Nỗi niềm vợ cả

"Sẽ chẳng có người phụ nữ nào mong muốn ngôi vị "vợ cả", bởi như thế có nghĩa là sống chấp nhận cảnh chồng chung. Thế nhưng dù muốn hay không tôi vẫn buộc phải âm thầm đảm nhận vị trí đó nếu không muốn sống cảnh không chồng, không của cải cùng với một tương lai mù mịt..."
"Sẽ chẳng có người phụ nữ nào mong muốn ngôi vị "vợ cả", bởi như thế có nghĩa là sống chấp nhận cảnh chồng chung. Thế nhưng dù muốn hay không tôi vẫn buộc phải âm thầm đảm nhận vị trí đó nếu không muốn sống cảnh không chồng, không của cải cùng với một tương lai mù mịt..."

Người vợ "điếc"

Chị bảo mình là người phụ nữ bất hạnh đúng nghĩa từ lúc lọt lòng cho đến tận bây giờ. Theo ký ức thì chị sinh ra tại một vùng quê tận Lâm Đồng. Đó là thời kinh tế mới, mẹ chị vốn là công nhân lâm trường lỡ thì đã cố tình xin một đứa con của người đàn ông đưa gia đình vào đây làm kinh tế. Sau này lớn lên nghe người ta kể lại thì khi chị chưa đầy hai tuổi, mẹ chị đột ngột qua đời.

Người cha bí mật kia đã không đến nhận đứa con rơi nên chị được một gia đình hiếm muộn đưa về nuôi. Nhưng hình như số chị luôn phải chịu cảnh không có người thân, sống với bố mẹ nuôi được mấy năm thì họ cũng ra đi trong một tai nạn. Lúc bấy giờ chị gần lên 10 có thể tự đi làm mướn để kiếm cơm qua ngày. Chị ở đợ hết cho gia đình này đến gia đình khác, tự nuôi mình lớn lên. 

Đến tuổi dậy thì, chị bị ông chủ cưỡng hiếp có thai. Bà chủ vì không muốn tiếng lan xấu ra ảnh hưởng đến địa vị và công việc của hai vợ cồng lúc bấy giờ đã âm thầm đưa chị đi phá thai. Sau khi giải quyết hậu quả cho chị, bà chủ đưa một số tiền bảo đi thật xa để làm lại cuộc đời. Lúc bấy giờ chị hoang mang không biết nên đi về đâu mà sống vì không người thân, không họ hàng.

Mô tả ảnh.

Theo lời mách của mấy chủ vườn cà phê, chị ra đường 1 bắt xe ra Bắc để tìm cho mình một cuộc sống mới. Lạ nước lạ cái, công việc duy nhất của chị từ trước tới giờ là làm thuê. Tiền công rẻ mạt cũng chỉ đủ cho chị ba bữa qua ngày.

Thế rồi như một giấc mơ khi chị gặp người đàn ông ấy. Chính mẹ chồng chị bấy giờ là người đã đưa chị thoát khỏi kiếp làm thuê làm mướn. Khi nghe chị kể về hoàn cảnh của mình, bà đưa chị về cho phụ bán hàng cùng mình. Bà có đứa con trai lớn tuổi nhưng chẳng hiểu sao không chịu lấy vợ. Khi chồng bà qua đời cứ dặn đi dặn lại bà ở lại bằng mọi giá lấy vợ cho con trai, thực hiện nghĩa vụ nối dõi tông đường.

Bởi dòng họ chồng bà từ trước đến nay đều độc đinh nên không thể san sẻ nhiệm vụ ấy cho ai được. Con trai nhút nhát, ít giao tiếp nên việc tìm vợ rất khó khăn. Bà cũng đã tìm mai mối nhưng giới thiệu cô nào cũng không thành, người thì con trai bà không ưng, kẻ thì chê anh chàng gia trưởng, cổ hủ. Vậy là qua 40 tuổi, anh con trai vẫn nằm trong tình trạng ế vợ. Thấy chị xinh đẹp lại hiền thục, bà bảo con trai cứ "cưới rồi yêu sau" cũng được. Miễn sao là sinh được cháu nối dõi. Không ngờ, anh chàng ấy lại thích cô gái mà mẹ đang cưu mang và chị trở thành con dâu bà từ đó.

Oái ăm, làm vợ gần 5 năm chị vẫn không thể sinh con. Mẹ chồng sốt ruột đưa chị đi  hết thầy lang này đến thầy lang khác nhưng vẫn không có kết quả. Một lần nghe lời chị hàng xóm, chị vào bệnh viện kiểm tra thì được bác sĩ cho biết chị không còn khả năng sinh con do lần nạo thai trước đó đã đâm thủng tử cung. Chị choáng váng nhớ lại nỗi đau đầu đời của mình. Biết rõ nhưng chị không thể mở lời với mẹ chồng. Từ đó chị trở thành người vợ bị "điếc" trong sự đàm tiếu, thậm chí là ghẻ lạnh của mẹ chồng.

