Bị cáo có 12 đứa con, lớn đã 48 tuổi, nhỏ nhất cũng 22. Hiếm hoi hôm nay con cái mới có cơ hội tụ tập, xúm xít quây quần tại một chổ, nhưng mặt mũi ai nấy như đưa đám. “Gia đình đoàn tụ” tại chốn công đường là điều chẳng ai muốn, vui sao nổi. Đây không phải lần đầu tiên bị cáo đi trộm. “Lịch sử” trộm cắp của bị cáo, trải dài và xuyên suốt từ năm 1975 cho đến nay.
Mẹ 90 đi dự phiên xử đứa con 70
Hành lang TAND TP Huế vốn dĩ rộng rãi, nhưng cũng trở nên chật chội khi người thân bị cáo Đặng Thị Phấn (70 tuổi, ngụ thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cứ đứng xúm xít lại một chỗ. Trên hàng ghế chờ, cụ bà 90 tuổi ngồi buồn xo. Buổi sáng, nhưng nắng găn gắt hắt vào hành lang rất khó chịu. Mấy người cháu hết “dỗ” bà cụ uống nước rồi uống sữa, nhưng bà chỉ lắc lắc mái đầu bạc trắng. Những nếp nhăn trên trán rủ xuống, che đi một phần đôi mắt mờ đục đã phủ lên một tầng nước.
Thấy bà cụ muốn khóc, mấy người cháu càng thêm sốt ruột. “Ngoại tui tuổi cao rồi. Nhiều bệnh lắm. Người già mà, quá xúc động cũng không được. Kêu ngoại ở nhà mà ngoại không chịu, nhất định đòi đi cho bằng được. Bà muốn lên đây nhìn con gái”, con trai bị cáo phân bua.
Bị cáo được dẫn giải ngang qua hành lang tòa án, thấy con cháu xúm xít ở đây thì nước mắt rơi lộp độp. Nhìn đứa cháu mới vài tuổi đang đứng vịn cửa, đưa đôi mắt tròn xoe lên nhìn, bị cáo sà đến, chật vật ôm cái đầu bé xíu vào lòng. Nước mắt rớt xuống khiến đám tóc ít ỏi trên đầu đứa trẻ cũng bết lại thành một nhúm. Cụ bà nhìn cảnh con gái như vậy, cũng run run đưa bàn tay nhăn nheo lên quệt nước mắt.
Lần đầu tiên con gái bà phạm tội trộm cắp, bị xử lý hành chính là năm 1975, lúc đó con gái bà chỉ mới chưa đầy 30 tuổi. Hơn 40 năm qua, cứ cách vài ba năm, con gái bà lại tái phạm một lần. Người làm mẹ như bà, đi đến chốn công đường đến mòn cả dép, mà con bà thì chứng nào tật nấy, ăn cắp đã thành tính, không cách gì bỏ được.
Năm 1981, con bà lần đầu tiên chính thức bị tòa kêu án vì tội trộm cắp, nhưng may mắn được hưởng án treo. Sáu lần đi tù vì trộm cắp, một lần bị đưa đi cải tạo tập trung, bốn lần bị xử lý hành chính, bà cụ bấm bấm đốt ngón tay.
Đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng tật xấu vẫn không bỏ. Ở tuổi gần đất xa trời, con bà đã hết cơ hội “làm lại cuộc đời”. Bà cụ ngán ngẫm. Năm nay bà đã ngót nghét chín mươi. Lần này con bà vào trong “ngồi” chẳng biết lúc nào mới ra. Tuổi của bà, chưa chắc đã chờ được. Vậy nên mới sống chết đòi lên tòa cho bằng được. Ai biết có còn cơ hội nhìn thấy con lần nữa?
Bị cáo Phấn đứng nơi bàn khai, cái lưng già nua rủ xuống. Hai bờ vai xương xương nhô lên nhọn hoắt sau lớp áo khoác màu xanh. Mái tóc ngắn củn đen trắng lẫn lộn được túm lại sau gáy. Mấy sợi tóc phía trước lòa xòa rớt xuống, che đi một phần gương mặt nhăn nheo, hốc hác. Bị cáo vừa khai vừa lụp bụp khóc. “Ai làm gì mà bị cáo khóc”, tòa hỏi. Bị cáo cúi đầu, vẫn khóc tiếp.
