Nội địa hóa (NĐH) trong các sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới là một trong những mục tiêu mà Nhà nước đã và đang hướng tới. Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chính là mắt xích quan trọng của NĐH, cần phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đến nay, ngành công nghiệp này vẫn rất “khiêm tốn” so với kỳ vọng.
|
Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về xuất khẩu hàng may mặc, nhưng 80% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu Ảnh: Hoàng Phước |
Quyết tâm cao, thực hiện thấp !
Theo Bộ Công Thương, hầu hết các ngành công nghiệp đã có chiến lược phát triển, trong đó có mục tiêu nâng cao tỷ lệ NĐH nhưng các ngành này dường như vẫn “giậm chân” tại chỗ. Được coi là nền tảng của các ngành sản xuất công nghiệp, nhưng trong nhiều năm qua, ngành cơ khí vẫn trong tình trạng đầu tư quy mô nhỏ, trình độ phát triển thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp, tỷ lệ sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hạn chế, khả năng cạnh tranh yếu.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ cho rằng, nguyên nhân chính là do việc quán triệt, thực hiện Kết luận 25 của Bộ Chính trị và Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ về vai trò định hướng phát triển công nghiệp cơ khí, về hỗ trợ cho sản xuất cơ khí trong nước... còn khác nhau; cơ chế, chính sách còn vướng mắc, các bộ, ngành, hiệp hội chưa phối hợp chặt chẽ, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN; đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ còn hạn chế, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đúng tầm. Ngoài ra, việc đầu tư cho CNHT, sản xuất các phôi đúc rèn chưa có chính sách cụ thể, không có đầu ra.
Đối với lĩnh vực cơ khí phục vụ cho ngành điện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) Nguyễn Chỉ Sáng cho biết, trong mấy chục nhà máy thủy điện, ta chỉ thực hiện được phần xây dựng và cơ khí thủy công nên tỷ lệ NĐH trong lĩnh vực này ở mức rất thấp (khoảng 20%), còn đối với nhiệt điện còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó, chiến lược phát triển cơ khí đến năm 2010, Việt Nam phải NĐH được 40 - 50% sản phẩm, trong đó thiết bị đồng bộ phục vụ ngành điện khoảng 40%. Trong mấy chục nhà máy xi măng xây dựng ở Việt Nam vừa qua, chỉ có mỗi Xi măng Sông Thao do DN Việt Nam làm tổng thầu, mới đạt hơn 30% tỷ lệ NĐH. Do đó, kế hoạch nâng tỷ lệ NĐH như hiện nay là bất khả thi.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2010, tỷ lệ NĐH xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) sẽ đạt được 60%; xe tải, xe khách cao cấp đạt từ 35% đến 40%. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ NĐH sản phẩm đối với DN FDI chỉ từ 5% đến 7%. Nói chung, công nghiệp sản xuất ô tô vẫn chỉ loanh quanh ở khâu lắp ráp với một vài công đoạn mà nhà đầu tư nào cũng có là hàn, sơn, lắp ráp và tung sản phẩm ra thị trường chứ hầu như chưa chú trọng vào việc sản xuất linh kiện, phụ tùng, nhất là những linh kiện, phụ tùng quan trọng.
Mặc dù Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu hàng may mặc trên thế giới, nhưng nếu xét trong chuỗi sản xuất liên hoàn từ bông, xơ, kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất vải và may mặc thì các DN dệt may Việt Nam mới chỉ thực hiện tốt công đoạn cuối cùng là may mặc. Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành dệt may là thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên có tới 80% nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.
Tương tự, nhìn sang ngành có hàm lượng công nghệ cao là điện tử, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, song cũng chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nước ngoài là chính. DN nội địa với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực hạn hẹp, vẫn “an phận” với công việc quen thuộc của mình là gia công lắp ráp.
Để nội địa hóa, cần có “phương thuốc hay”
Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Ngô Văn Trụ khẳng định, muốn tăng được tỷ lệ NĐH thì trước hết phải đẩy mạnh ngành CNHT, làm được điều này thì mới có “cơ hội” để NĐH. Ngoài những chủ trương, chính sách của Nhà nước về tăng cường tỷ trọng NĐH trong các sản phẩm trọng yếu thì các DN phải nỗ lực và tự thân vận động là chính. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, không thể không cần sự hỗ trợ, ủng hộ của các cấp, các ngành.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch VAMI cho rằng, trong giai đoạn trước mắt đối với ngành cơ khí, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn, hỗ trợ DN vốn đầu tư, mua các loại thiết kế, bí quyết công nghệ và ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí Việt Nam đạt chất lượng và yêu cầu. Đồng thời, có quy định, chế tài để bóc tách những phần thiết bị công nghệ buộc phải nhập khẩu và phần trong nước có thể chế tạo được để giao cho các DN sản xuất. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở luyện thép chế tạo máy, giúp ngành cơ khí chủ động vật tư đầu vào. Đặc biệt, có chính sách giảm thuế nhập khẩu các loại vật tư, nguyên, vật liệu phục vụ ngành cơ khí chế tạo trong nước chưa sản xuất được và giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm cơ khí trong nước đi đôi với hạn chế nhập khẩu thiết bị, công nghệ lỗi thời.
Theo nhìn nhận của ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia, với ngành công nghiệp gia công như hiện nay, sẽ có nguy cơ các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất sản phẩm cuối cùng có thể rút khỏi thị trường Việt Nam vì không tìm được nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng tại chỗ, nhất là khi sức ép về chi phí tiền lương tăng lên. Do đó yêu cầu cần phải nhanh chóng phát triển CNHT. |
Theo ông Trương Đình Tuyển, ngành công nghiệp Việt Nam cơ bản đang là ngành công nghiệp gia công (dệt may, da giày) và lắp ráp (ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử); chủ yếu đang làm công đoạn lắp ráp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là CNHT chưa phát triển.
Để phát triển CNHT, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, Việt Nam cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực (yếu tố quyết định); thuê chuyên gia kỹ thuật nước ngoài trong một số năm đầu; mua bằng sáng chế, bí quyết công nghệ để sản xuất sản phẩm CNHT (có những quy định về chuyển giao lại); lập quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên phát triển CNHT có phần vốn của Nhà nước theo phương thức hợp tác công tư (PPP). Ngoài ra, Chính phủ cũng nên đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc... về chương trình hành động chung phát triển CNHT nhằm nâng cao tỷ lệ NĐH của Việt Nam .
Văn Chung