Muốn có hạnh phúc phải làm vợ cả

Sau mấy năm chạy chữa vẫn không có kết quả, mẹ chồng chị bắt đầu đánh tiếng cho con trai đi tìm "vợ lẽ". Bà thẳng thắn nói với con dâu nhiệm vụ có con để duy trì nòi giống là bất khả kháng đối với con trai bà. Vì thế nếu không muốn ly hôn thì chị phải chấp nhận vị trí vợ cả. Mấy năm chung sống, chị đã nảy sinh tình cảm với chồng và không muốn ra đi. Chị không muốn lặp lại cuộc sống cô quả không người thân như trước đây nên đành chấp nhận theo yêu cầu của mẹ chồng. Trong việc này, chị biết nếu có phản đối cũng khó bởi chồng chị là người đàn ông vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến, lại chịu tác động từ mẹ quá nhiều.

Chồng chị nói nếu anh có vợ bé thì chị vẫn là vợ cả, vẫn được danh chính ngôn thuận trong gia đình. Ngày trước quyền vợ cả to lắm. Chị không mong muốn cái quyền "vợ cả ăn to nói lớn", chỉ mong muốn được sống trong một gia đình hạnh phúc, được chồng yêu thương và thông cảm. Dẫu mang tư tưởng cổ hủ nhưng đời sống hiện đại không cho phép chồng chị ngang nhiên công khai cướo vợ bé về. Một ngày mẹ chồng chị dắt về một phụ nữ bảo đó là "con dâu lẽ" nhưng với người ngoài thì đó chỉ là cô cháu họ xa đến phụ giúp công việc làm ăn.

Nỗi niềm chồng chung

Cảnh vợ cả, vợ lẽ cứ âm thầm tồn tại trong gia đình chị. Từ ngày có "dâu lẽ" mẹ chồng chị hạ chỉ con dâu cả chuyển khỏi căn phòng hạnh phúc ra ngủ riêng bên ngoài, nhường lại không gian đó cho con trai và vợ lẽ thực hiện nhiệm vụ duy trì nòi giống. Biết không thể làm khác được, chị trở thành cái bóng trong cái gọi là "tổ ấm" của mình. Không lâu sau đó, cô vợ lẽ có thai. Và cũng bắt đầu từ giây phút đó chị trở thành người hầu hạ cho chồng và vợ lẽ.

Mẹ chồng bị đứa cháu nối dõi ám ảnh quá lâu nên giờ có niềm vui đó cứ như bắt được vàng. Bà càng chiều chuộng dâu lẽ bao nhiêu thì lại ghẻ lạnh dâu cả bấy nhiêu. Ngẫu nhiên bà xem chị như người giúp việc trong nhà, mọi việc lớn việc nhỏ bà đều sai chị quán xuyến.

Chị làm tất cả vơi hi vọng sau này khi đứa cháu ra đời, mẹ chồng chị thỏa niềm mong ước thì sẽ trả tất cả về đúng vị trí của nó. Theo lời bà nói thì chỉ vợ lẽ sau khi sinh cháu cho bà sẽ ra đi, chị và chồng sẽ được toàn quyền nuôi dưỡng nó lớn lên. Rằng cô vợ lẽ kia trước khi về đây đã đồng ý nhận một khoản tiền. 

Thế nhưng đứa trẻ sinh ra lại không phải là con trai như niềm mong mỏi của mẹ chồng chị. Không còn cách nào khác là vợ lẽ vẫn tiếp tục ở lại để sinh tiếp một lần nữa. Lần này mẹ chồng chị cất công thuốc thang cẩn thận với quyết tâm có cháu trai bằng mọi giá. Đứa bé gái sinh ra được bà giao hẳn cho chị nuôi dưỡng để chồng chị và vợ lẽ tiếp tục kế hoạch sinh đứa thứ hai.

Trong con mắt người ngoài, bà bảo cô cháu họ xa quá lứa lỡ thì có con ngoài giá thú nên con dâu bà nhận làm con nuôi vì không sinh được. Trẻ thơ vô tội, chị đón nhận nó yêu thương thật lòng. Mẹ chồng chị không "thiết tha" cháu gái lắm nên để mặc chị lo liệu mọi bề. Chị âm thầm làm tất cả với hi vọng trời luôn thương người tốt.