Hồ sơ vụ án thể hiện, khoảng 9h30 ngày 22/8/2017, bị cáo đến khu vực chợ Đông Ba, thuê một xe ôm rồi giả vờ nói ông này chở bị cáo đi thu tiền hàng. Khi người xe ôm chở bị cáo đến chợ Hai Bà Trưng, bị cáo xuống xe, kêu xe ôm đứng đợi, còn bản thân đi bộ vào trong chợ. Bị cáo đến một kiot bán văn phòng phẩm, giả vờ hỏi mua một số vật dụng.
Sau khi quan sát thấy túi xách của chủ kiot để phía sau tủ kính, bị cáo lấy túi nilon màu hồng của mình để lên trên, rồi lợi dụng lúc chủ quán không để ý, bị cáo lấy trộm túi xách đi ra khỏi quầy hàng, rồi kêu xe ôm đợi ngoài đường chở đi. Bằng thủ đoạn tương tự, từ tháng 8/2017 đến tháng 1/2018, bị cáo đã liên tục thực hiện bốn vụ trộm cắp, tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là 21 triệu đồng.
“Đánh chết cái nết không chừa”
Tòa yêu cầu bị cáo khai rõ từng vụ án bị cáo đã thực hiện. Bị cáo nói không nhớ rõ. Cứ thế, những lời khai đứt quãng lẫn trong tiếng khóc khàn khàn già nua của bị cáo.
“Bị cáo đi ăn trộm làm gì?”.
“Bị cáo ốm. Không có tiền nên đi trộm lấy tiền mua thuốc”.
“Bị cáo có mấy đứa con?”.
“Dạ 12 đứa”.
“Bị cáo có cả thảy 12 đứa con. Con đàn cháu đống như thế, không lẽ bị cáo ốm đau mà con cái không quan tâm chăm sóc, đến nỗi phải đi trộm. Mình làm sai, phải thành thật khai báo, ăn năn hối cải, không nên kiếm cớ đổ lỗi như thế, lại tội con cái mình. Bị cáo già rồi. Không lao động được thì ở nhà vui vầy bên con cháu. Bị cáo đi ăn trộm, con cái bị cáo cuối cùng cũng phải đứng ra bồi thường cho người ta chứ có phải lấy không đâu”.
Tòa hỏi tiếp: “Bị cáo đau ốm, có nói cho con cái biết không?”.
“Dạ không nói, vì sợ con cái lo lắng”, bị cáo nói khe khẽ.
Tòa hỏi con trai bị cáo (người đã đứng ra thay bị cáo bồi thường): “Anh có biết mẹ mình bị bệnh không?”.
“Dạ mẹ tôi bị bệnh cao huyết áp. Với lại tuổi đã cao, nên nhiều khi cũng đau lặt vặt. Mỗi lần vậy, chúng tôi đều đưa bà đi khám cả”. Người thanh niên nói giọng buồn thiu: “Anh em tôi đều biết mẹ hay đi trộm, nên cứ khuyên mãi. Nói mẹ lớn tuổi rồi, con cháu đều đã lớn, mẹ làm vậy, thì con cái không ngẩng mặt lên được vì xấu hổ. Nhưng mẹ vẫn không nghe”.
Bị cáo đang ở chung với một người con trai. Bị cáo khai trước tòa, mình có nghề làm bún. Bây giờ già, không đủ sức bươn chải, chỉ còn phụ vợ chồng con trai một ít công việc làm bún. Công việc làm bún chỉ bận vào lúc sáng sớm. Đến tầm giữa ngày là thảnh thơi. Một người con của bị cáo kể, dù chăm mẹ cẩn thận, “giữ” rất kỹ, nhưng “sổng” ra một cái là bà bỏ đi khỏi nhà mấy ngày mới về.
Nhiều lúc chẳng biết đi đâu. Ở địa phương, “tính cách” của bà nổi trội, hàng xóm láng giềng nhiều người nhìn ngó, dè bỉu, khiến nhiều khi anh em họ không dám ngẩng mặt nhìn ai. Khuyên mẹ không được, nên nhiều khi tự an ủi nhau, xem như thói ăn cắp của bà đã là căn bệnh trầm kha không thuốc chữa.
