Nối lại đường bay quốc tế là bước đệm phục hồi du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, hãng hàng không Bamboo Airways vừa tổ chức tọa đàm "Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới".
Năm 2022, ngành Hàng không phấn đấu đạt 8 triệu khách quốc tế
Năm 2022, ngành Hàng không phấn đấu đạt 8 triệu khách quốc tế

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao, phủ hầu khắp dân số là điều kiện thuận lợi để nhiều nước châu Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam công bố kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, mở cửa du lịch.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, sau hơn một tháng rưỡi thí điểm mở lại các đường bay quốc tế tính từ 1/1/2022, lượng khách quốc tế đi-đến Việt Nam đạt 150.000 lượt khách. Tính riêng trong tháng 1/2020, số liệu này là 100.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với lượng khách trung bình đi - đến Việt Nam trong một tháng ở thời điểm trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Ngày 15/3 tới là thời điểm nước ta được đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới. Việc ngành Hàng không "đi trước một bước" với việc dỡ bỏ hạn chế bay quốc tế từ 15/2 là bước đệm quan trọng để ngành Du lịch chuẩn bị thu hút khách quốc tế.

Theo ông Siêu, việc mở cửa lại du lịch sẽ là cú hích để ngành Hàng không và ngành Du lịch sớm phục hồi. "Từ 15/3 sẽ mở lại du lịch quốc tế bình thường mới. Đây là mốc thời gian quan trọng, là cơ hội để du lịch, hàng không phát triển trở lại, mạnh mẽ hơn", ông Siêu nói

Theo ông Đỗ Việt Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, trước việc du lịch Việt Nam sắp được mở cửa bình thường trở lại, tập đoàn FLC đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, cơ sở vật chất để phục vụ khách du lịch. Đồng thời Tập đoàn này lựa chọn đối tác TD&T CO.,LTD (Hàn Quốc) để ký kết hợp tác, phát triển du lịch tại Quy Nhơn (Bình Định).

Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, số lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu từ đó cũng sụt giảm theo.

Sau khi Việt Nam thí điểm bay quốc tế trở lại từ 1/1/2022, các hãng hàng không trong nước đã tận dụng tốt cơ hội, vừa vận chuyển khách trong nước vừa vận chuyển khách quốc tế. Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, các hãng hàng không đã đón một lượng hành khách lớn từ trong và ngoài nước. Từ đó, "sức khỏe" các hãng hàng không phục hồi trở lại.

"Bộ Giao thông vận tải quyết định dỡ bỏ hạn chế bay quốc tế từ 15/2 và 15/3 tới đây mở cửa hoạt động du lịch bình thường trở lại chính là cơ hội rất tốt để các hãng hàng không cũng như ngành du lịch phục hồi", ông Nề nói.

Cũng theo ông Nề, việc khôi phục du lịch, hàng không cần có thời gian và phải kiên nhẫn vì trong quá trình khôi phục sẽ gặp phải một số khó khăn, nhất là việc chi phí tăng lên.

Theo TS.Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, khôi phục hàng không, du lịch không chỉ là khôi phục riêng cho hai ngành kinh tế này mà là khôi phục cả nền kinh tế. "Chính phủ muốn thông qua khôi phục du lịch và hàng không để nói với thế giới rằng, Việt Nam sẵn sàng theo xu hướng quốc tế và nền kinh tế Việt Nam dù trải qua dịch bệnh nhưng có sức chịu đựng tốt, hồi phục nhanh", lời ông Thiên.

Theo ông Bùi Minh Đăng -Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, ngành này phấn đấu đạt từ 42 - 43 triệu hành khách, con số này bằng hơn 50% so với năm 2019, tuy nhiên nếu đạt được con số này là đã rất ấn tượng. Trong số đó, phấn đấu khách quốc tế là 8 triệu.

Còn Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam thì cho rằng, việc mở lại du lịch quốc tế, hàng không quốc tế là tín hiệu tốt của cả nền kinh tế, nhưng thủ tục cần cởi mở, hạn chế tối đa các biện pháp phòng chống dịch mà vẫn đảm bảo an toàn thì mới có thể thu hút khách quốc tế.

Đọc thêm