Chạy chữa mãi, vợ lẽ của chồng cũng sinh được con trai. Nhưng cô ta không rời đi như lời mẹ chồng chị nói lúc đầu. Giờ có đủ con trai con gái, cô vợ lẽ bảo nếu ra đi thì phải mang cả con theo. Tất nhiên là mẹ chồng chị sẽ không bao giờ đồng ý điều ấy. Vậy là không còn cách nào khác, bà tiếp tục vận động chị làm vợ cả đến... hết đời. Chồng chị bảo không muốn chị ra đi và cũng không có ý định bỏ chị.

Anh ta cầu xin chị hãy chấp nhận cảnh chồng chung, rằng anh ta chỉ xem vợ lẽ là vợ của hai đứa con còn tình nghĩa vẫn dành cho chị phần nhiều. Chị đắng lòng nghe chồng lý giải nhưng bước chân đi thì chị không đủ dũng cảm. Cuộc đời này đã quá sóng gió với chị, khó khăn lắm chị mới có được một gia đình nên chị không muốn rời bỏ nó. Dẫu gia đình ấy không hề toàn vẹn như ước mơ của chị.

Vậy là chị chấp nhận ở lại với vai trò vợ cả. Người ngoài đã bắt đầu nhìn thấy sự bất thường của gia đình chị nhưng hình như họ thông cảm nhiều hơn cho việc nhà chồng chị không có con cháu nối dõi nên phải làm cái việc mà pháp luật nghiêm cấm ấy. Do vậy, họ chỉ đàm tiếu một dạo rồi thôi, tiềm thức người đàn ông phải thực hiện nghĩa vụ nối dõi tông đường, đàn ông năm thê bảy thiếp đã phần nào ăn sâu trong suy nghĩ của một bộ phận nên chuyện vợ cả, vợ lẽ của chồng chị không bị ai đào bới ầm ĩ. Thậm chí có người còn bảo may mà mẹ chồng chị tinh ý kiếm vợ lẽ cho con trai không thì gia đình bà tuyệt tự từ đây.

Gọi là vợ cả cho oai chứ thật ra chị chẳng khác gì là người giúp việc trong nhà. Mọi việc lớn nhỏ đều đến tay chị, vợ lẽ của chồng chị quẩn quanh chăm sóc cho con cái. Chị âm thầm chấp nhận hi vọng chồng chị sẽ nhìn thấy điều ấy mà không bỏ quên người vợ bất hạnh. Thế nhưng, cô vợ lẽ đủ khôn ngoan để lúc nào cũng kéo mọi sự quan tâm của chồng chị về phía mình.

Chỉ riêng việc mấy đứa trẻ thôi chị cũng đã trở thành người ngoài đứng nhìn họ lo lắng, chăm sóc, bàn luận về hiện tại và tương lai của chúng. Chồng chị vô tâm đứng ngoài nỗi niềm của cô vợ cả, thỉnh thoảng vợ lẽ  no xôi chán chè thì mới đến lượt chị được anh nhớ đến một lần. Cứ như thế, chị sống và tồn tại vớt nhặt chút hạnh phúc dư thừa của người khác. Nhiều đêm nằm một mình trong phòng cô quạnh, chị muốn rời bỏ khỏi tổ ấm tạm bợ này để đỡ khổ tâm. Nhưng chị vẫn không đủ can đảm. Biết là khổ, là xót xa mà sao chị vẫn không thể bước chân ra khỏi sự bất hạnh ấy.

Lời kết

Bất hạnh, không may mắn trong quá khứ đã khiến cho một số phụ nữ chấp nhận cuộc sống mòn bên cạnh sự bất công mà lẽ ra nếu biết đấu tranh họ sẽ không gặp bất hạnh ấy. Tuy nhiên, sự mặc cảm vì một chút thua thiệt của bản thân như khiếm khuyết trên co thể, vô sinh... nên một bộ phận nữ giới đã mặc nhiên cam chịu sự thiệt thòi trong hạnh phúc. Họ xem như đó giống như một sự "chuộc lỗi", đền bù lại "mất mát" mà người chồng của mình gặp phải. Vì thế dù gặp bất công, bị ngược đãi hàng ngày, họ vẫn không dám lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi hạnh phúc của mình.

Bên cạnh đó, một bộ phận nam giới còn mang nặng tư tưởng phong kiến, chia sẻ với bạn đời của mình. Quan điểm sai lệch này cần được hai phía chồng và vợ nhìn nhận lại để hạnh phúc gia đình không bị biến tướng. Ngoài ra, hiện tượng vợ cả, vợ lẽ vẫn âm thầm tồn tại trong cuộc sống hiện đại nhưng vẫn xuất hiện tình trạng bị các cơ quan chức năng "lờ đi". Nguyên nhân là vì "gia đình không tố cáo" thì chính quyền làm sao biết mà giải quyết.

Theo Khánh Linh
Đời Sống Gia Đình

Đọc thêm