Nơi mùa Xuân bắt đầu

Vũ Thị Huyền Trang

Trước nhà tôi là một vườn cây rất rộng, chim chóc ríu ran suốt ngày, mùa nào chim ấy. Tôi vẫn thường nhìn thấy một cảnh tượng rất xúc động, ấy là khi cả buổi chiều ông nội tôi đứng ngóng lên những tổ chim đã bỏ. Tôi không thật hiểu những cảm xúc trong ông lúc ấy, nhưng vào những buổi chiều cuối năm ông vẫn nhìn ra chân trời xa tắp và kể cho tôi nghe câu chuyện về bà. Khi câu chuyện kết thúc cũng là lúc ông phóng sinh những con chim nhỏ. Tôi biết chính lúc ấy mùa xuân đã bắt đầu.

 Bà nội mất đã được gần ba mươi năm, khi ấy còn chưa có sự hiện diện của tôi trên cuộc đời này. Ngày ông đi bộ đội bà không dám ra ngoài xã để tiễn ông. Trong khi người phụ nữ nào đi tiễn chồng cũng khóc thì ông chỉ thấy bà cười. Bà bảo nhất định là ông sẽ tránh được hòn tên mũi đạn để trở về. Nhưng ông biết mấy đêm trước đó, bà bỏ ra ngoài vườn cau khóc một mình. Ông theo đoàn quân Nam tiến, mỗi tuần nhận được một bức thư từ quê nhà và cũng viết vội một bức thư để hồi âm cho bà mừng. Khi hành quân vào đánh trận ở đường chín Nam Lào, ông mất liên lạc với gia đình,  biền biệt gần một năm trời.

Ngày ông được đơn vị cho về phép, bà chạy ngã sấp ngã ngửa ra đón ông ở sân đình. Bà bảo:

-Tưởng anh hy sinh rồi không về được với mẹ con em nữa. Thằng cả nó mong anh khóc mọng hai con mắt.

Ông về phép được vài ngày, thấy bà vất vả ngược xuôi lo cho chồng con, đầu tắt mặt tối suốt ngày. Ông bảo:

-Lúc ấy ông chỉ mong sao cho chiến tranh kết thúc thật nhanh, để ông về bên bà bù đắp lại những tháng ngày xa cách. Bà cháu ở nhà còn vất vả hơn ông đi giữa hòn tên mũi đạn ở chiến trường.

Lần về phép ấy được ít lâu thì bà viết thư vào chiến trường báo với ông rằng bà mang thai cô út. Khi ấy trận đánh vào lúc ác liệt nhất, đã mấy lần bị thương, trong cả cơn mơ ông vẫn nghĩ mình nhất định phải sống để trở về bên bà và mấy đứa con.

Chiến tranh kết thúc, ông trở về thì cô út cũng đã lớn rồi. Trong những buổi chiều cuối năm khi nhìn về phía chân trời tít tắp, ông nói vẫn nhớ như in ngày trở về thấy bà đã già đi rất nhiều. Trên khuôn mặt ấy hằn rõ những khó khăn vất vả của ngần ấy năm trời một mình ở nhà ngóng chồng, nuôi con.  Ông về nhà được ít ngày rồi lại về đơn vị. Từng ấy những năm ông làm bộ đội chuyên nghiệp, một năm chỉ được về thăm nhà vài ba lần. Bà chăm ông như chăm một người khách quý lâu ngày mới ghé thăm. Hầu như tất cả những khó khăn, nỗi buồn bà đều giấu kín. Thi thoảng ông sang thăm hàng xóm thì chuyện trong gia đình mới đến tai ông.

Ngày bố tôi đánh nhau bị trường đuổi học. Bà vẫn không điện lên gọi ông về, may nhờ bà con chòm xóm báo cho ông. Ông về đến nơi thì bà đã chạy cho bố tôi vào học trong một trường cách xa nhà mấy chục cây số. Ông hỏi:

-Sao việc lớn thế mà mình không báo cho tôi?

Bà bảo:

-Tại em sợ vì con mà ảnh hưởng đến công việc của anh. Chả phải người ta đang cân nhắc để thăng cấp cho anh đấy sao.

