Nợ xấu giảm

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối tháng 4-2010, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm khoảng 2,67% trên tổng dư nợ. Trong đó, khối NHTM Nhà nước là 3,02%,  NHTMCP và liên doanh 2,44%. Tỷ lệ này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, khi khoản nợ xấu ở thời điểm đó lên trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 3,38% trên tổng dư nợ. Mặt khác, tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đến cuối tháng 4-2010 ước thực hiện 36.000 tỷ đồng và tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối tháng 4-2010, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm khoảng 2,67% trên tổng dư nợ. Trong đó, khối NHTM Nhà nước là 3,02%,  NHTMCP và liên doanh 2,44%. Tỷ lệ này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, khi khoản nợ xấu ở thời điểm đó lên trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 3,38% trên tổng dư nợ. Mặt khác, tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đến cuối tháng 4-2010 ước thực hiện 36.000 tỷ đồng và tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Nợ xấu của ngân hàng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. 

Đây là một tín hiệu khả quan cho nền kinh tế nói chung, hoạt động cho vay của NH nói riêng, khi liên tục trong 2 năm qua là mốc thời gian được xác định hết sức khó khăn, có tác động trực tiếp lên hoạt động của ngành, nhưng có thể nói, so với các năm trước, các NH đã chủ động hơn nhiều trong chiến lược kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng khi các gói vốn hỗ trợ lãi suất, kích cầu phát huy tác dụng, đồng thời chứng khoán hồi phục trở lại và bất động sản bắt đầu “tan băng” là điều kiện để NH cải thiện tỷ lệ nợ xấu.

 

Song song đó, trong quý 1-2010, các tổ chức tín dụng cũng đã đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, tích cực đưa ra các chương trình khuyến mãi và nhiều sản phẩm huy động phong phú, linh hoạt nhằm chủ động được nguồn vốn cho vay. Chính vì thế, tình hình hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt, dẫn theo nhiều khoản nợ khó đòi của những năm trước đã được thu hồi, kéo nợ xấu giảm.

Theo đánh giá của một giám đốc NHTMCP, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống NH đã giảm còn khoảng 2,67% từ đầu năm đến nay, một phần nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản và kết quả kinh doanh khả quan từ phía doanh nghiệp. Mặt khác, một nguyên nhân có tác động tích cực đến giảm nợ xấu là nhờ gói hỗ trợ lãi suất kích cầu, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục kế hoạch kinh doanh để thu hồi vốn trả nợ vay NH. Đây là tỷ lệ chấp nhận được, không có gì phải lo lắng. Ngoài ra, rút kinh nghiệm của nhiều năm trước, bên cạnh tập trung tăng trưởng tín dụng, các NH đã chú ý đến chất lượng tín dụng, đồng thời đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro, đặc biệt là các rủi ro từ các khoản cho vay tiêu dùng, cho vay trung-dài hạn… nên đã hạn chế được tỷ lệ nợ xấu.

Hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc góp phần giảm nợ xấu.

Theo Ngân hàng Á Châu (ACB), trong định hướng hoạt động kinh doanh năm 2010, chất lượng quản lý rủi ro được đưa lên hàng đầu. Trong đó, dự kiến tăng trưởng tổng tài sản lên mức 210 nghìn tỷ đồng; tổng huy động đạt 170 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 96 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 được kiểm soát dưới mức 1%. Các NH như Việt Nam Thương Tín, Quốc tế, Kỹ thương, Quân đội, Công thương… cũng đặt ra mốc nợ xấu dưới 2% trên tổng dư nợ. Nhiều NH đã nhận thức được những khó khăn của thị trường xuất hiện và tăng dần, nên đã thành lập Ban xử lý nợ quá hạn, nhằm kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu gia tăng.

NHNN cũng đang tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động cho vay tại các NH, và sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát cho vay đối với hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến giống theo Quyết định số 2194/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giống đến năm 2020. Bên cạnh đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm đáp ứng nguồn vốn cho các thành phần kinh tế trên cơ sở phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững, hướng đầu tư tín dụng NH vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, nhất là sản xuất nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu. Chú trọng cho vay đối với hộ nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Thành Lân

Đọc thêm