Nỗi lo mất những báu vật nhân văn sống

Số lượng nghệ nhân cao niên đang lưu giữ các hệ giá trị di sản của Việt Nam không còn nhiều. Sự trợ cấp (chí ít như bảo hiểm ý tế) với đa số họ là điều cần làm ngay. Thử làm một phép tính đơn giản, nếu một phần số tiền tổ chức các festival hoành tráng tốn kém mà được chuyển khoản thành tiền trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân thì tình hình sẽ khả quan hơn nhiều…

Hiện có một số di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO phong tặng danh hiệu. Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta được phép thỏa mãn, bởi danh hiệu cuối cùng vẫn chỉ là danh hiệu mà thôi…

Theo định nghĩa của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể hiện nay bao gồm toàn bộ các giá trị phong tục, tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan. Ở đây, sẽ thấy rõ sự nổi bật của đặc tính phi văn bản và truyền khẩu của hệ giá trị. Trong phạm vi đó, nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam được xác định rõ như một thành tố quan trọng.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung không tồn tại dưới dạng văn bản chi tiết kiểu như bản nhạc Tây phương. Với tính đặc thù như vậy, nhạc cổ truyền Việt Nam chỉ tồn tại cùng người nghệ sĩ biểu diễn - người mà ta quen gọi là Nghệ nhân cổ nhạc. 
Mặc nhiên, trong mỗi nghệ nhân luôn tồn tại chức năng kép. Họ vừa là người biểu diễn, vừa là người sáng tạo tại chỗ. Toàn bộ các giá trị nghệ thuật tinh tế của tác phẩm luôn tiềm ẩn trong khối óc, con tim nghệ nhân. Chỉ đến khi biểu diễn, những giá trị đó mới hiện hình qua đôi bàn tay hay giọng hát đầy sức biến hóa của họ. 
Với quy luật đặc thù đó, sự tồn vong của các tác phẩm luôn gắn bó chặt chẽ với sự sống còn của nghệ nhân. Theo đó, sự lưu trữ, bảo tồn di sản cổ nhạc đồng nghĩa với việc ứng xử như thế nào với từng cá thể con người. Và, có thể hiểu tại sao nghệ nhân chính là báu vật nhân văn sống – là tài sản sống động nhất trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. 
Thử tưởng tượng, người nghệ nhân nắm giữ những di sản nghệ thuật của cổ nhân, nếu họ không biểu diễn thì sẽ không ai tiếp cận được với những giá trị đó. Rồi nếu không có lớp người kế cận để truyền dạy (tức không có học trò), những giá trị đó đương nhiên sẽ ra đi vĩnh viễn theo cái chết của lớp nghệ nhân già. Thực tế lịch sử âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã cho thấy sự diệt vong của nhiều tác phẩm, nhiều thể loại. Ngày nay chúng ta chỉ còn có thể biết tên gọi của chúng qua đôi dòng sử liệu mà thôi.
Hoặc giả sử nếu có lớp học trò kế cận mà nghệ nhân không truyền hết vốn liếng (có thể do tình trạng dấu nghề, do sức khỏe) hay học trò không đủ tài năng (hoặc lòng yêu nghề) để tiếp nhận, nắm bắt toàn vẹn thì di sản cổ nhạc sẽ bị mai một. 
Nói vậy để thấy được tầm quan trọng bậc nhất của 2 vai thầy - trò trong quá trình lưu truyền. Bên cạnh đó, tri thức của nhà quản lý văn hóa cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Trong cơ chế bảo vệ di sản, họ có thể sử dụng “đồng tiền bát gạo” của Nhà nước vào đúng người đúng việc nhưng cũng có thể tiêu phí cả nguồn kinh phí lớn vào những chuyện vô bổ. Đây là vấn đề rất nhạy cảm trong chúng ta mà không phải ai cũng dám nói thẳng. Còn có quá nhiều điều phải lo nghĩ cho “một cơ may” với các di sản văn hóa phi vật thể dân tộc nói chung, di sản cổ nhạc nói riêng.
Có thể thấy kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý rõ ràng là “vấn đề” khá nan giải. Có những chính sách bảo vệ di sản sau dăm bảy năm thực hiện mới nhận ra sự bất cập của nó. Điều đó tất dẫn đến thực trạng Nhà nước luôn quan tâm bảo vệ mà các hệ giá trị vẫn lần lượt tiếp tục mai một. Nghệ nhân già qua đời, rất ít người có thể tiếp nối.
Số lượng nghệ nhân cao niên đang lưu giữ các hệ giá trị di sản của Việt Nam không còn nhiều. Sự trợ cấp (chí ít như bảo hiểm ý tế) với đa số họ là điều cần làm ngay. Thử làm một phép tính đơn giản, nếu một phần số tiền tổ chức các festival hoành tráng tốn kém mà được chuyển khoản thành tiền trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân thì tình hình sẽ khả quan hơn nhiều…
Bùi Trọng Hiền

Đọc thêm