Bà nói rồi bà khóc. Sau này khi kể lại cho tôi, mắt ông như ầng ậc một nỗi buồn không vơi nổi. Những lúc ấy tôi hay nghĩ ngợi về tình yêu, về nghĩa vợ chồng giữa thế hệ của ông và thế hệ của chúng tôi. Nó dường như có một cái gì đó hơi khác nhau nhưng ông thì luôn bảo:

-Cháu gái ông mới lớn lên mà đã hoài nghi về tình yêu ư? Rồi cháu sẽ tìm thấy tình yêu của mình thôi, khi ấy cháu sẽ hiểu.

Tôi không mấy quan tâm đến điều đó nhưng tôi hay mong chờ mùa xuân, như thể mong chờ một cái gì đó đã thành một thói quen khó bỏ. Dù mỗi một mùa xuân đến mắt ông tôi cũng mờ hơn, đôi tay run run, nỗi buồn cũng nhiều hơn một tuổi. Những khi ngồi cả buổi chiều ngoài khu vườn rộng để nghe ông kể chuyện về bà, thấy cuộc đời ấm áp hơn rất nhiều. Thấy 365 ngày qua chẳng có gì đáng để vướng bận cõi lòng. Trên những vòm lá rất nhiều loài chim bay về ríu rít, thi thoảng một vài chiếc lá khô rơi đánh động cả buổi chiều bảng lảng sương. Cái cảm giác ấy không khi nào tôi tìm kiếm được ở một nơi khác mảnh vườn của nội.

* * *

Ông tôi không có thói quen nuôi chim. Ông bảo:

-Loài vật cũng như con người vậy. Chẳng có gì bằng tự do, huống chi trời lại ban cho loài chim đôi cánh.

Có thể tôi không thật hiểu những điều ông nói, vì thế hệ những người lính đã từng vào sinh ra tử như ông hẳn phải hiểu cái hạnh phúc của tự do hơn chúng tôi nhiều lắm. Nhưng từ bé mấy anh em chúng tôi cũng không bao giờ đi bắn chim như lũ trẻ con trong xóm.

Ở quê tôi cứ gần Tết là chợ phiên bán rất nhiều chim. Không hiểu người ta bắt đâu được nhiều chim như thế và bán chim vào những ngày ấy để làm gì nữa. Có người thì bảo bán cho người giàu mua về để Tết trong nhà có tiếng chim níu chân khách thêm lâu. Có người lại bảo họ bán chim cho những tay phàm ăn tục uống, có tiền, thèm thay đổi khẩu vị trong ba ngày Tết toàn thịt thà chán ngấy. Cứ chiều ba mươi Tết, ông lại bảo tôi đèo lên phố huyện mua tất cả những chú chim gãy lông gãy cánh mà không một ai mua. Những chú chim ấy trước đêm giao thừa ông sẽ thả chúng cho bay về thế giới của bà. Tôi hỏi:

-Thế giới ấy có xa không ông?

Ông chỉ tay về phía con sông Hồng mùa cạn nước. Tôi biết chính nơi ấy bà tôi đã ra đi vào một ngày lũ lớn. Ông kể năm ấy là năm duy nhất mà tháng cuối năm lại mưa to đến vậy. Mưa xối xả trắng trời, mưa như thể cả chục năm rồi hạn hán. Nước con sông Hồng dâng cao, thuyền đò đi qua rất ít. Năm ấy ông phải ở lại đơn vị để trực, bà hớt hải sang sông chỉ để sang nhà bà con mua cho ông mấy lạng thuốc lào Tiên Lãng Hải Phòng. Bà định sẽ gửi lên đơn vị làm quà Tết. Nhưng con đò chưa kịp đưa bà sang bờ bên kia thì đã bị hút xuống xoáy nước, lật đò. Năm ấy trong làng có ba đám tang vào đúng ngày mồng một Tết. Ông tôi vội vã từ đơn vị về thì bà tôi đã ra đi vào một thế giới xa xôi.

Từ bấy đến giờ năm nào cứ giáp Tết là nước sông Hồng lại cạn. Có đôi lúc tôi giật mình khi nghĩ đến một năm nào đó trời lại mưa như trút nước. Cầu trời đừng ai sang sông vào những ngày lũ lớn. Ông tôi bảo nếu nước sông Hồng dâng cao ông sẽ ra thắp hương cho bà và rắc bột bồ kết quanh sông. Ngày xưa lúc yêu nhau ông vẫn thường hái bồ kết mang về giã nhỏ cho bà gội đầu. Hương bồ kết thường thơm lâu lắm.

