Nơi kết tinh tình người

Tình cờ nghe bài hát “Đà Nẵng tôi yêu” (*) trong album “Lung linh sông Hàn” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, có câu rằng “công sức tình người dựng xây thành phố trẻ”, tôi chợt hiểu hơn về một thành phố mà mình đang sống. Một Đà Nẵng tràn đầy sức sống và ấm áp tình người. Một thành phố mà nơi đó, mọi người từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường cùng chung sức đồng lòng để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Tình cờ nghe bài hát “Đà Nẵng tôi yêu” (*) trong album “Lung linh sông Hàn” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, có câu rằng “công sức tình người dựng xây thành phố trẻ”, tôi chợt hiểu hơn về một thành phố mà mình đang sống. Một Đà Nẵng tràn đầy sức sống và ấm áp tình người. Một thành phố mà nơi đó, mọi người từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường cùng chung sức đồng lòng để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Nhìn lại chặng đường hơn 13 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mới thấy được công sức và tấm lòng của người Đà Nẵng. Có được những thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh việc ban hành những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, thành phố đã rất chú trọng các chính sách về an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn. Những chính sách đó, không chỉ gây được sự quan tâm, chú ý của cả nước mà điều quan trọng và có ý nghĩa nhất là được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện.
 Có thể kể ra đây rất nhiều minh chứng ngay cả trong những việc tưởng chừng như rất nhỏ. Những việc làm mới nghe có vẻ khó thành hiện thực. Nhưng Đà Nẵng đã làm với một quyết tâm tới nơi tới chốn.

Đó là việc xây dựng “Quỹ hoàn lương”, tạo nguồn quỹ để hỗ trợ cho vay đối với những người ra tù trở về làm lại cuộc đời. Từ năm 2003 đến nay, thành phố đã giải ngân hơn 4 tỷ đồng cho các đối tượng trên được vay vốn. Không ít những con người từng một thời lầm đường, lạc lối, nay đã tìm về với nẻo thiện. Đó là việc ban hành Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố”. Việc thực hiện Chỉ thị này bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, hạn chế học sinh bỏ học; góp phần quan trọng làm lành mạnh hóa môi trường xã hội, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố. Chỉ thị số 25-CT/TU về “Hỗ trợ, giúp đỡ, ngăn chặn các hành vi bạo hành trong gia đình; phòng chống bạo lực gia đình”, lại khẳng định quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố trong việc ngăn chặn tình trạng bạo hành trong gia đình, bảo vệ sức khỏe và nhân phẩm cho phụ nữ…

Cụ thể hơn là việc đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã gặp gỡ, đối thoại với những người đàn ông đánh vợ có hệ thống. Là chuyện Hội Liên hiệp Phụ nữ gặp gỡ nói chuyện với những người vợ của những ông chồng vũ phu... Và sắp tới đây là buổi đối thoại giữa Bí thư Thành ủy với các trẻ em chậm tiến, sau khi các em được cho đi tham quan ở khu du lịch Bà Nà và “thăm” Trường Giáo dưỡng Tân Hòa, Trại giam Hòa Sơn. Và cũng ít có nơi nào mỗi khi Tết đến, những người lao động bình dân nhất như bác xích lô, những anh xe thồ, những hộ đặc biệt nghèo, những hộ bị giải tỏa, v.v… được thành phố hỗ trợ tiền ăn Tết. Dù chỉ là vài trăm nghìn đồng, nhưng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố đối với mọi tầng lớp, đặc biệt là những đối tượng có đời sống kinh tế khó khăn nhất.

Đó còn là sự quan tâm, sâu sát người dân của lãnh đạo thành phố, nhất là các đối tượng thuộc diện chính sách, các đối tượng trong diện phải di dời, giải tỏa đền bù, hộ đặc biệt nghèo. An dân là điều lãnh đạo thành phố luôn xem trọng. “Dân không an cư thì lãnh đạo thành phố có giỏi bằng trời cũng bó tay thôi”. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã có lần nói vậy.

Đà Nẵng cũng là nơi có những mô hình bệnh viện của tình người. Bệnh viện Phụ nữ là nơi mà chị em nghèo, bất hạnh trên địa bàn  thành phố có thể tiếp cận được với những dịch vụ y tế hiện đại nhất và được hưởng chế độ miễn giảm viện phí một phần hoặc toàn bộ. Bệnh viện Ung thư sau khi hình thành, sẽ là nơi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, tạo cơ hội sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn trước căn bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh cái TÌNH của người Đà Nẵng với nhau, sự ấn tượng của Đà Nẵng còn thể hiện trong cái TÌNH của người Đà Nẵng đối với bạn bè trong và ngoài nước. Đó là sự thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng hợp tác của người Đà Nẵng với những du khách gần xa. Một người bạn của tôi, từ Yên Bái lần đầu tiên đến Đà Nẵng, ngay ngày đầu tiên đã thốt lên: “Người Đà Nẵng sao mà thân thiện, dễ thương thế!”. Anh nói, chỉ đơn giản việc hỏi đường thôi mà bất kỳ ai cũng hướng dẫn rất tận tình, cặn kẽ. Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là chuyện một chị trong đoàn của anh, khi đi tham quan Khu du lịch Bà Nà, đã bỏ quên cái ví bên trong có 5 triệu đồng trong cabin cáp treo, khi về lại bến xuất phát mới phát hiện ra, nhưng không lâu sau đã nghe thông báo của bộ phận quản lý cáp treo đến nhận lại cái ví với đầy đủ tài sản, tiền bạc.

Bằng chính sách an dân, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận lớn trong lòng gần 1 triệu người dân đang an cư ở mảnh đất này. Và cũng chính điều này, đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Đà Nẵng cư trú và xem đây là nơi “đất lành chim đậu”.

Để có được một Đà Nẵng hôm nay, nguyên nhân sâu xa là xuất phát từ những chủ trương, cách làm đi vào lòng người, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Trong cái lý, cái luật lồng ghép vào đó chữ TÌNH rất rõ. Cái TÌNH thể hiện trong các chủ trương của thành phố và bên cạnh đó là cái TÌNH đáp lại của nhân dân thể hiện trong việc hưởng ứng, góp công sức trong việc thực hiện những chủ trương đó. Vì yêu, vì tâm huyết, trách nhiệm với quê hương mà người Đà Nẵng từ lãnh đạo đến người dân bình thường luôn đằm mình suy nghĩ những bước đi, cách làm thích hợp nhất để từng ngày, xây dựng quê hương.

Dân Hùng

(*) Phổ thơ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh

Đọc thêm