Nỗi đau xé lòng sau cơn mụ mị

Là anh em ruột, yêu thương nhau còn không hết vậy mà chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ anh đã dùng dao để dạy em. Oan nghiệt thay, những nhát dao trong cơn mụ mị đã khiến em trai thiệt mạng còn người anh phải vào tù. Bản án chung thân là đúng người, đúng tội nhưng sao khiến người ngoài cuộc cảm thấy xót xa, cay đắng.

Là anh em ruột, yêu thương nhau còn không hết vậy mà chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ anh đã dùng dao để dạy em. Oan nghiệt thay, những nhát dao trong cơn mụ mị đã khiến em trai thiệt mạng còn người anh phải vào tù. Bản án chung thân là đúng người, đúng tội nhưng sao khiến người ngoài cuộc cảm thấy xót xa, cay đắng.

Mới đây, TAND TP.HCM đã đưa vụ án “Giết người” do bị cáo Lê Công Xuyến (SN 1977, quê Bắc Ninh, tạm trú Bình Chánh, TP.HCM) gây ra. Đứng trước vành móng ngựa, người đàn ông chỉ mới 36 tuổi mà trông khắc khổ, già dặn như đã ngoài ngũ tuần. Không như hành vi hung tợn khi gây án, trước HĐXX, bị cáo lí nhí trả lời phần thẩm tra lý lịch.

Bi kịch người “gia trưởng”

Theo Xuyến, anh là con trai trưởng trong một gia đình thuần nông ở vùng đất Bắc Ninh. Vì là con trưởng , Xuyến chịu nhiều thiệt thời, cực khổ từ nhỏ khi mẹ liên tiếp sinh cho anh ba đứa em cả trai lẫn gái. Với quan niệm học cho biết con chữ rồi cũng đi cày, Xuyến được học hết lớp 5. Mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ Xuyến đều làm nhưng chỉ mỗi tội “ham chơi”.

Thuở bé, không biết bao lần cha mẹ phải cho Xuyến ăn đòn vì cái tật mê chơi bỏ em. Rồi thời gian thấm thoát trôi qua, 18 tuổi, Xuyến nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ của một người thanh niên đối với đất nước. Hai năm sau, Xuyến trở về nhà rồi lấy vợ sinh con.

Vợ Xuyến chạy theo dặn dò chồng

Cha mẹ già đã có anh chị để trông cậy, các em của Xuyến lần lượt vào miền Nam lập nghiệp. Với bản tính cần cù, chịu khó, em gái kế của Xuyến cùng chồng mua được mảnh đất ở Bình Chánh, TP.HCM.

Sau khi cất nhà, vợ chồng chị đưa hai em vào ở chung với mình. Những lúc việc nông nhàn rỗi, mọi người bàn nhau rủ anh Xuyến vào TP.HCM làm thời vụ, vừa thăm em vừa kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy. Nghĩ cũng hợp lý nên năm nào Xuyến cũng làm một chuyến vào Nam “đổi gió”. Tiền tích cóp được thì ít nhưng gặp gỡ các em khiến tinh thần Xuyến luôn vui vẻ.

Tuy nhiên, đợt vào Nam năm 2012 lần này lại không còn được vui vẻ như trước. Số là, vì ham chơi nên Xuyến tham gia đánh bài ăn tiền. Đầu tiên Xuyến chỉ nghĩ chơi cho vui nhưng không ngờ sạch túi. Càng thua, càng muốn gỡ gạc, Xuyến vay mượn đánh tiếp. Khi không có khả năng chi trả anh liền gom đồ đạc “trốn”.

Giận người anh trai gần 40 tuổi đầu có lớn mà chẳng có khôn, cậu em út tên Lê Công Lợi (SN 1989) tỏ vẻ bực dọc. Trong 6 tháng trời cùng sống với nhau, Lợi nhiều lần khuyên can anh trai nên tu chí làm ăn, đừng bài bạc nữa mà khổ vợ con. Cho rằng thằng em nhỏ tuổi mà dám lên mặt dạy đời, Xuyến bảo “chuyện của tao, mặc kệ tao”, nên hai anh em suýt nữa đánh nhau.

Tuy nhiên, sau lần đó, Xuyến dọn đến nhà người anh họ gần đó ở. Mặc cho các cô em gái hết lời năn nỉ, khuyên can, Xuyến vẫn không thèm nhìn mặt Lợi.   

Những tưởng chuyện đã qua, nào ngờ đến ngày 4/7/2012, Xuyến đi làm về ngang qua nhà thì thấy xe gắn máy của Lợi đang đậu trước cửa. Nhớ lại chuyện trước đây, Xuyến đi về nhà người anh họ lấy một con dao cất vào túi quần. Xuyến đi bộ về nhà định bụng “dạy” cho Lợi bài học vì cái tội dám làm anh cả bẽ mặt trước mọi người.

Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, Xuyến đi vào nhà hỏi em rể: “ Lợi đang ở đâu?”. Được biết Lợi đang tắm trên gác, Xuyến đi thẳng lên cầu thang, rút dao trong túi quần ra cầm sẵn trên tay. Thấy Xuyến cầm dao, chị Lê Thị Hà (em ruột của Xuvến) vội kêu lớn: “Lợi ơi, anh Xuyến lên kìa”.

