Nổi niềm người thợ điện khi bão đi qua

(PLVN) - 12 giờ trưa, nắng bỏng người, anh em thợ điện vẫn treo mình trên dây, mồ hôi ướt đẫm. Mưa đêm ràn rạt, gió của mùa thu vẫn không thể hong khô những giọt mồ hôi tí tách rơi trên từng gương mặt sạm màu nắng. Giữa muôn vàn tiếng côn trùng rả rích, là tiếng bộ đàm í ới gọi nhau. Tất cả dồn hết tâm sức, không kể ngày đêm, chỉ mong nhanh chóng xử lý sự cố, giữ vững nguồn sáng phục vụ nhân dân sau khi cơn bão số 5 quét qua Thừa Thiên - Huế.
Những "người lính áo cam" nghỉ chân lót dạ trước khi "chiến đấu" tiếp.
Những "người lính áo cam" nghỉ chân lót dạ trước khi "chiến đấu" tiếp.

Khi cơn bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, mang theo những cơn gió rít mạnh như muốn cuốn đi cả những công trình kiên cố nhất nhất, như nét bút khắc nỗi nhọc nhằn của người thợ điện nơi đây.

Tuy vậy, với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, những "người lính áo cam" gạt bỏ đi những khó nhọc để giữ vững nguồn sáng phục vụ nhân dân.

Thời tiết miền Trung vốn khắc nghiệt, mùa hè nắng cháy da, mùa mưa lại bão lũ triền miên. Dân nơi đây vốn đã quen với thời tiết khắc nghiệt, nên mỗi mùa bão lũ ùa về, họ đều ở trong tâm thế “sẵn sàng đón địch”.

Đối với những người đang công tác trong ngành điện lực, đây cũng là mùa vất vả nhất. Ngoài những công việc thường xuyên là tăng cường kiểm tra lưới điện, phát quang hành lang tuyến, còn phối hợp vận động người dân cắt tỉa cây cối, diễn tập phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Trong tâm thế chủ động đó, sáng 18/9, cơn bão bất ngờ đến sớm hơn dự kiến. Khi nhà nhà đang tránh bão trong nỗi kinh hoàng và lo sợ tột độ, những “người lính áo cam” luôn “trực chiến” 24/24 tại đơn vị, sẵn sàng và cập nhật tình hình thiên tai từng giờ từng phút.

Mặc dù đã được chuẩn bị rất kỹ càng nhưng với sức công phá của tâm bão, chỉ trong tầm nửa giờ đồng hồ, bão đã gây tốc mái nhiều nhà dân, hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường bị ngã, đỗ. Ngành điện tỉnh nhà cũng chịu hậu quả nặng nề, cột điện gãy đổ gây sự cố điện nghiêm trọng, thiệt hại ước tính 11,4 tỷ đồng

"Tổng lực" xuyên đêm xử lý sự cố điện
"Tổng lực" xuyên đêm xử lý sự cố điện 

CBCNV Công ty Điện lực nơi đây cũng chịu nhiều hậu quả do bão, nhiều nhà tốc mái, gãy cây cối... Khó khăn chất chồng thêm khó khăn, nhưng gác lại những công việc cá nhân, họ đã ưu tiên việc xử lý sự cố để cung cấp điện trở lại cho người dân tỉnh nhà.

Đó là những đêm không ngủ, làm việc hết sức mình không kể ngày đêm để mang lại nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất và nhu cầu thiết yếu cho nhân dân. Chuyện xử lý sự cố lưới điện do thiên tai là một công việc thường xuyên của thợ điện miền Trung.

Tuy nhiên, lúc bão vừa tan; ngành điện lực ngay lập tức huy động tổng lực trên 500 CBCNV để đánh giá nhanh thiệt hại, lên phương án và tiến hành việc xử lý sự cố.

