"Nồi da nấu thịt" vì… đất

Khi đất đai càng ngày càng có giá thì cũng là lúc phát sinh nhiều hệ lụy. Những thảm cảnh anh em đâm chém nhau… chỉ vì vài ba mét đất. Tấn bi kịch đau lòng ấy xuất phát từ lòng tham, sự ích kỷ và sự tôn thờ vật chất của con người. 

Khi đất đai càng ngày càng có giá thì cũng là lúc phát sinh nhiều hệ lụy. Những thảm cảnh anh em đâm chém nhau… chỉ vì vài ba mét đất. Tấn bi kịch đau lòng ấy xuất phát từ lòng tham, sự ích kỷ và sự tôn thờ vật chất của con người. 

Nhẫn tâm dìm chết em vì… miếng đất

Trong nước mắt, Phạm Thanh Hà (con bị hại Nguyễn Thị Lan) trú tại phường Ngọc Thụy (Q. Long Biên – HN) kể lại: “Cha mẹ cháu ly thân từ lâu. Anh trai cháu cũng đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ có mẹ cháu sống cùng với ba đứa con gái, tất cả đều ít tuổi. Vì mẹ đau yếu lại đông miệng ăn nên cuộc sống càng khó khăn”. Thấy cảnh nhà túng bấn, đã nhiều lần chị Lan tính đường xin quyền thừa kế, nhưng người anh Nguyễn Đức Thuận nhất quyết không chịu chia quyền thừa kế đất cho em.

Cuối cùng, chị Nguyễn Thị Lan đành phải nhờ đến pháp luật giải quyết. TAND quận Long Biên đã phân xử cho chị Nguyễn Thị Lan được hưởng một phần mảnh đất theo đúng pháp luật về quyền thừa kế. Từ khi chị Lan thắng kiện, Thuận tỏ ra tức tối vì phải chia đất cho em.

Do gia cảnh nên Lan đành phải tính chuyện bán mảnh đất được thừa kế đi rồi mua một ngôi nhà khác nhỏ hơn để lấy số tiền dư ra trang trải cho cuộc sống. Nhưng Thuận không đồng ý cho Lan bán đất. Cứ mỗi khi có khách đến xem để mua đất thì Thuận lại chửi bới mấy mẹ con chị Lan thậm tệ. Thậm chí, có nhiều lần Thuận còn dọa, nếu bán đất thì Thuận sẽ chém đứt cổ cả mấy mẹ con chị Lan. Còn nếu xây nhà thì Thuận cũng chỉ cho một mình chị Lan được ở, còn các con chị muốn đi đâu thì đi chứ không được ở trên mảnh đất đó cùng với mẹ.

Mặc cho anh trai đe đọa, chị Lan vẫn giữ nguyên ý định sẽ bán mảnh đất. Nhưng khi mảnh đất còn chưa bán được, thì bi kịch đã xảy ra: Trong khi chị Lan và con gái cùng nhau ra bãi ngô ven sông Hồng thuộc tổ 36 (P. Ngọc Thụy – Q. Long Biên) để làm đồng thì Nguyễn Đức Thuận bỗng xuất hiện. Thuận chửi bới hai mẹ con chị Lan không tiếc lời. Uất ức, chị Lan cãi lại và hai bên xảy ra xô xát. Trong cơn điên cuồng, Thuận đã dồn đuổi em gái ra sát mép nước sông Hồng.

Do sức yếu, chị Lan không thể nào thoát khỏi sự truy đuổi của Thuận và tại mép sông khi đuổi kịp em, Thuận đã lấy hết sức đẩy đứa em gái ruột xuống sông. Trong cơn tuyệt vọng, Lan vừa vùng vẫy vừa kêu cứu. Nhưng thay vì cứu em thì Thuận đã dùng tay vít đầu và ấn thật lực vào hai bả vai để dìm chị Lan xuống sâu hơn.

