Hoàng Văn Tiến (26 tuổi, ở xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) là phạm nhân đang thụ án tù chung thân tại Trại giam Quyết Tiến (Tổng Cục VIII, Bộ Công an). 4 năm trước, trong một cơn say xỉn, Tiến đã sát hại đứa em họ 8 tuổi của mình để rồi thanh niên đang là niềm tự hào của gia đình này thành kẻ tội đồ.
Phải đến khi ngày ngày bước đi loanh quanh trong bốn bức tường, nhìn thế giới bên ngoài qua song sắt trại giam thì Tiến mới bừng tỉnh, hối hận vì trong một phút hồ đồ, anh ta đã lún vào bùn đen lao lý. Trước đó, Tiến có một chặng đường tuổi trẻ không quản núi cao, vực sâu đèn sách tới trường nuôi ý chí thành đạt, làm giàu.
Rượu vào, trông người hóa... chó
Một ngày cuối đông giáp Tết Nhâm Thìn, ngồi đối diện với phóng viên, Hoàng Văn Tiến có khuôn mặt trắng bốp thê lương đầy vẻ ăn năn hối lỗi. Hắn cúi đầu nín lặng hồi tưởng: “Giờ nghĩ đến hành động năm xưa, em vẫn còn cảm thấy rợn người, nhiều đêm dằn vặt không tài nào chợp mắt”.
Phạm nhân Hoàng Văn Tiến. |
Mô tả tội ác dã man của mình, Tiến gói gọn: “Hôm đó, em chỉ mơ màng nhìn đứa em họ chẳng khác một con chó nên cứ thế vung dao chém cho hả giận. Đến khi gây án xong, em mới sực tỉnh rồi sợ quá mà bỏ chạy...”. Nói đến đây, giọng Tiến lạc đi, toàn thân run bần bật, cánh tay sởn da gà.
Hồ sơ vụ án thể hiện: Chiều một ngày giữa hè (ngày 8/6/2008), Tiến từ chợ Bắc Hà (Lào Cai) về nhà trong bộ dạng say mèm. Hắn lướt khướt sang nhà chú ruột mình là ông Hoàng A Pao thì thấy bố đẻ và vài người khách trong bản đang uống rượu.
Ngật ngưỡng bước từng bước vào nhà ông Pao, Tiến bất ngờ đá văng mâm rượu khiến ai nấy giật bắn người. Tất thảy đều biết Tiến là tên nát rượu nên chỉ nịnh để Tiến ra về trong yên ả. Nào ngờ, tên này thấy người khác dỗ ngọt mình thì lại “húng lên làm tới” khi vùng vằng dọa đòi giết hết.
Lúc này, trong tiệc rượu có hai thanh niên "nóng mắt" với hành động vô phép của Tiến nên đã vật ngã hắn xuống nền đất, khóa trái tay. Cố gượng nhưng Tiến không thoát sự kìm kẹp của hai người, đành xuống nước hứa sẽ không giết ai và về đi ngủ.
Thế nhưng, mắt trước mắt sau, vừa thoát khỏi sự kìm kẹp Tiến đã choàng dậy vớ con dao nhọn gần đó nhảy bổ đuổi theo định hạ sát hai trai bản. May thay, em trai Tiến đã kịp thời níu hắn lại và hô hoán mọi người cảnh giác nên Tiến không ra tay được với ai.
Bực dọc vì không dằn mặt được người nào, Tiến quay sang trút giận vào chiếc xe máy của một trong hai thanh niên vừa khống chế mình. Hai chàng trai trên lập tức tước dao, khống chế Tiến. Lần này, họ còn cẩn thận dùng dây trói chặt Tiến khiến hắn không thể nhúc nhích được. Sau đó, tất cả mọi người lại đi uống rượu, còn Tiến được em trai đưa về nhà trong bộ dạng hai tay vẫn bị trói quặt đằng sau.
Tiến thiếp đi, đến chiều mới bừng tỉnh khi hai tay vẫn còn bị trói nên rất uất hận. Sau khi cởi được trói, hắn giắt theo con dao đi tìm hai “đối thủ” để trả thù. Tuy nhiên, khi đến nhà ông Pao, Tiến chỉ thấy cháu Hoàng Văn Học (8 tuổi, con trai ông Pao) đang chơi cùng các bạn.
Thấy Tiến tay lăm lăm dao, mặt đằng đằng sát khí, cháu Học vội chạy vào trong bếp để nấp. Tuy vậy, Tiến vẫn đuổi theo, chém liên tiếp vào đầu, mặt làm cháu bé tử vong tại chỗ. Sau đó, Tiến vứt dao, bỏ trốn vào hang đá ngủ đến sáng hôm sau thì bị bắt.
Nỗi ân hận muộn màng...