Sau bão, điện lực xử lý mái tôn vắt ngang đường dây điện
Sau bão, điện lực xử lý mái tôn vắt ngang đường dây điện  

Trong phút chốc cả thành phố tan hoang. Anh em công nhân chia nhau xử lý sự cố trên từng cung đường, đó là những ngày chiến đấu không biết mệt mỏi. Cột điện nghiêng, gãy đổ, dây điện đứt ngổn ngang trên nhiều nơi bước chân đi qua, tất cả đã trở thành máu thịt của anh em ngành điện. Nhìn đâu cũng thấy đau, thấy xót. Nhưng những công nhân ngành điện tâm niệm: "còn sức người, còn sự quyết tâm, sẽ vực dậy được tất cả".

Với hành trang là sự cổ vũ, trông ngóng có điện của nhân dân, anh em công nhân đã xông pha trên mọi nẻo đường. Thiệt hại cơn bão mang lại quá tàn khốc, vì vậy, "cung cấp điện là nhu cầu thiết yếu là tiền đề khắc phục những hậu quả còn lại. Có điện, có ánh sáng là có thêm động lực và sẽ có niềm tin hy vọng" là tâm tư của những người ngày đêm đau đáu với công việc mang nguồn sáng đến cho từng người dân.

 
Những công nhân ngành điện không mong công việc bớt vất vả, chỉ mong rằng có đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn.
 Những công nhân ngành điện không mong công việc bớt vất vả, chỉ mong rằng có đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn.

Những ngày sau cơn bão đi qua là những ngày vất vả vô cùng. Giữa nắng mưa luân phiên không ngừng nghĩ, anh em vẫn lặng lẽ “đánh đu” trên các cột trụ. Những bữa cơm dã chiến vội vã ngay bên cạnh những trụ điện gãy ngổn ngang.

Những trưa nằm chơ vơ giữa đồng nghĩ lấy sức trong những ngày tăng ca liên tục. Rồi những đêm mưa rả rích, gió đồng lạnh thấu xương nhưng mồ hôi vẫn thấm ướt từng lưng áo.

Những khuôn mặt như xạm đen hơn vì nắng gió, những bàn tay như chai sạn hơn, những bộ đồng phục bảo hộ lao động cứ mãi lấm lem bùn đất, nhưng sự mệt nhọc không ngăn được niềm vui tràn ra khóe mắt.

Niềm vui lớn nhất mà cũng giản dị nhất chính là những tiếng reo hò “Có điện rồi” cùng sự hân hoan bừng sáng của những vùng quê, những con đường mà họ đi qua.

Nhìn niềm vui tràn ngập trên gương mặt những người dân khi ánh điện bừng sáng, những tiếng cảm ơn chân thành được thốt ra từ tận đáy lòng, khiến bao nhọc nhằn như bay hết.

Những chia sẻ, cảm thông, động viên từ người dân chính là niềm vui lớn nhất đối với công nhân ngành điện. Đó là động lực để họ cố gắng hơn nữa trong công việc, và cũng khiến họ tự hào hơn về công việc của mình. 

 
Người dân làng Phụ Ổ (phường Hương Chũ, thị xã Hương Trà) giúp Điện lực xử lý đường dây
 Người dân làng Phụ Ổ (phường Hương Chũ, thị xã Hương Trà) giúp Điện lực xử lý đường dây

Cơn bão đi qua, trời lại nắng lên, cuộc sống lại tiếp tục những vòng quay vốn có. Điện lại bừng sáng trên từng con đường, từng thôn xóm, từng căn nhà nhỏ. Những “người lính áo cam” lại trở về với vòng tay chờ đón của gia đình, mọi vất vả dường như tan biến.

Nghề nghiệp nào cũng cao quý và cũng có những vất vả riêng, với niềm tự hào là những người con của ngành điện, họ chấp nhận có nhiều lúc “căng thẳng như một sợi dây đàn”, để “tạo được những thanh âm kỳ diệu” khi dòng điện về!

Đọc thêm