Nở rộ bán trú ngoài trường

Trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn hạn chế, mô hình bán trú ngoài trường đã ra đời và phát triển mạnh mẽ, đáp ứng một nhu cầu rất lớn của phụ huynh hiện nay.
Trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn hạn chế, mô hình bán trú ngoài trường đã ra đời và phát triển mạnh mẽ, đáp ứng một nhu cầu rất lớn của phụ huynh hiện nay.

Ngày 30-8, Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nghỉ dạy. Nhưng hơn 30 HS của trường vẫn có mặt đầy đủ ở nhóm bán trú Bình Minh nằm gần đó. “Trường nghỉ nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm. Học trò được phụ huynh gửi ở đây từ 6g30-17g30, thậm chí đến 19g. Công việc của các cô ở đây là lo từ ăn ngủ trưa, ăn xế đến đưa đón trẻ đến trường, thay cha mẹ ôn bài cho trẻ theo lịch báo bài của trường, kể cả việc chở trẻ đi học thêm, rèn chữ ở nhà cô giáo chủ nhiệm...” - cô Nguyễn Kim Khôi, điều hành nhóm bán trú này, cho biết.

Bán trú... "cơ sở 2"

Con hẻm 61 Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp, đối diện Trường tiểu học An Hội, có rất nhiều điểm tổ chức giữ và dạy kèm cho HS tiểu học với tên gọi “nhóm trẻ”. Trong đó, nhóm Bình Minh nhận HS các trường gần đó như Trường tiểu học An Hội, Trường Lê Thị Hồng Gấm và Trường tiểu học Lương Thế Vinh.
Học sinh một số trường tiểu học được gửi tại nhóm trẻ bán trú Bình Minh, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Phúc Điền

6g30 sáng, HS học buổi chiều được cha mẹ đưa đến gửi. Buổi trưa đến lượt HS học buổi sáng được đón về ăn trưa, nghỉ trưa và ôn bài. Ngoài việc chăm và dạy HS, các giáo viên tại nhóm bán trú này còn kiêm nhiệm vụ đại diện phụ huynh đến trường đóng học phí, thực hiện những dặn dò hằng ngày của giáo viên chủ nhiệm, đánh giá và ghi nhận những tiến bộ về học lực và đạo đức của trẻ để thông tin với phụ huynh.

11g trưa. Tại Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), HS trật tự xếp hàng ra khỏi trường. Trước cổng trường, hai chiếc xe Daihatsu đang chờ sẵn. Hai giáo viên dẫn HS lên ngồi ở hai dãy ghế phía sau xe, tất cả cặp sách được móc lên mui xe. Chiếc xe quẹo qua hai con hẻm nhỏ, dừng trước một ngôi nhà khang trang, một nửa số HS chạy ùa vào nhà.

Sau đó xe vòng qua một khu chợ xép và chở các em còn lại vào một ngôi nhà khác. Đưa hết một lượt, chiếc xe quay lại trường để đón chuyến HS tiếp theo. Tính chưa đầy đủ, khu vực Trường Bành Văn Trân đã có hơn năm điểm như năm "vệ tinh" nằm xung quanh trường, nhận giữ HS một buổi.

Cách trường khoảng 50m, trong ngôi nhà một trệt, ba lầu, cô giáo Trần Thị Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/10 Trường Bành Văn Trân, cũng nhận giữ hơn 20 HS của lớp. Sau khi kết thúc buổi học sáng, cô dẫn HS đi theo hàng về nhà. Cô Hương cho biết: “Thiếu lớp bán trú nên phụ huynh gặp khó khăn rất lớn. Nhiều phụ huynh đề xuất và động viên nên tôi tổ chức mô hình này cách đây vài năm”. Mỗi tháng, gia đình các bé gửi cho cô giáo 700.000-800.000 đồng cho tiền ăn và các phí sinh hoạt khác.

Chưa được thừa nhận

Mô hình "vệ tinh" bán trú đã xuất hiện nhiều năm và ngày càng được nhiều nơi thực hiện, đặc biệt ở những nơi căng thẳng chỗ học bán trú. Số lượng nhóm bán trú theo mô hình này ngày càng nhiều và bắt đầu có nhiều cách thức cạnh tranh bằng cách hạ giá, tổ chức giữ cả ngày chủ nhật.

