“Nới cánh cửa” cho sản phẩm gỗ vào EU

(PLO) - Là nội dung được đưa ra tại Phiên họp nhóm chuyên gia kỹ thuật lần thứ 9 và Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 4 giữa Việt Nam và EU diễn ra tuần qua tại Hà Nội.
Đoàn đàm phán VPA/FLEGT của EU
Đoàn đàm phán VPA/FLEGT của EU
Hiệp định Đối tác Tự nguyện Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại  lâm sản (VPA /FLEGT) với Liên minh Châu Âu (EU) chưa được ký như kỳ vọng trước đó của các bên. Tuy nhiên,“ trong 3 ngày thảo luận kỹ thuật và 2 ngày đàm phán cấp cao, hai bên đã thảo luận và đạt nhiều tiến triển về các vấn đề chủ chốt, trong đó có danh mục hàng hóa đưa vào Hiệp định, phạm vi của định nghĩa gỗ hợp pháp và cấu trúc của hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS)” - ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam vui mừng thông báo.
Đàm phán phiên thứ nhất vào tháng 10/2010, theo bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học  công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, thành viên Đoàn đàm phán, hai bên đã cố gắng đưa ra các mốc của tiến trình đàm phán nhưng thực tế 4 năm qua, lộ trình này luôn bị phá vỡ, khi thì phía EU, khi thì phía Việt Nam muốn tham vấn thêm. 
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực về xuất khẩu đồ nội thất, chiếm khoảng gần 4% thị phần trên thế giới. Trong 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, EU được đánh giá là một thị trường lớn, chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, các thị trường còn lại bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. 
“EU hiện đã đặt ra những yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp và bền vững đối với mọi sản phẩm gỗ nhập vào EU tại FLEGT. Thực hiện FLEGT, các quốc gia như Việt Nam sẽ phải ký VPA/FLEGT với EU. Các doanh nghiệp sẽ chỉ có thể xuất khẩu gỗ sang EU nếu đảm bảo rằng gỗ nguyên liệu (tại chỗ hoặc nhập khẩu từ nước khác) đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và bền vững theo quy định và quy trình tại FLEGT- VPA…” - bà Vân cho biết. Bà Vân cũng lưu ý, đáp ứng yêu cầu FLEGT-PVA là yêu cầu sống còn đối với ngành đồ gỗ Việt Nam ở thị trường EU. 
Theo thông tin từ Đoàn đàm phán, hiện có 6 nước đã ký VPA với EU bao gồm Indonesia, Ghana, Cameroon, Liberia, CH Công Gô và CH Trung Phi; 9 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia đang tiến hành đàm phán với EU và 11 quốc gia khác ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đối với VPA. Bà Astrid Schomaker, Trưởng đoàn đàm phán của EU thừa nhận, trong số 6 nước đã ký PVA với EU, vẫn chưa nước nào có giấy phép FLEGT. 
“Các nước này đang tiến hành xây dựng các hệ thống cần thiết để kiểm tra, xác minh và cấp phép gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Chúng tôi hy vọng trong năm 2015 sẽ có giấy phép đầu tiên từ Indonesia…” - bà Astrid Schomaker cho biết. Bà Astrid Schomaker cũng lưu ý, mặc dù mỗi quốc gia có đàm phán riêng song Việt Nam có thể học kinh nghiệm từ các PVA đã kết thúc, đó là đừng để quá nhiều nội dung cho cấp thực thi.
Theo lộ trình, hai bên mong muốn kết thúc đàm phán Hiệp định vào năm 2015, song cũng không thể trước tháng 6/2015. Phó Tổng cục trưởng Cao Chí Công cho biết, tới đây, các bên phải tiếp tục làm rõ một số vấn đề, trong đó có 2 nội dung chính được xem là xương sống của PVA/FLEGT là định nghĩa gỗ hợp pháp và hệ thống VNTLAS. 
“Tất cả đều dựa trên cơ sở pháp luật của Việt Nam, nhưng phải viết sao cho người dân ở trình độ bình thường cũng hiểu được, từ ngữ phải dùng sao cho phù hợp với văn của Việt Nam và EU. Đó là việc vô cùng khó và cần phải có thời gian gọt dũa…” - ông Công cho biết.

Đọc thêm