Nỗ lực tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai

Trở về sau những tháng ngày dài là nô lệ “nàng tiên nâu”, những người nghiện ma túy thực sự gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng. Chấm dứt hẳn với ma túy để không tái nghiện và có công ăn việc làm ổn định có lẽ là mong muốn hơn cả của gia đình và cộng đồng.

Trở về sau những tháng ngày dài là nô lệ “nàng tiên nâu”, những người nghiện ma túy thực sự gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng. Chấm dứt hẳn với ma túy để không tái nghiện và có công ăn việc làm ổn định có lẽ là mong muốn hơn cả của gia đình và cộng đồng.

Chuyện ghi ở trung tâm cai nghiện

Theo báo cáo tổng kết tại hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch phối hợp phòng, chống ma túy vùng Tây Bắc và các tỉnh, thành phố liên quan lần thứ IV, các địa phương vùng Tây Bắc (trong đó có Hòa Bình) đã tổ chức cai nghiện cho khoảng trên 14.700 lượt người. Con số thống kê hiện chưa đầy đủ cho thấy, hiện số người nghiện ma túy ở vùng Tây Bắc chiếm một nửa so với tống số người nghiện trên toàn quốc (khoảng 66 nghìn so với 140 nghìn).

fbhfgh
  Hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề tại trung tâm cai nghiện tỉnh Hòa Bình

Bà Quách Thị Kiều (Giám đốc Trung tâm giáo dục – lao động xã hội tỉnh Hòa Bình) cho hay: “Hiện trung tâm đang tổ chức cai nghiện và hướng nghiệp cho hàng trăm trường hợp nghiện ma túy. Trong số này, có không ít trường hợp bị nhiễm HIV và từng có tiền án, tiền sự. Trong một vài năm trở lại đây, trung tâm đã tạo điều kiện cho hàng chục trường hợp tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm, ổn định cho cuộc sống”.

Cũng theo bà Kiều, trung tâm chữa bệnh, giáo dục-lao động xã hội có những đặc thù riêng, tạo nên chuyển biến rõ rệt trong công tác cai nghiện và hướng nghiệp cho người nghiện ma túy. Thứ nhất, tại trung tâm có thêm nhiều bà con đồng bào dân tộc H’mông đến cai nghiện sau khi được sự vận động của chính quyền, nhân dân.

Đa số trong số này đều có quê quán tại hai xã “trọng điểm” của tình hình hoạt động ma túy là Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Số học viên dân tộc H’mông này đều không phải nộp lệ phí nên tính từ đầu năm 2011 đến nay, từ 9 học viên, trung tâm đã đón nhận thêm 12 học viên người H’mông mới. Thứ hai, học viên cai nghiện tại đây sau khi cắt cơn được chuyển về công trường lao động tại Lạc Sơn trong 2 năm.

Tại đây, các học viên được dạy nhiều công việc như đóng gạch, xây dựng, làm vàng mã, đục đá mỹ nghệ…Nhiều học viên sau khi rời công trường đều đã tìm được cho mình công việc làm phù hợp có thu nhập ổn định. Bà Kiều chia sẻ: “Đó là mong muốn lớn nhất của chúng tôi và cũng là của gia đình và cộng đồng với những con người đã từng là nô lệ của “nàng tiên nâu”.

Trò chuyện với Sùng Y Lơ (70 tuổi, trú tại Pà Cò Lớn, Mai Châu, Hòa Bình)-học viên lớn tuổi nhất cai nghiện tại trung tâm, được bà chia sẻ: “Vào đây được hai tuần rồi nhưng dùng ma túy thì được hơn 1 năm cơ”. Khi được hỏi vì sao bà lại nghiện ma túy, bà bộc bạch: “Bị rắn độc cắn mà không có tiền chữa trị nên con cái nó mới đưa thuốc phiện cho hút để đỡ đau. Dần thành nghiện, cả hai mẹ con đều đang cai ở đây”.

Anh Hàng A Sái (40 tuổi, con trai của bà Sùng Y Lơ) cho biết: “Nhà nghèo mà hai mẹ con nghiện nên vất vả lắm. Ngày đi làm công chỉ đủ tiền mua thuốc cho hai mẹ con”. A Sái cũng kể về bản làng anh, nơi có hàng chục người sử dụng thuốc phiện mỗi ngày và việc mua bán thường diễn ra dễ dàng, công khai nên không cứ gì người trẻ mà cả người già cũng nghiện ma túy.

Cai nghiện tại trung tâm đã được một thời gian, A Sái vui vẻ: “Nhà còn có hơn 2000m2 đất đồi mà để trống. Vào đây, các cán bộ dạy cho kỹ thuật trồng cây và cách làm đất, dạy cho tác hại của thuốc phiện, giờ thì chỉ mong nhanh chóng cai được thuốc để về làm ăn thôi”. Bà Y Lơ ngồi đan giỏ gần đấy cũng cười theo: “Chả nhớ thuốc nữa đâu, chừa luôn đấy, không dám làm khổ con cháu nữa rồi”.

Phải có niềm tin để họ làm lại cuộc đời

Phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình là địa bàn có hàng chục trường hợp nghiện ma túy và đã từng là điểm nóng về tệ nạn xã hội trên địa bàn. Một vài năm trở lại đây, số lượng người nghiện ma túy đã giảm hẳn, trong đó không ít trường hợp làm giàu và làm lại cuộc đời sau những tháng năm dài lầm lỡ.

Ông Nguyễn Hữu Khả (SN 1946, ở tổ 5, phường Chăm Mát) tâm sự: “Con trai của tôi là cháu Nguyễn Hữu Triển từng đi bộ đội về những không hiểu bạn bè rủ rê thế nào mà lại vướng vào ma túy. Phải mất rất nhiều thời gian để nó có thể cắt cơn và tu chí làm ăn bây giờ nhưng quan trọng nhất là gia đình tôi và bà con khu dân cư luôn động viên nó, tin nó để nó làm lại cuộc đời. Có những đêm tôi thức trắng để trông con, thử để tiền “thử” con xem nó có quyết tâm cai được không…là những điều mà tôi không thể nào quên trong suốt 4 năm giúp con cai nghiện và dứt bỏ ma túy”.

Không phụ lòng tin của bố và mọi người, anh Triển đã không những bỏ được ma túy và còn được chính quyền khu phố tạo điều kiện để mở một công ty riêng chuyên sản xuất tăm tre hương quế. Anh cũng đã tạo việc làm cho anh em có cùng cảnh ngộ và trở thành một trong những gương sáng được mọi người noi theo.

Trò chuyện với Tô Viết Hưng (SN 1964, trú tại tổ 21 phường Chăm Mát) với nụ cười thân thiện, anh cho hay: “Ma túy đã lấy đi của tôi tất cả, từ công việc tới hạnh phúc gia đình. Ngày tôi đi cai nghiện, nếu không có chính quyền cưu mang, giúp đỡ vợ con thì chắc chắn tôi không có đủ quyết tâm để làm lại. Giờ đây, khi có nghề xây trong tay, tôi đi nhận các công trình xây dựng, chịu khó vất vả hơn một chút mới thấy thấm thía”.

Một lãnh đạo phường Chăm Mát tâm sự: “Nếu quay lưng với những người nghiện ma túy hay những con người đã từng lầm lỡ thì chúng ta vô tình tạo điều kiện thêm cho các tệ nạn xã hội nảy sinh. Chính việc tin tưởng họ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng mới là biện pháp cần thiết nhất”.

Tố Uyên     

Đọc thêm