Công chúng yêu văn học của Việt Nam gần đây lo ngại trước sự vắng bóng trên văn đàn những tác phẩm gây chú ý xúc động lòng người. Một số xuất bản phẩm xôn xao cũng chỉ ở phạm vi hẹp bó gọn một nhóm bạn đọc nào đó hoặc đánh vào thị hiếu tò mò của số ít công chúng. Còn để nói tới tính lâu dài có sự kế thừa nền văn học lâu đời, vẫn còn khoảng cách quá xa…
|
Một số sách đã xuất bản của Nguyễn Ngọc Tư |
Trông người ngẫm ta…
Một số nhà văn, nhà thơ Hải Phòng sau khi đọc những tác phẩm của nhà văn trẻ Trung Quốc, Nhật Bản xuất bản gần đây, trong đó có sáng tác được giải, gây sự chú ý và tác động tới đông đảo công chúng, tỏ ra bi quan. “Nhìn vào lực lượng sáng tác hùng hậu của thiên hạ lại thấy buồn…”. “Có gì mà buồn? Lực lượng sáng tác của ta cũng lớn mạnh chứ? Số lượng sách xuất bản của ta cũng liên tục tăng, cây bút trẻ tuổi cũng không phải hiếm…”. “Vấn đề không phải là nhiều sách hay không, sách viết mới hay không? Mà cốt lõi là những tác phẩm có giá trị văn học cao. Điều chúng tôi muốn nói tới nữa là sự kế thừa có chọn lọc của những tác phẩm thực sự, chứ không phải dòng văn học thương mại, thị trường.”
|
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít các tác giả trẻ có những tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng |
Băn khoăn của những người trong giới văn nghệ thành phố không phải là không có lý. Bởi nếu nhìn vào thực tế các xuất bản phẩm của văn học Việt Nam gần đây, số tác giả trẻ có tác phẩm xuất bản không ít. Nhưng để đạt đến một giá trị đích thực, trường tồn của văn chương thì chưa có. Hầu hết sáng tác khai thác được những góc cạnh của đời sống xã hội, thậm chí những góc nhìn khá kín hoặc ít người dám nói, nhưng chung quy lại cũng chỉ thỏa mãn một số ý thức tò mò của công chúng. Những tác phẩm ấy, dù có được tái bản, bạn đọc chỉ có thể tìm đến một lần theo nguyên lý… đọc để biết mà không phải đọc để ngẫm, để nghĩ, để thấy băn khoăn, trăn trở và có tác động ngược trở lại.
Họ có cơ sở để tự tin
Dù sự đi xuống của văn hóa đọc không chỉ ở Việt Nam, dù ngay trên những quốc gia có nền văn học nổi tiếng thế giới, bạn đọc đang có xu hướng quay đầu lại với văn học truyền thống, vẫn phải khẳng định, những sáng tác của văn học trẻ ở một số quốc gia khiến họ vẫn đủ cơ sở để tự tin vào tương lai. Họ có sự kế thừa. Sáng tác của lực lượng trẻ của họ có chất và những sáng tác ấy rõ ràng có ảnh hưởng tích cực đến không chỉ một nhóm bạn đọc. Điển hình nhất như Giải thưởng văn chương thường niên của Nhật Bản mang tên nhà văn Akutagawa Ryũnosuke dành cho “Rắn và khuyên lưỡi” của Kanehara Hitomi. Hàn Hàn và Quách Kính Minh - những cây bút 8x quen thuộc của văn học Trung Quốc hiện nay cũng là chủ nhân của cuộc thi viết thường niên "New Concept" nổi tiếng của đất nước đông dân này. Điều đáng quan tâm, không chỉ các tác giả nhận giải mới được công chúng quan tâm, những sáng tác của các tác giả trẻ trên văn đàn tạo nên những cuộc trao đổi trong cuộc sống đời thường. Và tác động ấy mới thực sự cần bàn trong sự phát triển và duy trì giá trị văn học đích thực.
|
Một trong số các tiểu thuyết của Vệ Tuệ được chuyển ngữ xuất bản tại Việt Nam |
Giới phê bình đôi lúc tỏ ra lo ngại trước sự xuất hiện ồ ạt của các tác giả trẻ trên văn đàn, đặc biệt ở Trung Quốc. Nhưng sự ra đời của các xuất bản phẩm, sự quan tâm của bạn đọc với họ và cả những tác động, ảnh hưởng cũng khiến những người làm văn nghệ nước ta phải suy nghĩ. Đội ngũ các nhà văn trẻ Trung Quốc có những tác giả rất trẻ. Gu Liqun, chưa đến 13 tuổi, nhưng đã xuất bản cuốn tiểu thuyết kỳ ảo đầu tay Legend of the Sorcerer. Yang Yang, 10 tuổi trình làng cuốn sách đầu tiên Time’s Magic Zither - cũng là một truyện kỳ ảo - khi mới 9 tuổi. Còn Zhang Mengmeng, cô bé 12 tuổi, cũng bắt đầu sự nghiệp khi mới lên 9 với tập tản văn Let Me Tell You, I’m Not Stupid… Việt Nam cũng có nhiều tác giả trẻ, nhưng trẻ đến như ở nước bạn thì chưa từng xuất hiện. Và những tác phẩm của các tác giả trẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chờ đến bao giờ…
Người viết bài này chợt nhớ đến câu chuyện với nhà thơ Thi Hoàng một thời gian trước đây, khi ông nói về băn khoăn chưa tìm thấy những tác phẩm lớn. Và ông nghĩ, có thể đã có những tác phẩm lớn nhưng tác giả chưa công bố. Chúng… vẫn đang nằm trong ngăn kéo của một ai đó. Văn học xứ người họ tự tin vì sự kế thừa của một lực lượng hùng hậu, còn chúng ta, dường như vẫn đang tiềm ẩn chưa xuất hiện. Phải chăng họ vẫn còn e ngại hoặc chưa có một cơ chế phát hiện và trau dồi nhân tài hợp lý. Cũng như việc in ấn, xuất bản tràn lan, cẩu thả của hàng loạt các nhà xuất bản, lý luận phê bình cũng “tạp phế lù” khiến những cây bút vì văn học đích thực của nước ta chùn bước.
Nói như vậy, chúng ta cũng có thể tự tin vào một tương lai có sự kế thừa của văn học Việt Nam . Hy vọng sẽ sớm có những tác phẩm có tác động sâu sắc tới đời sống văn học cả nước đủ để làm rung động công chúng, như lời dự đoán của nhà thơ Thi Hoàng. Vấn đề là phải chờ đến bao giờ để người yêu văn học không phải thở dài khi nhắc tới văn học trẻ ở nước ngoài như giai đoạn hiện nay…
Phạm Thùy Linh