Bước chân nặng trĩu
Sáng sớm, sân TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vắng vẻ. Đôi vợ chồng ngồi co ro nơi hành lang. Người đàn ông nhỏ thó, mặc bộ đồ cũ kỹ, khuôn mặt cứ rầu rầu. Người phụ nữ ngồi bên, mặt cũng chẳng tươi nổi. Hôm nay họ đến tòa, để tham gia vụ án xét xử con trai họ, là bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo năm nay 29 tuổi, làm nghề thợ sơn. Sáng hôm đó, bị cáo mượn xe của bố để đi chơi với bạn gái. Nghe con trai “già đầu” chưa chịu cưới vợ đi chơi với người yêu, người bố hớn hở giao chìa khóa xe, giao luôn giấy tờ chiếc xe máy cho con trai mượn. Đến chiều cùng ngày, trên đường đi chơi về, do cần tiền tiêu xài cá nhân nên bị cáo đem xe đi cầm cố được 2 triệu đồng, sử dụng tiêu xài hết.
Lại nói đến người cha, khi đưa xe cho con mượn, đã dặn dò cẩn thận, trưa phải đem xe về để ông đi làm. Nhưng đến trưa gọi chẳng thấy. Ông đợi đến dài cổ. Chiều về, thấy con trai lại “lết” bộ về nhà. Ông ngạc nhiên hỏi xe đâu? Con trai ông nói dối cho bạn gái mượn.
Vài ngày sau ông bảo con lấy xe về để ông đi làm, con ông dùng dằng không chịu. Ông kêu “nối điện thoại” với bạn gái nó, để ông trực tiếp đòi, lúc này bị cáo mới “xì” ra là đã đi cầm. Người bố tức giận, liền làm đơn trình báo cơ quan chức năng yêu cầu xử lý.
Mẹ bị cáo bảo, kỳ thật nếu con trai bà biết hối lỗi, thì đâu đến nỗi. Đằng này đã sai, còn “cãi chày cãi cối”. Vậy nên, ông bà đành… đưa con “đi”. Hôm cầm lá đơn trên tay đến gửi cơ quan chức năng, bước chân người cha như đeo chì. Mỗi bước đi đều nặng trình trịch. Nhưng ông không thể dung túng cho con. Hôm nay sai nhỏ, biết đâu ngày mai lại phạm phải lỗi lầm lớn. Vậy thì hết cách. Nên phải đưa con “đi” thôi.
Chưa kể con ông thời gian này lại toàn tụ tập với đám bạn xấu. Đứa nào cũng nghiện. Ông loáng thoáng, nghe đâu con ông cũng “chơi” chút ít. Tuy chưa phải “đập đá”, “xì ke”, ma túy, nhưng ông biết con ông đã lén lút hút “cỏ Mỹ”. Mà từ “cỏ Mỹ” đến ma túy, con đường ngắn lắm.
Thôi thì ông thẳng tay, “đưa” con đi tù, xem như cách ly bạn bè xấu, cách xa luôn mấy thứ thuốc chết người ấy. Ông chỉ hy vọng, lần này vào trại, con ông sẽ khôn ra, sẽ tỉnh lại, chọn đúng con đường để đi, để sống tốt. Ngấp nghé tuổi 30 rồi, chứ ít ỏi chi.
Hôm nay đến tòa, hai ông bà đi “tay trắng”. Chẳng mang vác thứ gì cho con. “Nó đi tù một lần rồi. Nhưng vẫn chưa chịu tỉnh ra. Lần trước, vợ chồng tui còn bới xách đủ thứ. Nhưng lần này, thì cứ… “ăn cơm nhà nước” thôi. Nó sống gần nửa đời người rồi chứ ít ỏi chi, mà vẫn chưa chịu lớn. Cứ làm phiền lòng cha mẹ mãi”, mẹ bị cáo ủ dột.
Bà có 4 đứa con, bị cáo là con thứ 3 trong gia đình. Năm con trai bà học đến lớp 9 thì nghỉ học. Một phần gia đình khó khăn, một phần con trai không chịu học. Chữ nghĩa không học, thì cho con đi học nghề. Vậy là ông bà cho con theo nghề thợ sơn. Nghề này nếu chăm chỉ, cũng kiếm được bộn tiền. Ngày kiếm vài ba trăm là chuyện thường. Nhưng con trai ông vốn ham chơi. Làm đôi ba bữa lại nghỉ vài hôm. Vậy nên tiền kiếm được mới chẳng đủ tiêu xài, ăn nhậu.
Ông làm tổ trưởng tổ dân phố, là phó bí thư chi bộ ở địa phương, vậy mà chỉ vì con trai không nên hồn của mình, mà ông chẳng thể ngẩng mặt nhìn bà con lối xóm. Ông cũng dạy con dữ lắm chứ. Nói đủ lời hay, lẽ phải. Cha nói, thì con nghe, nhưng ra đường thì làm trái ngược. Thôi thì con mình không dạy được, đành phải nhờ đến pháp luật vậy.
Hôm nay vợ chồng ông đến tòa, mà lòng nặng tựa ngàn cân. Nhìn con trai bị cùm kẹp, tay mang còng, chân mang xích, lòng ông bà như bị ai cấu véo, đau dữ lắm. Nhưng đau mấy cũng chịu. Giờ con hư rồi. Sắp hỏng rồi, không nhịn đau một chút, thì sau này mất con như chơi. Nghĩ vậy, ông bà lại cố nuốt cơn nghẹn vào lòng, làm mặt lạnh nhìn con.