Với hành động hết sức dã man như trên, ngày 9/12/2008, bị cáo Hoàng Văn Tiến bị TAND tỉnh Lào Cai tuyên phạt mức án cao nhất của pháp luật: Tử hình. Nhưng rồi sau đó, sự ăn năn hối lỗi kịp thời với thái độ cầu khẩn chân thành đã mở ra cơ hội cho Tiến được Chủ Tịch Nước ân giảm án tử hình. Kể về giây phút khi biết mình thoát án tử hình, chỉ phải thụ án tù chung thân, đôi mắt Tiến bỗng bừng lên rồi nước mắt cứ tự trào dâng từ khóe mắt.
Giọng Tiến rưng rưng: “Khi nghe Tòa tuyên án, em như chết lặng, trời đất bỗng dưng quay cuồng, hai chân không còn vững. Ngày nghe tin mình được ân giảm, em có cảm giác như được sống lại một lần nữa”.
Kể lại chuyện cũ, Tiến tỏ ra thực sự ăn năn vì hành động dã man của mình. Giọng trầm buồn, hắn thổ lộ: “Em có lỗi vì chưa làm được việc gì lại phụ sự kỳ vọng của bố mẹ. Em thương đứa em tội nghiệp của mình”.
Tuy nhiên, hành trình đến với tội ác của Tiến có lẽ học từ tấm gương không mấy mẫu mực của bố đẻ hắn - ông Hoàng A Sềnh. Theo lời Tiến, ông Sềnh cũng thường xuyên rượu chè bê bết, mỗi lần say là ông lại lôi mẹ con Tiến ra làm bia chửi mắng vô cớ.
Còn Tiến nổi tiếng vì mỗi lần say rượu gặp ai cũng gây sự vô cớ. Ngoài “gen rượu” di truyền của người cha thì Tiến còn đổ lỗi nghiện rượu cho việc từ nhỏ hắn đã đi học xa nhà nên thường xuyên bị bạn bè lôi kéo vào các cuộc nhậu.
Tuy là gã thanh niên nát rượu đổ đốn như vậy, thế nhưng lạ một nỗi là ở bản của Tiến thì hắn vẫn là... niềm tự hào của gia đình, bản làng bởi ở đây chẳng mấy nóc nhà có người được học cao như hắn. Điều kiện kinh tế gia đình thuộc dạng khó khăn, Tiến là con thứ hai trong bốn anh em. Tuy thế, bố mẹ Tiến lại rất quan tâm đầu tư cho Tiến học tập.
Tiến kể rằng, bố mẹ hắn thường răn dạy phải cố gắng học được nhiều chữ thì mới thoát nghèo, thoát khổ, không biết chữ như đời cha mẹ thì sẽ cùng cực lắm... Nhờ có những lời động viên và quan tâm kịp thời của bố mẹ mà Tiến như có thêm động lực quyết tâm lặn lội vượt đèo cao, núi sâu đèn sách đủ 3 cấp học.
Tiến kể lại, nhà cách trường cấp 3 hơn chục cây số, mỗi lần đi học mất vài tiếng đồng hồ thế nên phải ở trọ trong những căn lều dựng tạm gần trường. Thế nên, đời sống của Tiến và nhiều bạn học khác đa phần là con nhà nghèo khó đạm bạc.
Mỗi tháng cộng tất cả các khoản chi tiêu, Tiến xin bố mẹ 20.000 đồng để chi trả. Ngoài ra, hàng tuần khi túng bấn quá, Tiến lại cuốc bộ về nhà ẵm gạo lên lớp. Chỉ cần có cơm trắng, còn thức ăn chủ yếu là rau và củ rừng. Cả tháng may mới có một bữa tươi thì cũng là đầu thừa, đuôi thẹo vừa mua vừa xin ở chợ.
Cái khó ló cái khôn, để có tiền mua thức ăn, vào những dịp chợ phiên Tiến nhận dắt thuê ngựa cho lái buôn. Mỗi lần như vậy đi mất 2 - 3 ngày đường và nhận công cũng kha khá, khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Hết 12 năm đèn sách, Tiến đang chuẩn bị thi tiếp vào trường nông lâm thì cơ sự trên xảy ra, bỏ dở ước mơ thuê đất trồng cây cao sản và xây trang trại làm kinh tế.
Tiến tâm sự đã thực sự vững tâm cải tạo nhưng đến giờ vẫn chỉ trăn trở một nỗi ngày dự phiên tòa gặp chú ruột (ông Hoàng A Pao) để nói lời thành khẩn xin tha thứ nhưng không thể cất thành lời. Tiến có cơ hội được tiếp tục làm “kiếp con người” nhưng lại thấy trống trải, cô đơn và tủi thân vì đã nhiều lần biên thư về gia đình thăm hỏi nhưng không được hồi âm...
Lê Tiến Phong