Sau khi nhấn chìm em xuống dòng nước, Thuận bình thản về nhà thay quần áo như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chị Lan bị nước cuốn trôi. Mãi mấy ngày sau nhân dân quanh vùng mới vớt được xác chị. Khi bị bắt trên Thái Nguyên Thuận còn dắt một con dao nhọn. Thuận khai rằng mua dao để giết thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Hạnh, người đã xử cho chị Lan được hưởng một phần tài sản thừa kế.

Tại tòa, Thuận vẫn quanh co chối tội trắng trợn, mà không hề ân hận trước những gì đã làm với em gái ruột của mình. Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đã nhận định hành vi của Nguyễn Đức Thuận là mất hết nhân tính, gây nên sự căm phẫn trong dư luận, cần phải xét xử với mức án cao nhất là Tử hình.

Giết mẹ đẻ để chiếm đoạt nhà riêng

Cách đây không lâu, TAND TP. Hà Nội đã đưa Phạm Hữu Chiến ra xét xử và tuyên phạt bị cáo 20 năm tù về tội Giết người.

Tại chính căn nhà của mình, số 702 đường Hoàng Hoa Thám, Phạm Hữu Chiến đã xuống tay đập nhiều nhát búa, giết chết chính mẹ đẻ của mình là bà Nguyễn Thị Phòng (83 tuổi).

Bị cáo Chiến bị dẫn giải ra xe
Bị cáo Chiến bị dẫn giải ra xe

Do tranh giành quyền thừa kế ngôi nhà mà Phạm Hữu Chiến đã đẩy mẹ ruột của mình ra khỏi nhà. Sáng hôm ấy, người dân xung quanh nhìn thấy bà xách giỏ hương và hoa quả về nhà thắp hương cho chồng. Đến sáng hôm sau thì bà cụ bị đánh chết trong chính trong ngôi nhà ấy.

Tại cơ quan điều tra, Chiến khai nhận: Do bà Phòng nhiều lần khiếu kiện đòi lại ngôi nhà này nên buổi chiều hôm đó Chiến đã dùng búa đập vào đầu mẹ cho đến chết.

Sau đó, Chiến quá hoảng sợ nên bỏ trốn lên Thái Nguyên. Ân hận về những việc làm phi nhân tính của mình, Chiến đã tự tử nhưng không chết mà chỉ bị gãy tay. Chiến được đưa vào điều trị tại Bệnh viện huyện và tại đây Chiến bị Công an bắt giữ.

Cạn tình máu mủ vì cái tường rào

Chỉ vì cái ranh đất, xây tường rào mà hai chị em dẫn đến cảnh bất hòa, đấu đá, tranh giành nhau kéo dài nhiều năm trời. Kết cuộc là bà Lê Thị Năm (SN 1952, xã Vĩnh Xuân) phải ra hầu tòa với tội danh “Hủy hoại tài sản”.

Chuyện bắt đầu khi bà Năm làm giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) của cha mẹ để lại. Ông Lê Văn Nhiễu (anh thứ hai) bảo: Đất của cha mẹ cho thì từ từ tách làm bằng khoán riêng tư và không ngờ đứa em thứ năm (bị cáo Năm) qua mặt, lén lút đi làm “giấy đỏ” luôn cả phần đất của ba anh chị em. Còn bà Năm cho rằng, phần đất trên mẹ bà (bà Huỳnh Thị Sành) đã cho trước từ lâu. Năm 2005, anh Nhiễu từ Campuchia trở về quê sinh sống không có nơi nương tựa, nên mẹ cho cái nền để cất nhà ở tạm…