Khi lên đến trước cửa, Xuyến dùng chân đạp cửa phòng tắm nhưng bị Lợi chặn cửa không cho vào. Tức tối, Xuyến tiếp tục đạp bật cửa rồi lao đến đâm liên tiếp nhiều nhát vào người Lợi.

Quá bất ngờ trước việc làm của anh trai, cậu thanh niên cao to như Lợi không hề có hành động phản kháng. Chỉ đến khi nhìn thấy máu trong người Lợi phun ra nhiều và nghe tiếng người nhà la hét thì Xuyến mới bừng tỉnh dừng tay.

Nhìn cảnh tượng kinh hoàng mà mình vừa gây ra, Xuyến hoảng sợ cầm dao bỏ chạy. Sau khi ném dao, Xuyến thất thần lang thang trên đường đến ngày hôm sau mới đến công an đầu thú. Lợi, tuy được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng vì vết thương thấu ngực phải gây thủng tim, phổi, cậu em trai đã tử vong trên đường.

Nhói tim người thân

Chưa có phiên tòa nào mà người dự khán chấp nhận cái nắng tháng 4 gay gắt để nghe tường tận suy nghĩ của người anh trai tội lỗi. Vẻ mặt đau khổ, Xuyến cho rằng mình không có ý muốn giết em trai. Người đàn ông cũng chẳng hiểu tại sao mình lại cầm dao chỉ để “dạy” em như thế. Rồi khi Lợi chặn cửa không cho Xuyến vào, anh như điên lên. Đến khi đạp đổ cửa phòng tắm là lúc lý trí dường như không còn ở trong Xuyến. Lúc này Xuyến chỉ biết đâm, đâm và đâm vào người Lợi trong mụ mị.

Đến khi bừng tỉnh, Xuyến còn cảm thấy ghê sợ trước những gì mình vừa gây ra. Nhìn em trai máu tuôn xối xả, Xuyến chỉ biết run sợ đứng nhìn mà không làm gì được. Rồi theo bản năng thúc giục, anh chạy như trốn sự thật quá oan nghiệt, đớn đau.

 “Bị cáo chẳng hiểu tại sao mình lại hành động như thế. Khi đã chạy thoát ra đường, bị cáo cứ lang thang không biết đi đâu, về đâu. Vẫn hy vọng em trai sẽ thoát chết, khoảng 15 phút sau bị cáo đã gọi điện thoại về hỏi thăm thì được biết Lợi đã chết. Bị cáo đau khổ lắm, hối hận lắm, suốt đêm bị cáo chỉ suy nghĩ về em mình. Biết có trốn tránh cũng chỉ làm cha mẹ già và vợ con khổ sở nên bị cáo đến công an đầu thú” - vừa nói, Xuyến vừa khóc, nước mắt không dàn dụa chảy mà cứ thế rỉ ra theo từng câu chữ đầy hối hận của kẻ tội đồ.

Được em gái, cũng là đại diện hợp pháp của bị hại làm đơn bãi nại, Xuyến cũng đã ăn năn, hối cải, đến công an đầu thú. Được nói lời nói sau cùng, Xuyến rấm rứt trong tiếng nấc: “Con xin lỗi bố mẹ, xin lỗi những người thân trong gia đình. Bị cáo đã biết tội của mình. Những ngày tháng trong trại bị cáo không thể ăn ngủ khi nghĩ về em trai. Nhưng xin tòa xem xét cho bị cáo có một mức án khoan hồng để sớm trở về chăm sóc cha mẹ già và vợ con”. Nghe những lời nói van vỉ của Xuyến, những người thân có mặt trong phiên tòa đề không cầm được nước mắt.

Nghe tuyên án xong, không nói một lời, vợ của Xuyến rời khỏi phòng mà mắt không rời chồng một giây. Không khóc nhưng đôi mắt chị cứ đỏ hoe, đau đáu nhìn vóc dáng thân quen của người đàn ông chung chăn gối. Lân la hỏi chuyện mãi, chị mới buồn bã tâm sự.

Bao nhiêu năm chung sống chị biết tính tình của chồng hiền lành, thương vợ con nhưng ai hỗn hào anh ấy nhất quyết phải nói cho rõ. Và cũng có lẽ vì thế mà anh không chấp nhận tha thứ cho cậu út khi chưa chính thức xin lỗi anh trước mặt mọi người.

Không chỉ có vợ hay người cô nói về Xuyến mà rất đông anh chị em họ của bị cáo cũng dành tình cảm đặc biệt cho người anh tội lỗi. Sau khi nghị án, xét tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ án. Dù trước kia anh em Xuyến và Lợi có gây gổ, xích mích nhưng tại thời điểm bị cáo gây án thì bị hại không hề có hành động nào xúc phạm bị cáo. Vậy mà bị cáo cầm dao đâm nhiều nhát vào người em trai, chứng tỏ bị cáo rất  hung hãn. Từ đó, HĐXX tuyên Xuyến mức án tù chung thân. Xuyến buồn bã rời phòng xử mà không một lần ngước mặt nhìn người thân.

Quốc Bảo

Đọc thêm