Thế nhưng, đến nay đó vẫn là một hoạt động âm thầm, tự phát. Có rất ít cơ sở “vệ tinh” bán trú có giấy phép để được thừa nhận như một trung tâm bồi dưỡng văn hóa hoặc như một “cơ sở 2”, phụ trách hoạt động bán trú của các trường tiểu học. Nhiều nơi, ngay cả những nơi có quy mô đến hàng chục trẻ, vẫn tự phát với tên gọi là “nhóm trẻ”.

Chủ một nhóm trẻ tiểu học trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp băn khoăn: “Hoạt động của chúng tôi có xin phép phường, định kỳ phường cũng đến kiểm tra vệ sinh thực phẩm, nơi ăn ngủ của các cháu. Chúng tôi cũng mong muốn mở rộng cơ sở, thêm phòng ốc, có sân cho trẻ vui chơi nhưng không biết có xin được giấy phép không và hoạt động theo mô hình nào...”.

Đại diện ban giám hiệu Trường tiểu học Bành Văn Trân, Q.Tân Bình đánh giá: “Mô hình bán trú bên ngoài trường này mặc dù giúp đỡ phụ huynh rất nhiều nhưng khó thực hiện tốt vì đòi hỏi điều kiện tổ chức, cũng như phải có người kèm cặp, theo dõi các cháu”.
Một chuyến xe đón học sinh Trường tiểu học Bành Văn Trân, Q.Tân Bình, TP.HCM về một điểm bán trú tại nhà dân (ảnh chụp lúc 11g15). Các em sẽ được ăn trưa, nghỉ trưa tại điểm bán trú này và ôn bài vào buổi chiều trước khi phụ huynh đón về - Ảnh: Lưu Trang

Bên cạnh đó, “việc phụ huynh đóng tiền cho con ăn, ngủ, học buổi chiều tại nhà giáo viên chủ nhiệm lắm khi cũng phức tạp. Trường không thể cấm nhưng cũng không thể quản lý những chuyện diễn ra bên ngoài trường. Có trường hợp tư nhân bên ngoài đến đề nghị hợp tác xây cơ sở “vệ tinh” bán trú nhưng ban giám hiệu không dám nhận lời. Vì đã tổ chức “vệ tinh” thì phải có người quản lý, nếu không sẽ khó đảm bảo chất lượng...” - một hiệu trưởng tâm tư.

Cũng không ít trường đã nhiều năm tổ chức “vệ tinh” bán trú và những người làm công tác bán trú ngoài trường tỏ ra ngại ngần khi nói về mô hình này. Bởi lẽ chưa có những chấp thuận chính thức về pháp lý và vẫn còn những nhận định trái chiều về hoạt động này.
“Vệ tinh” bán trú

Quận Tân Bình và Tân Phú, TP.HCM là những nơi xuất hiện mô hình “bán trú ngoài trường” sớm nhất. Các cơ sở tổ chức ở đây có quy mô lớn, giữ hàng chục lớp, hàng trăm trẻ. Không chỉ giữ trẻ theo yêu cầu riêng lẻ của từng phụ huynh, những nơi này đã được nhiều trường tiểu học chọn làm “vệ tinh” để tổ chức dạy bán trú.

Theo đó, sau giờ học ở trường, HS một số lớp bán trú sẽ được đưa đến đây ăn ngủ, buổi chiều chính thầy cô ở trường các em sẽ đến dạy theo đúng chương trình buổi thứ hai của nhà trường. Trong đó, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Q.Tân Phú là địa chỉ được nhiều trường chọn là “vệ tinh" bán trú với sức chứa gần 20 lớp. Trung tâm này cũng là nơi "gánh" công tác bán trú cho các trường tiểu học đang xây sửa, thiếu điều kiện tổ chức bán trú tại trường.    
Theo Phúc Điền-  Lưu Trang
Tuổi Trẻ

Đọc thêm