Giải quyết nội bộ không xong, anh em buộc phải đưa nhau ra TAND huyện Trà Ôn nhờ pháp luật phân xét. Ở cấp Sơ thẩm dân sự, TAND huyện Trà Ôn quyết định, bà Năm phải chiết thửa giao lại cho các anh em ruột. Cụ thể: Ông Nhiễu được hưởng 833,8m2, bà Lê Thị Lan 1.612,8m2, anh Lê Văn Kháng 1.012,7m2, nhưng 3 người phải hoàn trả thành quả lao động cho bà Năm. Bà Năm không đồng ý bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện nên kháng cáo. Bản án Phúc thẩm TAND tỉnh Vĩnh Long bác đơn của bà Năm, công nhận ông Nhiễu, Kháng và bà Lan được sử dụng phần diện tích đất như tòa Sơ thẩm đã tuyên.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực, bà Năm có đơn xin hoãn thi hành án từ 3 đến 6 tháng, để có thời gian di dời chuồng trại… Tuy nhiên, khi hết thời hạn bà Năm vẫn không thực hiện.

Đến ngày 11/10/2009, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Ôn tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với bà Năm và giao đất cho ông Nhiễu. Sau đó, ông Nhiễu trồng 4 trụ đá, căng dây kẽm và xây bức tường phân ranh thì đêm 11/11/2009, bà Năm lén đập phá bức tường, cắt dây kẽm gai. Hội đồng thẩm định giá huyện Trà Ôn kết luận, thiệt hại tài sản của ông Nhiễu do bà Năm gây ra là 3.3920.000đ. Hành vi của bà Năm bất chấp pháp luật, ngang nhiên xâm phạm tài sản của người khác nên Công an huyện Trà Ôn khởi tố bà Năm tội “Hủy hoại tài sản”.

Ngày 11/10/2011, TAND huyện Trà Ôn, Vĩnh Long đã mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án. Tại phiên tòa, bị cáo, bị hại vẫn “không tìm được tiếng nói chung”. Bị cáo Năm cho rằng hành vi của mình là phạm tội, nhưng vì bị ức hiếp nên không kiềm được cơn tức giận. Đó là khi ông Nhiễu xây bức tường trên phần đất tranh chấp làm đàn heo nuôi trong chuồng của bà hoảng sợ, nhảy ra ngoài gãy chân một con. Trong khi đó, ông Nhiễu cho rằng phần đất xây tường rào là đất của mình, được Nhà nước công nhận hẳn hoi nên có quyền sử dụng.

Bị cáo Lê Thị Năm
Bị cáo Lê Thị Năm

Qua vụ việc, ông Nhiễu cũng dứt nghĩa anh em, yêu cầu HĐXX xử lý nghiêm đứa em mình. Qua xem xét các tình tiết phạm tội, TAND huyện Trà Ôn phạt bị cáo Năm 6 tháng tù giam.

Lòng tham vô luân cần trừng trị nghiêm

Những tấn bi kịch vì tranh giành đất đai đã làm cho nhiều gia đình tan nát. Căn nguyên sâu xa của những tấn bi kịch tranh giành đất đai trên là do  lòng ích kỷ, sự hẹp hòi, tôn thờ những giá trị vật chất, muốn có cuộc sống dư dả hưởng thụ của một số cá nhân. Cũng vì lòng tham mà những giá trị xã hội về tình cảm gia đình, tình ruột thịt, máu mủ, tình nghĩa ở đời bị đảo lộn.

Cũng từ tranh chấp đất đai, mà mẹ - con, anh em… lao vào vòng xoáy tranh chấp, mâu thuẫn, kiện tụng… rồi cả những án mạng đau lòng.

Dù các tổ chức xã hội đã thực hiện những cuộc vận động sâu rộng trong lòng xã hội để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhưng điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta cần dành thời gian để nhìn lại chính mình. Nếu chúng ta biết nhường nhịn, biết cân bằng mối quan hệ tiền bạc và đời sống tinh thần, đề cao những giá trị đạo đức, trân trọng nghĩa tình thì những bi kịch đau lòng sẽ không bao giờ xảy ra.

Dương Tử

Đọc thêm