Nỗi niềm thiếu nữ sống như mồ côi sau một phiên tòa

Nhi nói, em từng dự một phiên toà buồn nhất trên đời, đó là phiên toà ly hôn giữa cha mẹ em. Khác với những phiên xử ly hôn mà người ta thường thấy trên phim, cả hai vợ chồng quyết liệt giành nhau quyền nuôi con, còn cha mẹ em thì ai cũng tìm mọi cách để "nhường" em về phía người kia.

Nhi nói, em từng dự một phiên toà buồn nhất trên đời, đó là phiên toà ly hôn giữa cha mẹ em. Khác với những phiên xử ly hôn mà người ta thường thấy trên phim, cả hai vợ chồng quyết liệt giành nhau quyền nuôi con, còn cha mẹ em thì ai cũng tìm mọi cách để "nhường" em về phía người kia.

Em tên Nguyễn Hạnh Nhi, năm nay em đã 21 tuổi, làm việc tại một trung tâm bảo trợ xã hội TP HCM. Phiên toà xử vụ ly hôn của cha mẹ em năm em mới 14 tuổi. Nhi còn nhớ như in, hôm đó, em được bà ngoại mặc cho cái đầm mới màu xanh, thắt cái nơ hồng trên đầu.

Trước khi đến toà, có mấy người hàng xóm còn khen em xinh, và bà ngoại Nhi thì làu bàu nói: "Để coi nhìn con bé thấy cưng như vậy vợ chồng nó có nghĩ lại không?".

Thế mà, ba mẹ Nhi hoàn toàn chẳng hề liếc mắt đến bộ đầm, cái nơ xinh xắn lẫn cái vẻ "thấy cưng" của em. Họ hoàn toàn bận rộn với những suy nghĩ, toan tính trong tâm, làm thế nào để thắng thế đối phương, làm thế nào để mình có lợi nhất. Họ thậm chí chẳng thèm nhìn con gái, mặc dầu đã hơn một tuần Nhi về nhà ngoại ở, không được gặp cha mẹ.

Như đã có sự thoả thuận từ trước, cha mẹ Nhi rất đồng thuận trong ý định ly hôn. Họ kể xấu nhau hết lời hết lẽ, và đều khẳng định như đinh đóng cột là không cần hoà giải gì cả, họ không còn chịu đựng được nhau nữa.

Sống trong một gia đình mà cha mẹ đã bất hoà từ lâu, những trận cãi vã, sóng gió triền miền đã khiến Nhi sớm trở thành cô bé già trước tuổi. Không như những đứa trẻ khác, ngây thơ không biết điều gì sẽ xảy đến với mình khi cuộc hôn nhân của cha mẹ tan vỡ.

Nhưng, có lẽ không điều gì đáng sợ hơn với một bé gái 14 tuổi, phải nghe toà phân xử mình sẽ sống với cha hay với mẹ. Khi vị chủ toạ phiên toà hỏi cha mẹ Nhi, ai có nguyện vọng nuôi con. Trái với suy nghĩ của mọi người, cả hai đều đột nhiên... im lặng. Sau đó, người vợ lên tiếng trước: Anh lấy cái nhà, nên anh nuôi con đi. Tôi bây giờ lang bạt buôn bán xuyên Nam- Bắc, làm sao mà nuôi nó?.

Tức thì, người chồng trả lời: Tôi sắp được phân công đi tỉnh công tác dài kỳ, rồi công việc mới sẽ đi đi về về các tỉnh thường xuyên, làm sao có thời giờ chăm con được?. Cô là mẹ, chăm sóc con tốt hơn tôi, cô nuôi đi.

Mẹ Nhi tức giận bảo: Sao lúc sống chung, anh luôn nói tôi là người vợ tệ hại, người mẹ tồi, mà bây giờ anh lại bảo tôi là mẹ nuôi con tốt hơn?. Hay là anh sợ con nó vướng chân anh khi anh cặp bồ với "con" kế toán?.

