Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS 2011 đã đưa ra quy định về vấn đề xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi quyết định này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng là một vấn đề hết sức nhân văn của Pháp luật Việt Nam.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS 2011 đã đưa ra quy định về vấn đề xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi quyết định này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng là một vấn đề hết sức nhân văn của Pháp luật Việt Nam.
|
Hình minh họa |
Điều 21 Luật Tổ chức TAND chỉ quy định, Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục GĐT, tái thẩm chứ không quy định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cuối cùng. Do vậy, tại khoản 52 Điều 1 của BLTTDS 2011 đã bổ sung Chương XIX a quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Theo đó, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đương sự không biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSDNTC hoặc đề nghị của Chánh án TANDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định đó.
Luật cũng quy định rõ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành.
Luật sư Nguyễn Hằng Nga (ĐLS Hà Nội): Đề cao quyền lợi của người dân thay vì ổn định bản án! Việc “nới” thời hạn kháng nghị GĐT là cần thiết, phù hợp với thực trạng công tác giải quyết đơn khiếu nại GĐT đang quá tải như hiện nay. Thay vì tôn trọng sự ổn định của bản án (dẫu bản án đó có sai lầm) thì chúng ta hãy đặt lợi ích hợp pháp của công dân lên trên hết để khắc phục sửa sai để pháp luật thực hiện nghiêm minh, công bằng. Theo tôi cần phải quy định rõ tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là bản án có “sai lầm nghiêm trọng”. Khái niệm thế nào là bản án có sai lầm nghiêm trọng cần phải kháng nghị GĐT là vấn đề lâu nay được ngành tòa án đưa ra thảo luận rất nhiều, và cũng đã liệt kê được một số tiêu chí. Tuy nhiên, thực tế sự đánh giá thế nào là “sai lầm nghiêm trọng” vẫn phụ thuộc, bị chi phối tác động nhiều bởi ý chí chủ quan của cá nhân Thẩm phán. Thẳng thắn nhìn nhận sai lầm để sửa sai và lãnh trách nhiệm- đó mới là tính nhân văn và công bằng của luật pháp. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao cách xử lý cán bộ Thẩm phán có sai lầm, vi phạm trong việc xét xử vụ án hành chính của ông Đoàn Văn Vươn gây xôn xao dư luận vừa qua. Tôi cho rằng, pháp luật cũng cần quy định chế tài xử lý nghiêm đối với trường hợp người có thẩm quyền xét xử GĐT không đúng. |
Trước đây, BLTTDS 2004 không quy định về thời hạn để đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Điều này đã hạn chế quyền được xem xét lại bản án quyết định của Toà án theo thủ tục GĐT của đương sự.
Khắc phục vấn đề này, tại Điều 284 BLTTDS 2011 đã quy định trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền làm đơn đề nghị gửi người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định của Bộ luật để xem xét kháng nghị theo thủ tục GĐT. Bằng quy định này, BLTTDS 2011 đã “mở rộng” quyền của đương sự về việc kéo dài thời gian được khiếu nại và được giải quyết khiếu nại của cơ quan Toà án đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà đương sự cho rằng có vi phạm pháp luật.
BLTTDS 2011 còn bổ sung thêm quy định những trường hợp đơn đề nghị GĐT được kéo dài thời hạn xem xét kháng nghị, cụ thể như sau: Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị 3 năm theo quy định chung nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị: “1.Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định của pháp luật trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật và sau khi hết thời hạn kháng nghị là 03 năm đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; 2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật như: kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.”
Việc vi phạm đó xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Như vậy, đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu đương sự có đơn đề nghị và thuộc trường hợp nêu trên thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục GĐT là 5 năm. Quy định mới này của BLTTDS năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết bức xúc từ thực tiễn giải quyết khiếu nại theo thủ tục GĐT và tái thẩm của ngành tòa án.
Theo các chuyên gia, với số lượng đơn đề nghị GĐT lớn như hiện nay thì việc quy định về thời hạn giải quyết những đơn thư khiếu nại theo thủ tục GĐT trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là không thể kịp, chỉ đảm bảo về “lượng” chứ khó đảm bảo về “chất”.
Việc quy định kéo dài thời gian xem xét đơn đề nghị GĐT của đương sự sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại bức xúc kéo dài từ nhiều năm nay, và khắc phục được những bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án các cấp có sai lầm nghiêm trọng.
Công Tâm