Như tại Hà Nội, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đã được tập trung đẩy mạnh. Thành phố thực hiện đa dạng hóa các loại hình hỗ trợ như: tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý trên truyền hình, internet, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật; xây dựng phát sóng các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp trên đài phát thanh, truyền hình Hà Nội; tổ chức tập huấn theo chuyên đề kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp các lĩnh vực… Qua đó kịp thời cập nhật thông tin, tiếp nhận ý kiến phản ánh của cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; nhằm tăng cường hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị.
Còn tại Bắc Kạn, thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường rà soát, đánh giá các quy định về phí, lệ phí thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý để kịp thời phát hiện các quy định chưa phù hợp, tạo gánh nặng, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp và người dân; trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong lĩnh vực Tư pháp, Sở Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát, đánh giá 6 thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực Lý lịch tư pháp, Công chứng, Tư vấn pháp luật, qua đó kiến nghị đơn giản hóa đối với 4 TTHC.
Cùng với việc rà soát, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, các sở, ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh cải cách TTHC, tuyên truyền hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Với việc thành lập Tổ Tư vấn TTHC và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, các quy định về thu hút đầu tư kinh doanh tại tỉnh Bình Dương đã có nhiều bước cải tiến. Theo đó, Tổ trưởng Tổ tư vấn là lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Tư vấn viên thường trực thuộc các sở, ban, ngành trực tư vấn 5 ngày/tuần tại trụ sở làm việc của cơ quan. Cách làm này đã góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại và thân thiện, tạo ra sự hài lòng cho doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.
Bên cạnh các kết quả đạt được, các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn do thể chế quy định về chỉ số B1 chưa hoàn thiện, có sự chồng lấn với các chỉ số khác như chỉ số cải cách hành chính, kiểm soát TTHC, chỉ số cạnh tranh CPI. Một số văn bản quy phạm pháp luật của trung ương có quy định về TTHC thường xuyên thay thế, sửa đổi, bổ sung gây khó khăn, mất nhiều thời gian để rà soát. Nguồn lực về kinh phí và biên chế thực hiện công tác nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Để phát huy kết quả đạt được đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1, các bộ, ngành và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ năm 2019, 2020, 2021 và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Công văn của Bộ Tư pháp hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, cụ thể, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, kiểm soát chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh. Tăng cường chia sẻ dữ liệu cho các địa phương, quan tâm hơn nữa trong việc giải đáp những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương để việc tổ chức thực thi pháp luật được chính xác, thống nhất, đồng bộ nhằm làm giảm phí tuân thủ pháp luật…