Một bị hại có mặt tại tòa kể lại vụ việc. Hôm đó khi bị cáo Phấn bước vào quầy, sau khi hỏi mua vài thứ, thì bà không biết gì nữa. Bị cáo đi khỏi quầy lúc nào, bà cũng không hay. Tay chân bà tê cứng, người cứ mê man, khi bà tỉnh lại, thì phát hiện bị mất túi xách để trong tủ. Trước khi phiên tòa diễn ra, nơi hành lang tòa án, mấy đứa con bị cáo gom tiền lại, gửi lại bà một phần tiền bồi thường.
Bà nói tuy chưa bồi thường đủ, nhưng bà chấp nhận, không đòi thêm, vì nghĩ bị cáo đã già, mà con cái cũng đều cực khổ hết. “Thấy bị cáo đã già, nhưng còn đi ăn trộm, rất đáng giận. Nhưng bà ấy đã nhiều tuổi như thế, ở trong trại giam cũng chẳng dễ dàng gì, mong hội đồng xét xử xem xét, để giảm nhẹ mức án, cho bà ấy được sớm trở về với gia đình”, bị hại yêu cầu.
Bị cáo cũng lụp bụp khóc, bảo giờ thì đã thực sự hối hận rồi, chỉ muốn sớm được về nhà. Trong suốt phiên tòa diễn ra, mẹ bị cáo Phấn ngồi bất động trong phòng xử. Khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi cao cứ nhăn lại, u ám. Khi tòa tuyên phạt bị cáo Phấn 3 năm 6 tháng tù, bị cáo gục đầu xuống, đôi vai không ngừng run run. Người mẹ già ngồi phía sau thì ủ rũ, được mấy đứa cháu dìu ra khỏi tòa án.
Trưa nắng oi nồng, bị cáo Phấn đi giữa một đoàn con lẫn cháu ra xe tù, vừa đi vừa thút thít khóc. Nhìn những giọt nước mắt đục ngầu lăn xuống gò má nhăn nheo của nữ bị cáo, ai nấy không nén khỏi tiếng thở dài. Chẳng biết, sau lần thi hành án này trở về, bị cáo có thực sự hối cải không?
Theo một chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, có khoảng 5% kẻ ăn cắp có tật ăn cắp. Tật ăn cắp thường bắt đầu trong thời niên thiếu hoặc ở độ tuổi 20, nhưng trong trường hợp hiếm hoi nó bắt đầu trong thời thơ ấu trong cuộc sống. Có thể định nghĩa: tật ăn cắp là không thể cưỡng lại các yêu cầu để ăn cắp các thứ mà không thực sự cần. Đó là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng có thể làm rối loạn cuộc sống bên ngoài nếu không được điều trị.
Tật ăn cắp là một loại rối loạn kiểm soát xung - một rối loạn trong đó không thể cưỡng lại sự cám dỗ hoặc động lực để thực hiện một hành động có hại cho bản thân hoặc người khác. Nhiều người sống cuộc sống bí mật với tật ăn cắp xấu hổ vì họ sợ tìm kiếm điều trị sức khỏe tâm thần. Không giống như ăn cắp điển hình, những người có tật ăn cắp không bị bắt buộc ăn cắp cho lợi ích cá nhân. Họ cũng không ăn cắp như một cách để trả thù.
Họ ăn cắp đơn giản chỉ vì kêu gọi mạnh mẽ rằng họ không thể chống lại nó. Điều đôn đốc này làm cho họ cảm thấy không thoải mái, lo lắng, căng thẳng hay kích thích. Để làm dịu những cảm xúc này, họ ăn cắp. Trong thời gian trộm cắp, họ cảm thấy thoải mái và hài lòng. Sau đó, mặc dù, họ cảm thấy có lỗi rất lớn, hối hận, ghê tởm bản thân và sợ bị bắt. Nhưng trở lại, và các chu kỳ tật ăn cắp lặp lại.
Mặc dù sợ hãi, hoặc xấu hổ có thể gây khó khăn để tìm kiếm sự điều trị cho tật ăn cắp, điều quan trọng là có được giúp đỡ không. Tật ăn cắp là rất khó khăn để tự vượt qua. Điều trị thường bao gồm thuốc và tâm lý trị liệu cùng với các nhóm tự giúp đỡ. Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn điều trị tật ăn cắp và nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng để hiểu những gì có thể hiệu quả tốt nhất.