* * *

Quê tôi càng ngày càng thay đổi nhiều. Quốc lộ chạy qua, người dân ùn ùn bán đất xây nhà. Nhưng bố mẹ tôi vẫn để lại mảnh vườn rộng cho ông khuây khỏa tuổi già. Tất cả những cây lâu năm trong vườn hầu như đều do tay bà nội trồng. Những gốc hồng già cỗi mùa này  rụng lá khá nhiều, nhưng những mầm xanh đã bắt đầu nhú lên chỉ độ mươi hôm nữa là mơn mởn lá. Hàng mít mùa nào cũng sai lúc lỉu, mẹ tôi thường hái mang tặng xóm giềng bảo là lộc của bà.

Khu vườn này đã gắn bó với tôi từ thuở nhỏ, những khi mấy anh em rủ nhau ra bán đồ hàng rồi ngủ quên dưới tán lá rợp mát lúc nào không biết. Trong những giấc mơ trưa ấy tôi đã gặp một bà cụ rất hiền từ, bao giờ bà cũng mỉm cười và ôm tôi vào lòng vỗ về. Tôi cứ nghĩ đó là bà tiên trong câu chuyện cổ tích mà cô tôi vẫn thường hay kể. Nhưng tôi kịp lớn lên để nghĩ đó là bà thì không còn những giấc mơ êm đẹp ấy. Đã rất nhiều buổi trưa hè, tôi từ trường về thăm nhà rồi ra chiếc chõng tre nằm ngủ. Vẫn cái cảm giác bình yên, thanh thản ấy nhưng không còn hình bóng thân quen nữa. Nhiều khi tôi chạnh lòng buồn.

Dù không một ngày nào được bà bế ẵm, nhưng tôi luôn có cái cảm giác giữa bà và tôi có một thứ linh cảm rất gần gũi. Như lúc nào bà cũng ở ngay bên tôi vậy. Cũng có thể là vì những câu chuyện về bà mà ông đã kể cho tôi.

Từ khi ông về hưu thì hầu như tất cả quỹ thời gian trong ngày ông đều quanh quẩn ngoài vườn tược và chơi với các cháu. Bố tôi bảo:

-Ông nghỉ ngơi cho khỏe, mặc kệ lũ trẻ, làm sao mà ông có thể theo chúng từ sáng đến chiều.

Ông cười:

-Ngày trước bố đã chẳng chăm bẵm được chúng mày thì về già chăm cháu cho đỡ tủi.

Ông nói mà mắt lại đỏ hoe, con chim quốc quốc ngoài vườn kêu lên mấy tiếng rồi im bặt. Ông lại lụi cụi ra vườn. Tôi hỏi bâng quơ:

-Có phải bà vừa gọi ông không nhỉ?

Thấy tiếng bố thở dài nặng nhọc. Nhìn ra ngoài vườn ông vẫn cặm cụi chăm chăm, tưới tưới.

 Tết năm nay mẹ bảo sẽ chở ông lên chợ huyện mua chim sớm hơn kẻo sợ gần Tết trời lại lất phất mưa, đường lầy lội mà rét buốt tội ông. Nhưng ông bảo cứ để đến chiều ba mươi, những con chim xấu nhất bị gãy cánh không ai mua làm cảnh, thì thể nào chủ nó cũng mang về làm thịt. Thế nên ông phải đi mua về để phóng sinh.

Ông bảo nhìn những chú chim bay tự do trên vòm lá thật hạnh phúc biết bao. Hạnh phúc hơn là nắm chúng trong tay thật chặt mà chẳng nghe thấy một tiếng  hót nào. Khi nhìn trong khu vườn của mình, tôi nhìn thấy mùa xuân đang nảy mầm trên những thân cây đã thay áo mới. Dù bà tôi đã đi xa gần ba mươi năm trời nhưng tình yêu của bà với gia đình như mãi còn ở lại nơi đây.

Khi bố tôi sắp mâm cúng giao thừa ngoài mảnh sân chênh vênh, ông tôi run run mở từng chiếc cửa lồng cho những chú chim gãy cánh được ông cho ăn bữa cơm nóng buổi chiều. Chúng ngỡ ngàng bay ra ngoài bầu trời rộng lớn kia trong vết thương quá khứ. Trong giây phút ấy tôi tưởng như bà cũng trở về bên gia đình, bà mỉm cười rồi bay theo những cánh chim trời. Tôi thường đứng giữa sân hít căng lồng ngực bầu không khí vừa bình yên vừa thiêng liêng. Tôi biết chính trong giây phút ấy mùa xuân đã bắt đầu.

Đọc thêm