Nóng bỏng ’đại chiến không tiếng súng’ giữa Trung Quốc và Đài Loan

Dù quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan không ngừng được cải thiện sau khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền nhưng hai bên dường như vẫn chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau và kéo theo đó là cuộc chiến tình báo ngày càng khốc liệt.
Dù quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan không ngừng được cải thiện sau khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền nhưng hai bên dường như vẫn chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau và kéo theo đó là cuộc chiến tình báo ngày càng khốc liệt. “Đài Loan và Trung Quốc đang lún sâu vào cuộc chiến không tiếng súng, đó là cuộc chiến tình báo. Về phần mình, Đài Loan cần cảnh giác hơn nữa để đảm bảo an ninh trước những mối đe dọa từ hoạt động tình báo của đối phương”, ông Wu Den-yih, quan chức cấp cao Đài Loan nhấn mạnh. Quả thực, chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc gần đây “lật mặt” được ngày càng nhiều gián điệp của đối phương, trong đó có không ít điệp viên hai mang. Vụ việc “rùm beng” mới nhất liên quan đến quan chức quân sự thuộc Cục tình báo quân đội Đài Loan (MIB) Lo Chi-cheng. Đại tá này được giao nhiệm vụ xây dựng mạng lưới tình báo của Đài Loan tại Trung Quốc nhưng sau đó bị chính phía Đài Bắc “tóm” vì cung cấp thông tin tình báo cho Bắc Kinh, trong đó có danh sách điệp viên Đài Loan đang hoạt động tại Trung Quốc. Theo cáo trạng, Đại tá Lo cung cấp tin mật cho tình báo Trung Quốc đại lục ít nhất 12 lần để đổi lấy khoảng 100.000 USD. Các công tố viên quân sự Đài Loan còn cho hay, đồng phạm của Đại tá Lo là Lo Pin, một danh nhân Đài Loan tại Bắc Kinh. Ông Lo Pin cũng từng là nhân viên MIB và được giao nhiệm vụ “đội lốt” doanh nhân tại Bắc Kinh nhưng sau đó bị cơ quan tình báo Trung Quốc bắt và “thu phục”. Doanh nhân này nhanh chóng “ngả lòng” về phía Bắc Kinh và phối hợp “ăn ý” với đại tá Lo trong các hoạt động tình báo cho Trung Quốc.
Đài Loan và Trung Quốc đại lục đang "nóng" cuộc chiến tình báo
Sau khi vụ việc phản bội của hai điệp viên này bị phát giác, giới chức vùng lãnh thổ Đài Loan không khỏi lo ngại về tính hiệu quả của mạng lưới tình báo Đài Bắc tại Bắc Kinh. Thiếu tướng Yu Sy-tue của Đài Loan cho biết: “Vụ rò rỉ thông tin mật do Đại tá Lo gây ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tình báo của Đài Loan tại Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo ông, quan trọng hơn cả, vụ việc này cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của MIB, đặc biệt trong công tác tuyển dụng điệp báo. Theo một số chuyên gia, cơ quan tình báo Đài Loan có một bộ máy nhân viên “cồng kềnh” song không hiệu quả. Hoạt động thu thập tin mật chỉ dựa vào các doanh nhân và sinh viên. Do đó, thông tin thu về không thực sự chất lượng và toàn diện. Ngoài ra, những điệp báo “nghiệp dư” này cũng dễ bị “dụ dỗ” trở thành điệp viên hai mang. Vụ bắt giữ điệp viên hai mang Chang Chuan-chen và Tseng Nen-duen là một bê bối tình báo khác tại Đài Loan. Theo tờ Apple Daily của Đài Loan, sau khi nghỉ hưu hồi năm 2006, cựu nhân viên Chang Chuan-chen chuyển đến Trung Quốc đại lục sinh sống và tiêp tục cộng tác với MIB khi liên tục gửi thông tin tình báo thu thập được ở Bắc Kinh về cho vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, giới chức MIB phát hiện Chang Chuan-chen cũng là kẻ phản bội khi đồng thời cung cấp tin mật có được tại Đài Loan qua đồng nghiệp Tseng Nen-duen cho cơ quan tình báo của Trung Quốc đại lục. Ngay sau vụ phát giác này, giới chức MIB lập tức ra lệnh cấm các cựu điệp viên của cơ quan này đến Trung Quốc đại lục. “Thực tế cho thấy Bắc Kinh đang tận dụng mọi thủ đoạn để thu thập tin tức của chúng ta. Một số đồng nghiệp của chúng ta không giữ được mình và đã sa ngã khi sang đó. Vì vậy, lệnh cấm này là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh cho Đài Bắc”, Chang Kan-ping, quan chức MIB tuyên bố. Tuy nhiên, không phải chỉ có Trung Quốc đại lục muốn có tin mật từ phía Đài Loan mà ngược lại, Đài Bắc cũng có mong muốn đó. Một quan chức quân sự Trung Quốc mới đây cũng bị xử tử hình vì bán thông tin mật cho Đài  Loan. Dù sao, những vụ phát giác như vậy ở Bắc Kinh cũng ít phổ biến hơn ở Đài Bắc bởi theo China Brief Volume, với thế và lực như hiện nay, công tác tuyển dụng điệp báo chống Đài Loan của Trung Quốc đại lục cũng dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là, Bắc Kinh có nhiều cơ hội chiến thắng hơn Đài Bắc trong cuộc chiến tranh không tiếng súng này.
Theo Trà My
Đất Việt

Đọc thêm