“Nới” tiêu chuẩn diện tích, giá bán trong gói cho vay hỗ trợ nhà ở

(PLO) - Thay vì bó hẹp về diện tích và giá bán, Dự thảo Thông tư mới về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 quy định, cán bộ công chức, người lao động thu nhập thấp mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư (TT) sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết (NQ) 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ. TT được sửa đổi sau khi có NQ 61 ngày 21/8/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung NQ 02.
Một trong các nội dung sửa đổi, bổ sung của Thông tư  là ngoài 5 ngân hàng thương mại (NHTM) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Agribank, NHTM Cổ phần ĐT&PT Việt Nam - BIDV, NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam- Vietcombank, NHTM cổ phần Phát triển nhà ĐBSCL- MHB) cho vay theo chương trình này, Dự thảo bổ sung các NHTM cổ phần khác nhưng với điều kiện là do NHNN chỉ định và trong thời gian 30 ngày kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, các NHTM cổ phần có nhu cầu đăng ký tham gia có văn bản đề nghị gửi NHNN để được xem xét, chỉ định.
Một bổ sung quan trọng về đối tượng áp dụng của gói hỗ trợ này là thay vì bó hẹp với quy định về diện tích và giá bán, Dự thảo Thông tư mới quy định: “Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng”.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư mới bổ sung 2 đối tượng được vay gói hỗ trợ: vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lại nhà ở của mình, với mức cho vay không vượt quá 700.000.000 đồng đối với khách hàng.
Về thời hạn cho vay, theo quy định hiện hành, đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại tối thiểu là 10 năm, trường hợp khách hàng có nhu cầu vay dưới 10 năm thì khách hàng được thỏa thuận với ngân hàng thời hạn cho vay thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu; đối với khách hàng DN, thời hạn tối đa là 5 năm; tuy nhiên, theo Dự thảo, Ngân hàng được căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng thông qua việc phân tích dòng tiền của DN hoặc thu nhập của cá nhân, hộ gia đình để thỏa thuận mức cho vay, thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ phù hợp đối với khách hàng…
Về lãi suất, Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định hiện hành:“Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, NHNN xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm”. Tuy nhiên, thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay theo Dự thảo có sự điều chỉnh. 
Thay vì quy định  tối đa 10 năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp, nhưng không vượt quá thời điểm 01/06/2023, Dự thảo đã quy định chi tiết: Đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại, tối đa 15 năm tính từ thời điểm khách hàng được giải ngân lần đầu tiên, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2031; đối với khách hàng xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, tối đa 10 năm tính từ thời điểm khách hàng được giải ngân lần đầu tiên, nhưng không vượt quá thời điểm 01/06/2026; đối với khách hàng DN, khách hàng hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, tối đa 5 năm, tính từ thời điểm khách hàng được giải ngân lần đầu tiên, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2021. 
Dự thảo đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến, dự kiến sớm được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Dự thảo vẫn giữ quy định “NHTM nhà nước, NHTM cổ phần  do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng…”. Với tổng dư nợ tín dụng năm 2013 của 5 NHTM nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MHB là hơn 1.600.866 tỷ đồng, ước tính tăng trưởng tín dụng bình quân 12% trong năm 2014, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của 5 NHTM nhà nước vào năm 2015 sẽ tối thiểu gần 54 nghìn tỷ đồng. 

Đọc thêm