Nơi nâng cánh những giấc mơ...

Có những lớp học nghệ thuật, học sinh chỉ đi chân trần, mặc áo vá, những em khác thì bị khiếm thị, dị tật ở tay, chân. Dù không giày múa, không quần áo nghệ thuật, nhưng cả cô và trò đều rất hào hứng bởi có chung một niềm đam mê

Có những lớp học nghệ thuật, học sinh chỉ đi chân trần, mặc áo vá, những em khác thì bị khiếm thị, dị tật ở tay, chân. Dù không giày múa, không quần áo nghệ thuật, nhưng cả cô và trò đều rất hào hứng bởi có chung một niềm đam mê.

Có một nơi như thế…

Mô tả ảnh.
Lớp học múa của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Anh thu hút rất đông các em tham gia.

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Nghệ thuật Tình thương Đà Nẵng ở cuối con hẻm ngoằn ngoèo ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn giữa lúc các em đang học múa. Trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng, những ánh mắt ngây thơ sáng bừng niềm vui sướng với những động tác uyển chuyển. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Anh cho biết: “Các em học siêng năng lắm. Có những hôm trời mưa, lớp học cũng không thiếu một em nào. Nhiều em tỏ ra rất có năng khiếu về bộ môn nghệ thuật này như bé Kim Ngân, bé Lan…”.

Gắn bó với lớp học đã 4 năm nay, dù nhà khá xa trung tâm nhưng một tuần hai buổi, chị vẫn miệt mài đến lớp dạy múa cho các em. “Thấy các em mê quá, tôi cũng phải cố gắng. Nhiều hôm trời mưa to nhưng nghĩ các em phải chờ, thế là lại dắt xe, mặc áo mưa và… lên đường” - chị Anh tâm sự. Với mức lương 800 ngàn đồng/tháng, trừ chi phí đi lại cũng không còn được bao nhiêu nhưng chị vẫn gắn bó với công việc mà theo chị là cái “duyên”. Nhiều lúc các em đi học mà không có người đón về, vậy là các thầy cô lại phải chở học sinh về nhà.

Lắc lắc mái tóc hoe vàng vì cháy nắng, cô bé Nguyễn Thị Kim Ngân (đang học lớp 5, Trường tiểu học Trần Quang Diệu) nói: “Con rất thích học múa, con đã học được hai năm rồi, sau này con mơ ước được làm diễn viên múa hoặc nhà thiết kế thời trang”. Được biết, nhà Ngân rất nghèo, mẹ và bố đều làm phụ hồ. Các em đến đây, mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều rất ham học và được học miễn phí hoàn toàn. Từ trung tâm này, đã có khá nhiều em trưởng thành và thi đỗ vào các trường nghệ thuật trên cả nước. Chẳng hạn như em Đỗ Quốc Thiên, nhà nghèo, cha mẹ ly thân, được sự dìu dắt của các thầy cô trong trung tâm em đã đậu lớp thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội. Hay như em Đinh Thị Thu Dung, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng đã đậu vào lớp đàn tranh ở Huế.

Cần những tấm lòng rộng mở

Mô tả ảnh.
Em Đinh Thị Lan (trái) và bạn trong đội nghệ thuật khuyết tật của trung tâm đang ôn lại bài hát trước lúc biểu diễn.

Trung tâm Nghệ thuật Tình thương Đà Nẵng là nơi theo dõi, phát hiện, thu hút và đào tạo những em có năng khiếu hoặc có niềm đam mê về nghệ thuật nhưng hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khiếm thị, tật nguyền, di chứng chiến tranh… Gọi là “trung tâm” cho oai chứ thực ra chỉ có 2 cán bộ “lãnh đạo” thường xuyên túc trực và… 4 giáo viên dạy ở 4 lớp: Đàn organ, đàn tranh, hát, múa với khoảng 60 em theo học, trong đó có 12 em khuyết tật. Được NSND Tường Vy sáng lập vào năm 2000, nguồn kinh phí hoạt động của trung tâm đều phụ thuộc vào các nguồn tài trợ.

Chị Trương Ngọc Tĩnh - quản lý - bộc bạch: “Từ năm 2000 đến 2006, trung tâm có được sự tài trợ của Tổ chức Cứu tế thế giới Aog World Relief nên hoạt động được đẩy mạnh với 4 lớp nghệ thuật và nhiều lớp nghề như: May, thủ công mỹ nghệ, vi tính… 4 năm trở lại đây, vì không đủ kinh phí nên trung tâm chỉ cố gắng duy trì được những lớp học nghệ thuật, còn lớp nghề phải giải tán”. Vì kinh phí có hạn nên lương giáo viên chỉ khoảng trên dưới 800 ngàn đồng/tháng, còn cán bộ quản lý như chị Tĩnh thì cũng chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng (đó là đã qua vài lần tăng lương trong 10 năm-P.V).

Chị Tĩnh cười: “Gắn bó với trung tâm, với các em đã quá lâu nên muốn bỏ cũng không bỏ được. Hơn nữa, mình biết, để có tiền trả lương, trang trải chi phí cho trung tâm mình và hai trung tâm nữa ở Hà Nội và Quảng Nam, cô Vy đã phải rất gắng sức dù tuổi đã cao. Vì vậy, ở đây ai cũng vui vẻ làm việc, làm sao để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những đứa trẻ bất hạnh”. Hiện trung tâm chỉ có một phòng vừa học đàn, hát, múa nên các thầy cô phải chia ca ra dạy. Không chỉ thiếu thốn phương tiện dạy học, hiện nhiều hạng mục ở trung tâm cũng đã xuống cấp như: Cửa đã hoen rỉ, tường cũ, nứt… nhưng vẫn chưa có kinh phí tu sửa. Để tạo nguồn kinh phí, trung tâm thành lập đội nghệ thuật lưu động gồm 12 em khuyết tật đi diễn nhiều nơi như Quảng Nam, Đắc Lắc và các tỉnh miền Tây. Ước mong của trung tâm là làm sao có thêm nguồn tài trợ để thầy cô có thêm động lực để nâng đỡ những tâm hồn trẻ thơ bất hạnh, mong một ngày mai tươi sáng hơn.
Bài và ảnh: Phương Trà

Đọc thêm