Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ đồ hộp kém chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, liên tục ghi nhận nhiều vụ người dân nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Thậm chí đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Trước tình trạng trên, Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1279/SCT-QLTM về rà soát, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ đồ hộp kém chất lượng

Trước khi chờ sự vào cuộc cũng như các biện pháp từ cơ quan chức năng. Để phòng, chống ngộ độc mỗi người dân cần là người tiêu dùng thông minh, không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Tử vong vì ngộ độc thực phẩm

Ngày 27/3, Sở Y tế Bình Dương thông tin về vụ việc một người dân tại Bình Dương tử vong và 5 người khác đang nguy kịch nghi do ngộ độc bởi pate chay.

Theo báo cáo, ngày 20/3 bà Cao Ngọc Mỹ (42 tuổi, hộ khẩu thường trú tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và Cao Ngọc Hà đi chợ mua nguyên liệu để nấu bún riêu (trong đó có chả chay và pate chay) cho khoảng từ 25 đến 30 phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) ăn trưa. Sau bữa trưa, bà Mỹ có biểu hiện cứng lưỡi, khó nuốt và nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Sau đó đã tử vong với nguyên nhân bị viêm não, viêm tủy và viêm thân não.

Ngoài bà Mỹ, 5 người cùng ăn trưa với bà Mỹ được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2.

Sau khi xảy ra vụ việc, đoàn liên ngành điều tra lấy mẫu chả chay và pate chay trên thị trường, để xét nghiệm tìm độc tố vi khuẩn clostridium botulinum. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân không sử dụng sản phẩm chả chay, pate chay hết hạn sử dụng, không rõ nguyên gốc xuất xứ, không nhãn mác, hình dáng không còn nguyên vẹn.

Cũng trong ngày 27/3/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum thông tin đơn vị mới tiếp nhận 4 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm.

Các bệnh nhân A H. (10 tuổi), A Long (22 tuổi), A Đoàn (21 tuổi) và bà Y Xuân (65 tuổi, trú thôn Kon Du, xã Măng Cành, H.Kon Plông) đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi ngộ độc độc tố clostridium botulinum.

Ngoài 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn có 9 bệnh nhân khác ở thôn Kon Du cũng đang được theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Kon PLông.

Đây là lần thứ 2 xã Măng Cành xuất hiện chùm ca bệnh do ngộ độc. Trước khi ngộ độc, người dân trong thôn Kon Du có tổ chức đi làm đổi công, sau đó cùng ăn uống với nhau.

Trước đó, vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2021, làng Kon Kum, xã Măng Cành tổ chức ăn tết chuồng trâu. Sau khi ăn uống có 2 người trong làng tử vong, 22 người nhập viện với cùng một triệu chứng. Kết quả xét nghiệm cho thấy chùm ca bệnh là do ngộ độc thực phẩm, tác nhân gây bệnh được xác định là do vi khuẩn clostridium botulinum sinh độc tố type E.

Một trường hợp ở Bình Dương bị ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM. (Ảnh suckhoedoisong).
Một trường hợp ở Bình Dương bị ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM. (Ảnh suckhoedoisong).

Khuyến cáo

Sau vụ việc xảy ra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý theo lĩnh vực được phân công xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc, chỉ đạo việc truy xuất nguồn gốc, tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm pate nghi ngờ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp (pate...), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ muối...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...); đồng thời hướng dẫn việc phòng chống nguy cơ ngộ độc botulinum do thực phẩm của các gia đình, hộ kinh doanh tự sản xuất và tiêu dùng.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1279/SCT-QLTM về rà soát, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Liên quan đến các vụ ngộ độc botulinum, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cũng đã có khuyến cáo đến người dân:

 Khi sử dụng đồ hộp, nếu thấy sản phẩm bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố. Do vậy, người dân không nên mua loại đồ hộp bị phồng, méo. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà, đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng.

Ngoài ra, hiện nhiều người Việt cũng có thói quen chế biến thực phẩm và hút chân không để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc bên ngoài môi trường với nhiệt độ bình thường để sử dụng. Tuy nhiên, thói quen này sẽ tiểm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc botulinum. 

Người dân muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao. Không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để bảo đảm an toàn, phòng ngộ độc. Đặc biệt những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không bảo đảm an toàn.

Để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm; xuất xứ hàng hoá, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.

Ngoài ra, vi khuẩn botulinum sẽ bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100 độ C ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100 độ C ít nhất một giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160 độ C ít nhất 30 phút. Trước khi chờ sự vào cuộc cũng như các biện pháp từ cơ quan chức năng, để phòng, chống ngộ độc, mỗi người dân cần là người tiêu dùng thông minh, thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Đọc thêm