"Nóng" chuyện cấm tranh khỏa thân

Câu chuyện tranh khỏa thân, nghệ thuật hay dung tục lại một lần nữa được “xới” lên khi mới đây, Sở Thông tin truyền thông TP liên tục cấm và hạn chế tranh khỏa thân xuất hiện tại các triển lãm. 

Câu chuyện tranh khỏa thân, nghệ thuật hay dung tục lại một lần nữa được “xới” lên khi mới đây, Sở Thông tin truyền thông TP liên tục cấm và hạn chế tranh khỏa thân xuất hiện tại các triển lãm.  

Tranh khỏa thân vẫn bị "cấm cửa" ở nhiều cuộc triển lãm
Mập mờ lý do cấm cản
Triển lãm tranh mang tên Làng quê Việt của cố kiến trúc sư Trần Tiến Đạt diễn ra vào ngày 10 – 19/10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Tuy nhiên, theo giới Mỹ thuật TP, thì triển lãm đã thiếu trọn vẹn vì 12 bức tranh khỏa thân được đánh giá cao của ông vì bị nhà quản lý từ chối trưng bày. 
Điều này khiến vợ cố kiến trúc sư lẫn những nhà chuyên môn  khá bức xúc, họ cho rằng phía nhà quản lý đã  “kì thị” với tranh khỏa thân. Ý kiến này không phải không có lý, vì trường hợp tranh khỏa thân của các nghệ sĩ – dù đã được đánh giá cao về mặt chuyên môn, thẩm mỹ, nghệ thuật -  thì vẫn thường bị “cấm”, bị “gạt tên” ra khỏi các buổi triển lãm nghệ thuật. Thậm chí, bà Lê Thị Minh Loan, chánh Văn phòng Hội Mỹ thuật TP.HCM còn thuật lại câu nói của một vị quản lý khi bà đưa hồ sơ xin cấp phép triển lãm: “Nếu đã là tranh khỏa thân thì thôi đừng đưa lên nữa, không được duyệt đâu !”
Nhiều trường hợp nghệ sĩ bị cấm, ngưng triển lãm có liên quan đến tranh khỏa thân ở “phút thứ 89” mà vẫn băn khoăn không hiểu lý do tại sao, như trường hợp họa sĩ Nguyễn Kim Đính, hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế đã bị Sở VH,TT&DL tỉnh này khước từ cấp giấy phép triển lãm khi chỉ cách ngày ấn định ra mắt công chúng hai ngày.
 Nhiều họa sĩ, vì không được cấp phép triển lãm mà “mê” quá, tiếc quá nên “lách” bằng cách nhờ trưng bày tại… quán cà phê. Có trường hợp cá biệt, họa sĩ xin giấy phép tổ chức triển lãm tranh khóa thân ở Hà Nội thì được cho phép, đã “làm hòanh tráng”, nhưng đến khi vào tới TP.HCM thì lại bị cấm.
Thái Phiên, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng với ảnh khỏa thân cũng từng bày tỏ nỗi buồn khi những đề nghị xin cấp phép tổ chức triển lãm ảnh khỏa thân của ông thường nhận được cái… lắc đầu. Để có được buổi triển lãm tranh khỏa thân như khát khao của mình và người hâm mộ, người nghệ sĩ nhiếp ảnh này phải lặn lội ra Hà Nội, tự mò mẫm, xoay xở, xin giấy phép, nhờ người quen… để cuối cùng mới có được buổi triển lãm thuộc dạng “hiếm”. Về các trường hợp cấm nêu trên, Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Bến Tre cho rằng, việc làm của nhà quản lý như vậy là thiếu tính "minh bạch" vì  hiện nay không có căn cứ pháp lý để cấm triển lãm tranh khỏa thân trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tranh bị cấm đa phần đều đẹp ở tính nghệ thuật
Đại diện nhà quản lý văn hóa đều trả lời mập mờ về nguyên nhân cấm cản tranh, ảnh khỏa thân và đưa ra lý do chung  là vì “không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Và phía nhà quản lý cũng luôn khẳng định rằng “không có chủ trương cấm đối với triển lãm khỏa thân”. Nói là không cấm, thế nhưng khi được xin phép thì không cho phép? 
 