Cha Nhi cũng tức giận không kém, ông cho rằng vợ mình từ chối không nuôi con là vì muốn sống với gã tài xế tình nhân của bà.

Cuộc cãi vã càng lúc càng gay gắt, không ai chịu nhường ai, đến nỗi vị chủ toạ phải lên tiếng cảnh cáo họ. Cha Nhi nổi nóng và nói rằng, ông không muốn nuôi con vì cho rằng... Nhi không phải là con ông, vì từ lúc lấy ông về mẹ Nhi vẫn là người đàn bà lăng loàn và liên tục ngoại tình.

Câu nói khiến cô bé Nhi khóc nấc lên và cả phiên toà xôn xao. Rồi bà ngoại Nhi đứng lên, xin phép nhận nuôi cháu, dù bà đã già yếu. Khi toà hỏi đến Nhi, rằng cháu muốn theo mẹ hay theo cha, Nhi đã khóc một lúc và rụt rè trả lời: Cho con sống với... bà ngoại.

Rút cục, Nhi vẫn được giao cho mẹ nuôi nấng vì điều kiện của mẹ Nhi đảm bảo tốt cho đời sống của Nhi hơn, và cha Nhi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến lúc Nhi 18 tuổi. Nhưng, mặc cho lời phân xử, sau phiên toà, Nhi tiếp tục về căn nhà vườn ở ngoại ô thành phố để sống với ngoại. Còn cha Nhi không thèm hỏi han đến con gái, ông trở về, bán nhà và chuyển ra Bắc sinh sống.

Sau đó, Nhi có nghe nói ông ra nước ngoài định cư bằng cách kết hôn giả, rồi biệt tăm. Mẹ Nhi cũng chẳng mấy khi ngó ngàng tới Nhi, bà cùng người tình là tài xế xe tải miệt mài trên những chuyến buôn đường dài.

Rồi mẹ Nhi chuyển về Cần Thơ sống, bà có thêm em bé, và Nhi hầu như bị lãng quên, đứng ngoài rìa cuộc sống của mẹ ruột mình. Vẫn còn chút may mắn là trước khi đi nước ngoài cha Nhi có chuyển cho em một số tiền kha khá coi như "cấp dưỡng một lần", và mẹ em vẫn thi thoảng gửi tiền vào tài khoản của em, nên Nhi và bà ngoại vẫn đủ tiền để sống ổn định.

Không có sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, bà ngoại chính là người mẹ thứ hai nuôi dạy Nhi nên người. Chính bà cũng không cho Nhi bỏ học những lúc cô bé tuyệt vọng, chán đời nhất.

Năm ngoái, khi bà mất, Nhi đã xin vào làm ở trung tâm bảo trợ xã hội vì theo Nhi, chỉ có ở đó, với việc chăm sóc người già neo đơn mới làm em vơi bớt nỗi cô đơn dằng dặc của một đứa trẻ không còn người thân thích trên đời, dù cha mẹ vẫn còn sống đâu đó.

"Em mong rằng, sẽ không có đứa trẻ nào phải chịu sự tổn thương như em. Đã 6 năm trôi qua, nhưng em vẫn chưa bao giờ quên được phiên toà năm ấy. Những lời cha mẹ nói khi nhường nhau không chịu nuôi em, đến bây giờ lâu lâu vẫn quay trở lại trong tâm trí, khiến em thấy nhói lòng.

Nếu sau này lập gia đình, có con cái, em sẽ cố gắng giữ gìn mái ấm của mình, không để nó tan vỡ. Còn nếu như số phận bắt buộc phải chia ly, thì em sẽ không bao giờ để con em phải chứng kiến cảnh cha mẹ không chịu nhận mình như vậy. Dù nghèo khổ thế nào, em vẫn ở bên con em và nuôi nấng nó bằng cả tình thương yêu của mình", Nhi ngậm ngùi chia sẻ.

Trân Trân

Đọc thêm