Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

(PLVN) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhiều năm qua vẫn luôn là nỗi trăn trở, là bài toán khó giải ở nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai. 
Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Hôn nhân cận huyết- hủ tục bị đẩy lùi

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có trên 66% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại đã để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, môi trường giáo dục, kinh tế xã hội, đặc biệt là làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nói riêng và sự phát triển bền vững của tỉnh nói chung.

Từ năm 2015 đến hết tháng 9/2017, tỉnh Lào Cai có 1.866 người tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trong đó, riêng huyện Mường Khương có đến 414 trường hợp tảo hôn, cao nhất trong 9 huyện, thành phố.

Để chấm dứt tình trạng trên, đồng thời nêu cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống trong vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, ngày 30/10/2017, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Chương trình tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho học sinh tại trường THPT số 3 Mường Khương

Chương trình tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho học sinh tại trường THPT số 3 Mường Khương

Qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị , các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý 313 vụ liên quan đến tảo hôn, 05 vụ liên quan đến hôn nhân cận huyết thống, xử lý hình sự 3 vụ về giao cấu với trẻ em, kịp thời phát hiện, ngăn chặn được 659 người có ý định tảo hôn…. Riêng huyện Mường Khương, đã giảm thiểu 95% tình trạng tảo hôn và không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống, vượt xa mục tiêu Chỉ thị số 33-CT/TU và là huyện có tỷ lệ giảm cao nhất trong toàn tỉnh.

Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư huyện ủy Mường Khương cho biết: Kinh nghiệm của địa phương là làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng các gương điển hình trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời phải đa dạng hóa hình thức và sản phẩm tuyên truyền theo hướng đơn giản, hiệu quả, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện để người dân thấy rõ được hệ lụy của các hủ tục trong hôn nhân, dần thay đổi nhận thức, hành vi.

Các cấp, các ngành phối hợp triển khai xây dựng và phát huy có hiệu quả các “Mô hình điểm” như: câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; mô hình “Ông mai, bà mối” tại một số xã của huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương... Thông qua hoạt động tại các “Mô hình điểm” đã giúp cho các hội viên được chia sẻ, giao lưu, tham gia học hỏi những kinh nghiệm hay để tuyên truyền, vận động nhân dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Theo số liệu thống kê, trong 3 năm 2018 – 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn có 897 người tảo hôn và 5 cặp hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, số người tảo hôn có chiều hướng gia tăng, năm 2018 có 287 người tảo hôn đến năm 2020 có 315 người.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai: hiện nay tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, việc kiểm tra, đánh giá để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông vẫn còn nhiều hạn chế. Khi phát hiện được thì chưa kiên quyết xử phạt dẫn đến các trường hợp vi phạm vẫn còn xảy ra.

Cán bộ y tế huyện Bắc Hà tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết, ảnh: Trọng Bảo

Cán bộ y tế huyện Bắc Hà tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết, ảnh: Trọng Bảo

Việc nắm bắt thông tin, phát hiện ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có lúc, có nơi chưa kịp thời, chủ yếu các địa phương chỉ phát hiện khi đã tổ chức cưới hoặc đã về chung sống với nhau như vợ chồng. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn bị ảnh hưởng bởi những quan niệm, tập quán lạc hậu đã tồn tại qua nhiều thế hệ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, không khuyến khích con em đến trường mà muốn con cái nghỉ học ở nhà giúp việc gia đình. Đồng thời chưa thấy, chưa hiểu được những hệ lụy xấu do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra, do đó cho con lấy vợ, lấy chồng sớm.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 33 - CT/TU do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, ông Đặng Xuân Phong cũng đã nêu rõ: Cần đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội tại địa phương; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình để đồng bào nâng cao nhận thức đối với công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đọc thêm