Nỗi e ngại 'đất công'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có rất rất nhiều vụ án xảy ra ở nhiều tỉnh thành liên quan đến quản lý sử dụng đất công sai quy định, nhiều cán bộ công chức, thậm chí lãnh đạo cấp tỉnh thành đã phải nhận bản án.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nói về vấn đề này trong một hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, một cán bộ Sở TN&MT đánh giá: "Đất công là vấn đề vô cùng phức tạp, nhạy cảm. Một bộ phận cán bộ, công chức chùn tay, không dám làm cũng vì cái này".

Theo vị này, đất công, hay đất do Nhà nước quản lý, được điều chỉnh trong nhiều luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và một loạt văn bản khác. Thế nhưng, một số văn bản có sự không tương thích, thậm chí trái ngược nhau. Hệ quả là nhiều cán bộ "rất ngại" khi xử lý vấn đề liên quan loại đất này.

Đơn cử, khi cổ phần hoá DN Nhà nước mà trong đó có đất công thì không được đưa vào giá trị cổ phần hoá. Tức là DN tiếp tục thuê đất, trả tiền hàng năm. Đến khi DN xin trả tiền thuê đất một lần, được phép theo quy định của luật. Khi đó, Nhà nước thu được một khoản lớn vào ngân sách, còn Cty thì có toàn quyền với đất, nghĩa là có quyền bán đất đó.

Hoặc trường hợp đất được quy hoạch nhà xưởng, nhưng gây ô nhiễm môi trường nên DN được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở và lập dự án. Tuy nhiên, thời gian qua quan điểm của các cơ quan thanh, kiểm tra, xét xử về cách làm này chưa thống nhất. "Có cơ quan nói là phù hợp Luật Đất đai, nhưng đơn vị khác nói như vậy là không đúng quy định xử lý tài sản công và hỏi sao không đấu giá", vị cán bộ này băn khoăn.

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, vị cán bộ này cho rằng các quy định về thu hồi đất trong dự thảo luật còn thiếu nhiều trường hợp, đặc biệt liên quan tới tài sản công. Như phương án xử lý, sắp xếp tài sản công theo quyết định của Ban Chỉ đạo 167 có phải là căn cứ để thu hồi đất hay không? Hay trường hợp thanh, kiểm tra kết luận quá trình mua bán chuyển nhượng đất trái quy định, yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai phải thu hồi. Tuy nhiên, luật không có quy định nào về thu hồi đất theo KLTT, gây khó cho cơ quan thực hiện.

Quy định thẩm định giá với dự án có phần đất công cũng có quan điểm khác nhau. Ví dụ, Nhà nước ban hành quyết định giao đất vào 2015, nhưng vì nhiều lý do nhưng đến 2020 mới có thể thẩm định giá. Người thì nói đất công phải tính giá từ lúc có quyết định giao đất, người lại nói phải tính từ thời điểm thẩm định giá nếu không sẽ bị xem là gây thất thoát tài sản công. Do đó, không ai dám làm.

Từ thực tế đó, ý kiến này cho rằng Luật Đất đai lần này nên thiết kế một chương riêng để quy định rõ các vấn đề liên quan đến đất công.

Trong Luật Đất đai hiện hành cũng như dự thảo đang lấy ý kiến, các quy định về đất do Nhà nước sở hữu (đất công) còn nằm rải rác ở các quy định mà chưa có chương riêng dành cho loại đất này. Ý kiến của những cán bộ trực tiếp làm việc, cọ xát với vấn đề này hàng ngày, rất đáng để cơ quan chức năng lưu tâm xem xét; mục đích để quản lý sử dụng đất công hiệu quả; cũng là để tránh những sự việc đáng tiếc liên quan đến đất công.

Đọc thêm