Nỗi trăn trở 29 năm của du lịch Bình Thuận

(PLVN) - 29 năm trước, Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận còn chưa nổi tiếng. Nhưng một sự kiện “trời cho” đã có tác động tích cực tới Bình Thuận mãi mãi sau này. Ngày 24/10/1995, nhật thực toàn phần diễn ra với tâm điểm cực đại nhật thực tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ở đất liền, khu vực Mũi Né (nằm trong phạm vi 3 phường Phú Hài, Hàm Tiến và Mũi Né thuộc Phan Thiết) là nơi quan sát được nhật thực với phần mặt trời bị che khuất lớn nhất.
Ảnh minh họa - ảnh báo bình thuận

Hàng trăm ngàn du khách quốc tế và trong nước đã tìm tới Mũi Né chứng kiến sự kiện thiên nhiên kỳ thú nhiều năm có một. Và mọi người cũng bất ngờ, thậm chí là bàng hoàng phát hiện ra những cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú ngày ngày ở Bình Thuận: Bờ biển 192km với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Những đồi cát trập trùng. Những hàng dừa lả lướt. Những bãi tắm sóng vỗ dịu dàng vào bờ cát mịn màng gần như hoàn hảo. “Thiên đường” biển Bình Thuận đẹp như cảnh trong một bài hát nổi tiếng: “Anh muốn được cùng em về vùng biển vắng/Mình sẽ sống những ngày hè nhiều nắng, dưới bóng dừa lả lơi…”.

Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận từ đấy không chỉ nổi tiếng là vùng biển đẹp miền Nam Việt Nam, mà còn ghi dấu trên bản đồ du lịch thế giới. Những lợi thế thiên nhiên trời ban cho biển Bình Thuận, hiếm nơi nào so sánh nổi. Nhiều năm qua, có những du khách nước ngoài vì yêu biển Bình Thuận, nên năm nào cũng quay lại, thậm chí có người nhiều tháng trong một năm đến sống bên biển Bình Thuận.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nghịch lý với địa phương này, là có thế mạnh du lịch, rất nổi tiếng về du lịch, nhưng vẫn không có Sở Du lịch. Một trong các lý do là giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào GRDP hàng năm của địa phương chưa đạt đến một con số nhất định. Nói nôm na theo ngôn ngữ dân gian, là “có tiếng nhưng chưa có miếng”.

Yếu tố “thiên tạo” đã có, nhưng để phát triển hơn nữa, còn cần phải có yếu tố “nhân tạo”. Báo cáo tại Kỳ họp thứ 24 HĐND Bình Thuận khóa XI tháng 7 vừa qua, cho thấy công tác lập, điều chỉnh các loại quy hoạch (trong đó có quy hoạch du lịch) còn kéo dài; tiến độ xây dựng, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án. Thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy, đến 17/7/2024, tỉnh còn 161 dự án chưa triển khai, chiếm tỷ lệ 9,85% tổng dự án; trong đó riêng lĩnh vực du lịch chiếm 89, có dự án kéo dài 15 - 20 năm nay. Tại một số khu vực như mũi Kê Gà, rất nhiều dự án đã hình thành, từng đi vào hoạt động, nhưng sau đó lại bỏ hoang vì nhiều lý do như chồng lấn quy hoạch khác…

Bình Thuận, các địa phương lân cận, cũng như Trung ương đã có rất nhiều động thái để thúc đẩy du lịch Bình Thuận thực sự “cất cánh”. Bình Thuận hiện đã có tổng cộng 5 khu du lịch được quy hoạch gồm: Khu du lịch quốc gia Mũi Né, Khu du lịch đảo Phú Quý, Khu Cổ Thạch - Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), Khu Tân Thuận - Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam), Khu Tân Thắng - Thắng Hải (huyện Hàm Tân). Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động. Các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với QL1A, cao tốc đã, đang thi công, hoàn thành. Cảng Hàng không Phan Thiết đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi… Tất cả nhằm kết nối mọi người đến với “thiên đường biển” Bình Thuận.

Bình Thuận đã quyết tâm thay đổi, minh chứng mới nhất là trong Quyết định 1114/QĐ-UBND mới đây phê duyệt đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch; đã xác định nguyên tắc phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên, văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch; phát triển loại hình, sản phẩm theo lộ trình… Làm được những điều đó, nhất định Bình Thuận sẽ đạt mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đọc thêm