Nước mắt muộn
Bị cáo được dẫn giải vào khán phòng, nhìn thấy bố mẹ thì rơm rớm nước mắt. Đến khi đứng trước HĐXX, nước mắt đã rớt lộp độp. “Bị cáo bình tĩnh để khai báo thành thật. Đây là hành vi bị cáo gây ra, bị cáo khóc cái gì?”. Bị cáo nghẹn ngào một lúc mới phân bua: “Tại bị cáo hối hận quá”. Có điều, giọt nước mắt hối hận ấy, dù có rớt ướt cả sàn tòa án, cũng chẳng thể xóa sạch hành vi mà bị cáo đã gây ra.
“Vì sao bị cáo mượn xe đi chơi, lại không mang về trả mà đem đi cầm? Có phải cầm xe lấy tiền dẫn bạn gái đi chơi không?”. Bị cáo nói không phải. Hôm đó bị cáo đi chơi với bạn gái xong, sau khi chở bạn gái về, thì đám bạn rủ đi nhậu. Vì không có tiền trả tiền nhậu, nên bị cáo cầm xe trả tiền nhậu. Vậy là nhẵn túi.
Vị hội thẩm nhắc nhở, bị cáo đã từng phạm tội. Năm bị cáo mới 17 tuổi, đã phạm tội trộm cắp, may mà chỉ bị phạt án treo. Sau đó từng hai lần bị xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau. Hai năm trước, bị cáo từng ngồi 15 tháng tù vì hành vi trộm cắp. Chưa kịp xóa án tích, đã tiếp tục phạm tội.
“Bị cáo năm nay đã gần 30 tuổi. Ở tuổi này, người ta đã lấy vợ, sinh con đẻ cái, xây dựng gia đình, tạo lập được sự nghiệp. Bị cáo nghĩ sao mà bản thân vẫn cứ lông bông. Bị cáo không nghĩ cho bản thân, cũng phải nghĩ đến tấm lòng của cha mẹ mình chứ. Bị cáo sống như thế, cha mẹ bị cáo đã già vậy, ngày nào cũng phải lo lắng cho bị cáo, bị cáo không thấy có lỗi à?”. Bị cáo cúi đầu im lặng. Phía sau lưng bị cáo, đôi vợ chồng hai mắt cứ đỏ hoe.
Người cha kể, con trai ông tính tình phóng khoáng lắm. Cũng vì tính cách rộng rãi, nên chơi với bạn lúc nào cũng thua thiệt, bị bạn bè “xỏ mũi”. Hôm con ông mang xe đi cầm, cũng vì mấy đứa bạn xúi. Mẹ bị cáo thì tỉ tê, nhà bà nuôi được vài con gà. Đôi vợ chồng già tiếc chẳng dám ăn. Nhưng con trai xin là cho ngay.
Vậy là tối ngày bị cáo xin gà nhà mang đến nhà bạn bè. Bạn đi xa, không có tiền tàu xe, bị cáo cũng về nhà xin mẹ vài trăm ngàn rồi mang cho bạn. “Tui nói với hắn, mạ đi làm thuê, ngày có trăm ngàn. Con thiếu tiền, thì mạ thắt lưng buộc bụng mà cho con. Răng con lại đem tiền mồ hôi nước mắt của mạ đi cho bạn cho bè. Con có bao giờ ăn được chén cơm nào của nhà bạn không? Sao nhà mình có cái gì, con cũng khuân đi cho bạn bè hết”, mẹ bị cáo kể.
Mỗi lần bạn bè con trai đến nhà chơi, cả đám lại kéo hết vào phòng con trai bà. Chúng tụ tập với nhau trong phòng làm những gì, bà chẳng thể biết được. Lần đâu tiên nghi ngờ con trai hút ma túy, là khi bà vào phòng con trai dọn dẹp sau khi đám bạn của con đã ra về. Bà nghe trong phòng con trai nồng một mùi khen khét. Bà hỏi con.
Con bà còn làm bộ làm tịch, bảo mùi khét ấy chắc là do cháy cầu chì, rồi loanh quanh trong nhà tìm kiếm. Chồng bà dò la, mới biết đó là mùi khét khi hút “cỏ Mỹ”. Dù chỉ là hút “cỏ Mỹ”, nhưng vẫn gây nghiện như thường. Vậy nên khi con trai đem xe nhà đi cầm, hai vợ chồng quyết định “cách ly” để con “cai” thuốc.
Tại phiên tòa, cha bị cáo rầu rầu nói với hội đồng xét xử: “Bị cáo đã lớn rồi. Trong thời gian bị tạm giam, chắc cũng đã hiểu, sống trong xã hội phải tuân thủ pháp luật. Đã biết hối hận về hành vi sai trái của mình. Đã biết sai mà sửa. Mong tòa xem xét để giảm mức án cho cháu sớm trở về với gia đình”.
Tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm tù. Bị cáo lầm lũi ra xe trở về trại giam. Đôi vợ chồng già rũ rượi đi phía sau, khuôn mặt nặng nề.