Khi gấp cuốn sách lại, người ta có thể bật cười ngô nghê, hoặc vả cũng có thể là bật khóc...
Mỗi người sẽ có một quan niệm riêng về cái thứ xa xỉ được gọi là hạnh phúc, nhưng để tìm thấy và cảm nhận nó trong những nỗi đau đến tột cùng thì chẳng phải là điều ai cũng có cơ hội trải nghiệm một lần trong đời. Tôi nhận ra nó trong Ba ơi, mình đi đâu? - một cuốn sách chỉ vỏn vẹn chưa đầy 200 trang, ngắn gọn và mạch lạc, nhưng chất chứa nhiều yêu thương hơn cả trăm tiểu thuyết lãng mạn khác cộng lại. Khi cánh cửa của sự lười nhác đọc một cuốn sách viết về những đứa trẻ tật nguyền qua góc nhìn của một người cha đóng lại sau lưng, người đọc sẽ chạm vào một thế giới của tràn ngập những cung bậc cảm xúc: đa phần trong số đó là oán giận và buồn tủi, nhưng phần được nâng niu nhất lại là lương tri và hạnh phúc.
Cứ tưởng tượng, nếu bạn có ba đứa con, bạn sẽ coi chúng là sẽ những thiên thần bé bỏng. Nhưng nếu một trong số đó là những đứa trẻ thiểu năng, chậm phát triển, liệu bạn có coi cuộc sống của mình là ngày tận thế? Jean-Louis Fournier có tới hai ngày tận thế! Nhưng không vì vậy mà những ông bố, bà mẹ ngừng yêu thương đứa con của họ. Cuộc sống qua lăng kính của Jean Louis Fournier chỉ đơn giản là sẽ có thêm một màu sắc nữa và đó là lí do ông viết Ba ơi, mình đi đâu? - như một món quà cho những đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ đủ thông minh để đọc hết cuốn sách. Nhưng bởi chúng tật nguyền thì không có nghĩa là chúng không được ghi nhận là đã từng tồn tại trên thế gian này.
“Không nên nghĩ rằng cái chết của một đứa trẻ tật nguyền thì ít buồn hơn. Nó cũng buồn như cái chết của một đứa trẻ bình thường vậy.”
- trích Ba ơi, mình đi đâu?
Đọc cuốn sách, độc giả sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự hóm hỉnh trong cả lối viết lẫn cách tư duy của tác giả - vốn là cây bút trào lộng hàng đầu của văn học Pháp đương đại. Jean Louis Fournier cho ta lần lượt nhìn và “ngắm” đủ chuyện bi hài trong thế giới của những cậu bé thiểu năng - con ông: Mathieu và Thomas. Nhưng dù có tủi hờn, oán giận số phận hay xã hội đến mức nào, người ta tuyệt nhiên vẫn không thấy ông than thở về những đứa con: chỉ đọng lại nơi đó là yêu thương, là chở che, lo lắng và khát vọng phi lý chúng sẽ khỏe mạnh hơn. Nhật kí của những ông bố, bà mẹ có con bị thiểu năng chắc chắn cũng chỉ tươi đẹp được đến như Ba ơi, mình đi đâu?. Jean Louis Fournier đã thắp lên niềm hy vọng sống cho không chỉ những đứa trẻ đáng thương, mà cả cha mẹ chúng.
Có lẽ, bản thân cái sự "bình thường" cũng đã là cả một điều kì diệu rồi. Đọc Ba ơi, mình đi đâu?, người ta sẽ còn thấm thía hơn, bởi tất cả những ông bố bà mẹ trên thế giới này có lẽ cũng chỉ mong con mình đẻ ra có vừa đúng 5 ngón tay trên một bàn tay và chừng đó trên một bàn chân, một đôi mắt mở to và một cái miệng... Cứ thế thôi, mỗi người cũng đã trở thành "đặc biệt" rồi! Nhưng nếu cuộc sống không ban cho tất cả sự bình đẳng ấy, thì cách Jean Louis Fournier góp nhặt từng hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống mỗi ngày với Mathieu và Thomas cũng thật đáng trân trọng. Tôi đã ứa nước mắt khi đọc lá thư ông tự gửi cho mình, được viết bằng suy nghĩ của hai đứa trẻ; tôi đã mỉm cười khi biết rằng dù Mathieu đã ra đi, nhưng cậu bé vẫn được cha mẹ mình nhắc đến mỗi ngày...
"Một cuốn sách hướng con người đến cái Thiện"
- Christine Jordis, Trưởng ban giám khảo giải Fémina
Có thể một cuốn sách về thế giới hàng ngày của những đứa trẻ tật nguyền, thiểu năng và dị biệt không quá hấp dẫn trong vô số lựa chọn về sách mỗi ngày. Có thể Jean Louis Fournier chưa phải là cái tên bạn ngưỡng mộ hoặc có sức ảnh hưởng. Nhưng Ba ơi, mình đi đâu? là một cuốn sách cần-phải-đọc với những độc giả có hứng thú khám phá một góc cạnh khác của hạnh phúc.