Tưởng ngày xưa, đường xá cách trở, tàu xe khó khăn mới có cảnh nàng dâu “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều…”. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, vẫn không ít nàng dâu ấm ức vì không được ăn Tết quê ngoại.
Không dễ lựa chọn…
Lấy nhau hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ vợ chồng chị Hoàng Lan (Thành Công, Hà Nội) ăn Tết ở quê ngoại. Cứ sáng 30 Tết, cả nhà bồng bế nhau lên đường “về quê nội” đến hết mồng 3. Ra đến Hà Nội là “vừa hết Tết, không đi đâu và cũng chẳng về được với ông bà ngoại”, chị Lan tâm sự.
|
Tết đến, vấn đề về ăn tết quê nào khiến không ít "nàng dâu" phải suy nghĩ. Ảnh minh họa. |
Anh Đình, chồng chị Lan quê Nghệ An, còn chị quê Hải Phòng. Hồi mới cưới, hai vợ chồng “đàm phán” không biết bao nhiêu vòng về vấn đề “ăn Tết quê nào?”. Nhiều giải pháp đã được bạn bè tư vấn, nhưng chị đều thấy không “hợp lý” nên không áp dụng và cũng không thể thay đổi quan niệm của chồng, nên kể từ ngày “xuất giá tòng phu”, năm nào chị Lan cũng đón Tết ở Nghệ An.
Còn vợ chồng Ngọc Hiền (Lò Đúc, Hà Nội) lại khác. Thế hệ 8X, tự chủ, Hiền tuyên bố ngay khi bước chân vào nhà chồng: “Tết đến “quê ai người đấy về” cho công bằng”. Kết quả là, trừ những lần đi công tác, mỗi năm vợ chồng Hiền lại “tạm chia tay nhau 3 ngày Tết”.
Đã 4 năm trôi qua và dù có thêm cu Tít nhưng Hiền vẫn giữ nguyên quan điểm. Nên cu Tít vì còn nhỏ nên phải theo mẹ, cũng chưa một lần về quê nội ăn Tết. Mẹ chồng Hiền không giấu được “sự bất lực” trước quan điểm “cứng rắn, sòng phẳng” của con dâu: “Tôi muốn Tết có con dâu, cháu nội, nhưng con Hiền nó không chịu, thì tôi biết làm sao?”. Cũng bởi không được ăn Tết cùng dâu, cháu nội, nên gia đình chồng Hiền không bằng mặt bằng lòng lắm với cô con dâu.
Không mấy “cặp” đạt được sự thỏa thuận hợp lý như vợ chồng Mai Thùy (Hải Châu, Đà Nẵng). Kể từ ngày cưới, cứ mỗi năm, hai vợ chồng lại về một quê ăn Tết. Năm quê ngoại, năm quê nội. Đều đặn, không tranh cãi vì “ai cũng có quê, có gia đình, không thể vì mình mà buộc chồng mình phải từ bỏ tình cảm gia đình được”, Thùy tâm sự.
Trăm mối tâm tư
Cứ cuối năm, nhiều gia đình đã trải qua những ngày căng thẳng để đi đến quyết định “về quê ăn Tết”. Thực ra, việc chọn nơi để ăn Tết của nhiều gia đình hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng của quan niệm “phải về quê chồng”, nhất là đối với các gia đình ở các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ.
Những ông chồng thì đương nhiên thấy sự cần thiết phải về cho “các cụ phấn khởi mấy ngày Tết”, còn nhiều bà vợ dù không muốn vẫn phải chấp nhận như chị Lan. Nên năm nào, 3 ngày Tết, Hà Nội cũng “vắng lặng lạ thường” vì hầu hết người ở tỉnh xa, cùng với họ là gia đình, về quê ăn Tết.
Không thiếu lý do để nhiều nàng dâu không muốn về quê chồng. Chẳng phải ghét bỏ gì nhà chồng hay quê chồng, nhưng nhiều người giống chị Lan muốn ở lại Hà Nội ăn Tết vì “Cũng là gia đình riêng, có nhà cửa rồi, mà năm nào cũng khóa trái, không hương khói gì trong mấy ngày Tết, kể cũng không phải”.
Vì cả năm về quê chồng có vài ba ngày, song phong tục, nếp quê và những thiếu thốn của những vùng quê đã khiến nhiều “tiểu thư thành phố” đâm ra “sợ” quê chồng.
Đấy là chưa kể những khó nhọc khi di chuyển trong điều kiện đông đúc. Nhà nào có ô tô riêng hoặc quê gần có thể di chuyển bằng xe máy còn đỡ, những nhà quê xa, xếp hàng mua được vé đã khổ lại chịu cảnh nhồi nhét trên những chuyến xe khách, chuyến tàu thực sự là “cơn ác mộng” đối với không ít nàng dâu.
Cùng với mỗi chuyến về quê còn là quà cáp cho gia đình, họ hàng, làng xóm, quần áo, đồ dùng… và nhất là những khoản tiền kha khá phải chi khiến nhiều bà vợ “xót của” đến nỗi “hối hận vì lấy chồng xa”.
Cuối năm, những chuyến xe, chuyến tàu chật ních, ngược xuôi đưa hàng triệu người về với quê hương ăn Tết. Trên mỗi chuyến xe đó, còn có vô vàn nỗi niềm của những nàng dâu về ăn Tết quê chồng...
Hương Giang