Quay lại với 12 bức tranh khỏa thân bị cấm triển lãm của cố kiến trúc sư Trần Tiến Đạt, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ - nhà giáo nhân dân Uyên Huy đã chủ động nêu chính kiến của mình rằng : Cấm tranh khỏa thân là không thuyết phục, không căn cứ. Đồng thời, họa sĩ Uyên Huy cũng khẳng định, tranh của Trần Tiến Đạt không vi phạm thuần phong mỹ tục, không phạm luật, lại được đánh gía cao về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, tính biểu cảm.
Không vi phạm thuần phong mỹ tục, không phạm luật, nhưng vẫn bị cấm, đây là câu hỏi “tại sao” nên đặt ra cho các nhà quản lý vì thực tế đã chứng minh, nếu “cấm cửa” tranh, ảnh nude nghệ thuật để công chúng thưởng lãm, thì cái hại sẽ gấp nhiều lần khi họ tìm đến với tranh, ảnh nude “ngòai luồng” trên internet để tìm hiểu, xem.
Điều cần thiết không phải là cấm, mà là cho phép có chọn lọc để định hướng công chúng đến với cái đẹp. Tại Điều 5b, Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và Gallery (Ban hành theo Quyết định số 03/1999/ QĐ-BVHTT của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ngày 2/2/1999) quy định về các tác phẩm không được trưng bày, mua bán: Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng văn hoá phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.
Có thể thấy, yếu tố “lối sống dâm ô, đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục” thường được các nhà quản lý đưa ra để “cấm cửa” các cuộc triển lãm có tranh khỏa thân. Trong khi đó, các nghệ sĩ, những người đứng đầu trong nghệ thuật hội họa, mỹ thuật vẫn luôn lên tiếng, cho rằng những bức tranh bị cấm đa phần đều đẹp ở tính nghệ thuật, nửa ẩn nửa hiện và rất thẩm mỹ chứ không dung tục, trần trụi, vi phạm thuần phong mỹ tục. 
“Thuần phong mỹ tục”, hiểu sao cho đúng?
Như vậy, cái “vướng” có thể thấy ở đây là khái niệm thế nào là dâm ô, đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục. Cần thiết nhất là có văn bản hướng dẫn cụ thể tranh ảnh thế nào là dâm ô đồi trụy, thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục, nghĩa là đưa ra một ranh giới tương đối rõ ràng, vừa dễ cho nhà quản lý, mà cũng nhẹ nhàng cho giới nghệ thuật, để họ “tâm phục khẩu phục”. Chính vì thiếu một văn bản hướng dẫn rõ ràng mà nghệ sĩ phản ứng mạnh trước “cây kéo” của nhà quản lý. 
LS Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM nói về vấn đề này: Hiện chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa khái niệm “thuần phong mỹ tục”. Trong các từ điển tiếng Việt cũng không có định nghĩa cho khái niệm này. Có cơ quan nhà nước giải thích: “Khái niệm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc luôn có biến đổi; Do đó, khái niệm này sẽ được giải thích tuỳ vào từng hoàn cảnh cụ thể”.
Một ví dụ, ngày 11/02/2011, Sở VH-TT&DL của một tỉnh đã có công văn từ chối cấp phép cho cuộc thi “Bữa tiệc của những nụ hôn”. Trong văn bản từ chối cấp phép, Sở nêu lý do “vì không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, dễ gây phản cảm với khán giả, ảnh hưởng tới dư luận”. Không chỉ tranh hay hành vi khỏa thân được cho là vi phạm thuần phong mỹ tục mà ăn mặc kín đáo nhưng hôn ở nơi công cộng cũng có thể bị coi là vi phạm thuần phong mỹ tục. Thậm chí không phải là người mà là ma-nơ-canh nếu trưng bày quần, áo lót, tã lót ở nơi công cộng hoặc mặt tiền nơi sản xuất, kinh doanh cũng có thể bị coi là làm mất mỹ quan đô thị và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Như vậy, "thuần phong mỹ tục" là gì thì chưa có định nghĩa cụ thể. Mà không có định nghĩa cụ thể thì chỉ phụ thuộc vào nhận định của mỗi người. Mỗi người nhận định mỗi khác. Sở không cấp phép và giải thích như vậy thì cũng khó có cơ sở để cho rằng Sở sai , chỉ có điều quy định không rõ ràng như vậy sẽ làm khó cho các nghệ sĩ . Khi nào cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản quy định cụ thể thế nào là “thuần phong mỹ tục” thì những tranh ảnh, hành vi nhạy cảm như vậy sẽ còn bị “cấm cửa” dài dài.  
Ngọc Mai

Đọc thêm