiền cho ngân sách Nhà nước, từ đó, đầu tư ngược lại cho việc duy tu, quản lý, sửa chữa nhà chung cư khi cần thiết.
Bài và ảnh: Hà An

Đọc thêm