Nỗi lo khủng bố rập rình

Những ngày gần đây, mối đe dọa tấn công khủng bố, không chỉ bằng những lời tuyên bố, mà xuất hiện những con người cụ thể đã làm cho nhiều nước  hết sức lo ngại.

Những ngày gần đây, mối đe dọa tấn công khủng bố, không chỉ bằng những lời tuyên bố, mà xuất hiện những con người cụ thể đã làm cho nhiều nước  hết sức lo ngại.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Brice Hortefeux ngày 27-10 cho biết nước này đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố "thực sự" nên cần "đề phòng toàn diện" sau khi thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, Osama bin Laden đe dọa tấn công các công dân Pháp.  Trước đó, trong một đoạn băng ghi âm phát trên truyền hình Al-Jazeera, Osama bin Laden cảnh báo Chính phủ Pháp sẽ phải trả giá nếu tiếp tục tham gia lực lượng liên quân do Mỹ và NATO đứng đầu tại Afghanistan . Theo bin Laden, vụ bắt cóc 7 người nước ngoài, trong đó có 5 người Pháp, hồi tháng trước ở sa mạc Sahara thuộc miền Bắc Nigie là một lời cảnh báo đối với Pháp.

Cùng ngày , các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Farooque Ahmed, 34 tuổi, công dân Mỹ gốc Pakistan đã chụp ảnh các bến tàu điện ngầm tại thủ đô Washington và lập kế hoạch để thực hiện các cuộc đánh bom diễn ra gần như đồng thời. Tin cho hay Ahmed đã bắt đầu thăm dò các địa điểm khác nhau từ hồi tháng 5, và các nhân viên thuộc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã theo dõi chặt chẽ mọi hành vi của đương sự. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đặc trách an ninh quốc gia, ông David Kris, khẳng định thông tin này, nêu bật tầm quan trọng của việc phải tiếp tục cảnh giác chống các mối đe dọa khủng bố. Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs gọi vụ bắt giữ Ahmed là một ví dụ cho thấy mối đe doạ khủng bố nước Mỹ vẫn còn nghiêm trọng. Ahmed bị truy tố về 3 tội danh, trong đó có âm mưu hỗ trợ vật chất cho một tổ chức khủng bố và dự định tấn công một cơ sở giao thông. Nếu bị kết tội, Ahmed có thể lĩnh án tối đa là 50 năm tù giam.

Trong khi đó, cảnh sát Malaysia mới đây đã bắt giữ một người  Indonesia tên là Taufiq Marzuki hay Sulaiman Tarmizi, 29 tuổi,  là thành viên của Nhóm chiến binh hồi giáo Aceh (KMA) vì bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động quân sự có thể gây nguy hại cho an ninh nước này. Việc bắt tên Taufiq là nhờ phối hợp chặt chẽ giữa cảnh sát Malaysia và cảnh sát  Indonesia. Sự hiện diện của Taufiq ở Malaysia bị coi là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia và cảnh sát sở tại sẽ tiếp tục điều tra để xác định liệu có đồng bọn của Taufiq đang lẩn trốn ở Malaysia không.  Trước đó, cảnh sát  Indonesia đã bắt giữ Mohd Nawawi Malong, một người Malaysia, 40 tuổi, tại cảng Nusantara ở Pare-Pare vì đang âm mưu vận chuyển 7.000 kíp nổ vào tỉnh Nam Sulawesi của nước này. Điều tra ban đầu cho thấy các ngòi nổ do Ấn Độ sản xuất được buôn lậu từ miền Nam Philippines đến Tawau. Cảnh sát Malaysia và  Indonesia đang phối hợp điều tra nhằm làm rõ mục đích của vụ việc.

Còn tại Myanmar, truyền thông  nước này ngày 27-10 đưa tin các lực lượng an ninh  đã bắt giữ 5 đối tượng bị cáo buộc âm mưu đánh bom các địa điểm công cộng tại ba thành phố lớn, trong đó có một sân bay quốc tế, nhân dịp nước này tiến hành bầu cử vào ngày 7-11 tới.  Nhà chức trách cho biết hai trong số năm kẻ bị bắt đã tiến hành vụ đánh bom hôm 1-10 nhằm vào một văn phòng chính quyền địa phương phụ trách bầu cử tại thành phố Bago, cách Yangun 80km về phía Bắc.

Theo các nhà quan sát, cuộc đấu tranh chống khủng bố sẽ còn gay go, phức tạp. Bởi thực tế cho thấy, không chỉ mạng lưới Al-Qaeda và “bóng ma” Osama bin Laden khi ẩn khi hiện luôn kêu gào tấn công khủng bố, mà nhiều tổ chức khác đã và đang hình thành và các phần tử này được trẻ hóa, có trình độ khoa học và các hành vi tàn bạo thật sự là nỗi ám ảnh cho các quốc gia.

Nguyên Châu

Đọc thêm